Trung Quốc bất mãn vì chỉ đóng 'vai phụ' trong cuộc tìm kiếm MH370

08/04/2014 13:20 GMT+7

(TNO) Bắc Kinh đang bất mãn vì không được giao vai trò chính thức nào trong cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích, tờ The Washington Post (Mỹ) nhận định ngày 8.4.

(TNO) Trung Quốc đã công bố thông tin phát hiện tín hiệu điện tử nghi của hộp đen MH370 trên kênh truyền thông trong nước, thay vì cung cấp manh mối mới này cho đội tìm kiếm quốc tế - một động thái cho thấy có thể Bắc Kinh bất mãn vì không được giao vai trò chính thức nào trong cuộc tìm kiếm MH370, theo tờ The Washington Post (Mỹ) ngày 8.4.


Tàu cứu hộ Hải tuần 01 của Trung Quốc đang tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích tại vùng biển phía nam Ấn Độ Dương vào hôm 5.4 - Ảnh: Reuters

Vào hôm 6.4, một tàu hải quân Úc thông báo đã bắt được các tín hiệu “trùng với” loại phát ra từ hộp đen của các máy ba,y ở khu vực tìm kiếm tại Ấn Độ Dương.

Nhưng đó không phải là các tín hiệu “ping” duy nhất được nghe thấy. Ban đầu, thông báo của phía Úc được hiểu như bằng chứng củng cố thêm thông báo do Trung Quốc đưa ra trước đó, theo The Washington Post.

Vào hôm 5.4, Tân Hoa xã đưa tin Hải tuần 01, tàu cứu hộ lớn nhất của Trung Quốc tham gia tìm kiếm MH370, cũng đã phát hiện tín hiệu điện tử.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nhận ra một điều khó hiểu, đó là địa điểm mà 2 nước phát hiện được tín hiệu tình nghi của máy bay mất tích nằm cách nhau đến hơn 555 km.

Ngoài ra, các điều tra viên Úc nói với cánh phóng viên báo đài rằng họ đã không nghe phía Trung Quốc nói gì về việc bắt được tín hiệu điện tử trong khu vực tìm kiếm, cho đến khi Tân Hoa xã công bố thông tin này vào hôm 5.4.

Cũng trong ngày 5.4, tờ Sydney Morning Herald (Úc) đăng tải một bài bình luận đề xuất chính phủ Úc nên lên tiếng yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin, sau bản tin của Tân Hoa xã phát đi.

Theo nhận định của The Washington Post, vụ việc nói trên làm lộ ra một khó khăn trong việc tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích - vai trò khó hiểu của Bắc Kinh trong cuộc điều tra.

Mặc dù có quyền lợi lớn trong việc tìm kiếm MH370 khi gần 2/3 hành khách trên máy bay là công dân Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không có một vai trò chính thức nào trong cuộc điều tra.

Điều này xuất phát từ Công ước Hàng không Dân sự Quốc tế (hay còn gọi là Công ước Chicago), công ước này sau đó là  thỏa thuận chính dẫn đến việc thành lập Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) vào năm 1947.

Công ước Chicago quy định những bên có vai trò chính trong cuộc điều tra về tai nạn máy bay sẽ gồm quốc gia sở hữu máy bay bị nạn (trong vụ MH370 là Malaysia), hãng sản xuất máy bay và động cơ của máy bay (ở đây là Boeing và Rolls Royce) và quốc gia thiết lập khu vực tìm kiếm (hiện đang là Úc).

Do đó, theo quy định nói trên, các nước tham gia tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 mất tích không nhất thiết phải cung cấp thông tin cho Trung Quốc.

Giới quan sát cho rằng chính điều này có thể đã khiến Bắc Kinh bất mãn.

The Washington Post cho biết chính phủ Trung Quốc đã ngầm cho phép gia đình các thân nhân trên chuyến bay MH370 biểu tình bên ngoài đại sứ quán Malaysia ở Bắc Kinh và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có những chỉ trích gay gắt đối với cách xử lý của phía Malaysia.

Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia Hoàng Huệ Khang nói rằng chính phủ Malaysia “quá thiếu kinh nhiệm và năng lực” để có thể điều tra tốt vụ việc.

Truyền thông Trung Quốc đăng tải nhiều bài xã luận “ném đá” chính phủ Malaysia, trong khi ca ngợi hết lời về hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay của lực lượng nước nhà.

“Trong khi máy bay trinh sát P3 Orion của Úc và New Zealand gặp khó khi tìm kiếm trên một phạm vi rộng lớn và phải lệ thuộc vào ảnh chụp hồng ngoại, máy bay IL-76 của Trung Quốc sẽ giúp ích cho giới chức tại Úc”, Tân Hoa xã bình luận tại thời điểm Bắc Kinh gửi máy bay quân sự tham gia cuộc tìm kiếm.

Tuy nhiên, không có tờ báo Trung Quốc nào đưa tin về việc chiếc IL-76 hạ cánh nhầm sân bay ở Úc, The Washington Post lưu ý.

Các nhà phân tích cũng nhận định rằng việc Trung Quốc thông qua Tân Hoa xã công bố thông tin về tín hiệu tình nghi hôm 5.4 là nhằm cho thấy nước này đã nắm thế chủ động trong việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích ở Ấn Độ Dương.

Hoàng Uy

>> Diễn biến mới vụ MH370: Tàu Úc nghe tín hiệu hộp đen máy bay suốt 2 giờ
>> 12 máy bay, 14 tàu chiến chạy đua với thời gian tìm máy bay MH370
>> Phát hiện tín hiệu tình nghi của hộp đen MH370
>> Có thể sẽ không bao giờ tìm ra nguyên nhân máy bay MH370 mất tích
>> Vụ máy bay MH370 sẽ bao trùm cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ASEAN
>> Siêu máy bay trinh sát Mỹ không giải nổi bí ẩn MH370
>> Anh phái tàu ngầm hạt nhân tham gia tìm kiếm máy bay MH370 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.