Bên cạnh dịch sởi đang diễn biến khó lường, nhiều loại bệnh nhiễm cũng đang gia tăng nhanh chóng khiến rất nhiều trẻ phải nhập viện.
Bệnh nhân quá đông, nhiều trẻ và gia đình ra hành lang của BV Nhi đồng 1 nằm cho thoáng - Ảnh: Lương Ngọc |
25 ca tử vong do sởi
Trước tình trạng căng thẳng bệnh sởi, chiều 8.4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến về tình hình bệnh này.
Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước có 6.611 ca sởi và phát ban dạng sởi; 52% số mắc thuộc các tỉnh phía bắc. Đã có 25 ca tử vong liên quan đến sởi. PGS-TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, cho biết: “Đáng lo ngại trong 6 ca tử vong, BV tiến hành xét nghiệm thì phát hiện trẻ đồng nhiễm nhiều loại vi rút. Có những trường hợp nặng viêm sởi suy hô hấp, suy đa tạng phải ứng dụng kỹ thuật cao, để cứu được bệnh nhi này với chi phí lên đến nửa tỉ đồng, là chưa từng có lâu nay”.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai, Hà Nội), lo ngại: “Chúng tôi thấy sởi năm nay bất thường, viêm phổi diễn biến rất nhanh. Bình thường bệnh nhân mắc sởi chỉ gặp biến chứng viêm phổi sau khi ban sởi đã bay hết nhưng năm nay, vi rút sởi tấn công trực tiếp vào phổi, gây biến chứng viêm phổi rất nhanh và nặng, tỷ lệ tử vong cao. Hơn nữa vụ dịch năm nay gặp nhiều trẻ dưới 1 tuổi, thậm chí có trẻ mới 24 ngày tuổi đã mắc sởi”.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ và các viện Pasteur tiến hành nghiên cứu về sự lưu hành của vi rút sởi; các địa phương quyết liệt triển khai tiêm sởi cho các trẻ từ 9 tháng đến dưới 24 tháng tuổi. Trong số 700.000 trẻ thuộc diện tiêm, hiện mới đạt tỷ lệ tiêm 44% .
Nhiều loại bệnh nhiễm gia tăng
Nhiều người thân nuôi trẻ bệnh ở BV Bạch Mai (Hà Nội) lo lắng, sợ nằm ghép chung giường trẻ lây nhiễm bệnh sởi nên đã cho bé ra hành lang nằm. Tại BV Nhi đồng 1 TP.HCM, hai ngày đầu tuần lượng trẻ đến Khoa Nhiễm rất đông. Các dãy hành lang cũng chật kín trẻ được người nhà trải chiếu nằm, vì buồng bệnh quá đông. Mẹ bệnh nhi Nguyễn Thọ Đạt (vào viện hôm 7.4), cho biết: “Vì bệnh nhi đông quá, nhiều trẻ cùng giường, nên Đạt được mẹ bế ra hành lang nằm cho thoáng”.
Tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM, lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TCM) nằm viện cũng rất đông, phòng nào cũng chật kín hết giường. Nhiều bệnh nhi cũng được ghi phòng cụ thể nhưng vì chật quá nên gia đình mang ghế bố ra ngoài hành lang cho trẻ nằm. Tại BV Nhi đồng 1, những ngày qua bình quân mỗi ngày luôn có khoảng trên dưới 45 bệnh nhi TCM. Con số này ở BV Nhi đồng 2 là trên dưới 35 ca. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm (BV Nhi đồng 1), bệnh TCM đang bắt đầu trở lại, và đã có những ca bệnh nặng. Hằng năm bệnh TCM xảy ra nhiều từ nay đến hết tháng 6. Từ đầu năm đến cuối tháng 3, TP có gần 1.900 ca mắc TCM, tăng gần 30% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Đang là mùa nắng nhưng bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM lại xảy ra nhiều. Từ đầu năm đến nay, toàn TP có gần 2.200 ca mắc sốt xuất huyết - tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2013. Ngoài ra, BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2, những ngày qua luôn có trên 100 trẻ mắc bệnh sởi điều trị nội trú. Giường bệnh ở hai nơi này cũng không có đủ cho bệnh nhi mắc sởi. Nhiều trẻ cũng có số phòng (để gọi tên cho thuốc, làm giấy tờ), nhưng chủ yếu nằm ở hành lang cho thoáng.
T.Tùng - L.Châu - L.Ngọc
>> Tăng cường máy thở cho các bệnh viện chống dịch sởi
>> Dịch sởi bùng phát tại TP.HCM: Hậu quả của việc không tiêm vắc xin
>> Bất thường dịch sởi, cảnh báo thủy đậu
>> Dịch sởi bùng phát tại 5 tỉnh thành
Bình luận (0)