(TNO) Việt Nam là một trong những nước đã tích cực tham gia tìm kiếm chiếc máy bay số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích bí ẩn cả tháng qua.
|
Quá trình tìm kiếm đó đã cho thấy nỗ lực lớn lao của những “biệt đội” tìm kiếm cứu nạn trên không lẫn trên biển xuất sắc của chúng ta. Không chỉ thể hiện sự phối hợp nhuần nhuyễn, khoa học và chuyên nghiệp trong nhiệm vụ quốc tế tương tự như vụ tìm kiếm máy bay MH370 mà trong công tác thường nhật, đội ngũ phi công và cứu nạn hàng hải Việt Nam vẫn ghi dấu ấn qua những chuyến bay thần tốc phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ khắc phục thiên tai, bảo vệ vùng trời vùng biển thiêng liêng của tổ quốc…
Kỳ 1: Bay xuyên giông tố cứu người
Nhận được lệnh là bay, những chuyến “đi mây về gió” trong phút chốc qua lời kể của những phi công ở Trung đoàn 917 (thuộc Sư đoàn 370, Quân chủng phòng không - không quân) nghe nhẹ tênh, nhưng khoảnh khắc ngắn ngủi ấy là quá trình vật lộn đánh đổi tính mạng để cấp tốc cứu người. Họ còn kể cho chúng tôi nghe những chuyện ly kỳ hơn thế…
Cứu nạn nhân giữa lũ dữ như phim hành động
Nhận được lệnh đi cứu người gấp do lũ cuốn ở Đắk Lắk, chiếc trực thăng do phi công Ngô Vy Sơn làm cơ trưởng lập tức bay đi.
Khi nghe thông báo có 3 người dân mắc kẹt dưới sông suốt 5 ngày giữa 2 khe núi, chiếc trực thăng lao vào khe núi lần thứ nhất, gió bắt đầu giật liên hồi, đành phải quay ra. Giữa những đợt cuồng phong, chiếc trực thăng bay vào rồi lại phải lao ra khỏi khe núi.
Phải đến lần thứ 3, bất chấp mưa bão, tổ lái phải lách đường khác rồi lại len vào khe núi lần nữa mới có thể tiếp cận được 3 người bị nạn đang chới với mắc kẹt trên một hòn đá giữa sông.
Trong khi mây đen vần vũ, gió quật từng hồi, anh Ngô Vy Sơn cho hạ thấp trực thăng dần rồi treo giữa trời, thả cẩu và đưa 3 người lên cùng lúc.
Chuyến “chuyên cơ” đặc biệt ấy trở về an toàn và 3 người dân thoát nạn bình yên.
Theo lời kể, hôm đó là lần cứu người thứ 2 mà tổ bay Trung đoàn 917 dùng đến cẩu vớt trong điều kiện thời tiết nguy hiểm. Trước đó, cụ thể là vào năm 2007, tổ bay do phi công Ngô Vy Sơn làm cơ trưởng cũng dùng cẩu vớt để cứu người giữa biển Cần Giờ.
Đến nay, cũng chỉ có những phi công thật sự lão luyện mới có thể “treo” trực thăng giữa trời như thế để cứu người.
Đó chỉ là một trong nhiều lần làm nhiệm vụ phải đánh đổi tính mạng của thượng tá Ngô Vy Sơn, nay đã hơn 50 tuổi với hơn 30 năm gắn bó trên ghế phi công. Cũng vì thế mà với đồng đội, thượng tá Ngô Vy Sơn được xem là người “có duyên” cứu người.
“Những lúc ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, chúng tôi chỉ biết cứu người nên không cảm thấy gì. Chưa kể, nhìn thấy người gặp nạn cũng như người thân của mình. Chỉ đến khi về đến nơi an toàn, nghĩ lại mới thấy khiếp”, thượng tá Ngô Vy Sơn tâm sự.
Cùng với nhiệm vụ cứu người, đội phi công ở Trung đoàn 917 nhiều lần phải bay qua những vùng núi dựng đứng, địa hình phức tạp, mưa gió mịt mù…, để tiếp cận khu vực bị mưa bão cô lập ở miền Trung nhằm tiếp tế thực phẩm cho người dân.
|
Bay giữa đêm khuya cấp cứu nhà sư ở đảo Song Tử Tây
Cuối tháng 9.2013, hơn 23 giờ đêm, tổ bay Mi-171 nhận lệnh xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, bay khẩn cấp đến đảo Song Tử Tây để cấp cứu bệnh nhân là một nhà sư.
|
Cơ trưởng chuyến bay là thượng tá Trần Văn Quang cùng 4 người khác trong tổ. Để bay được đến đảo Song Tử Tây, chiếc Mi-171 phải đến Phan Rang (Ninh Thuận). Nhưng khi vừa đáp trực thăng xuống Phan Rang, thời tiết lúc này lại không chiều lòng người khi cơn bão số 10 diễn ra hết sức phức tạp.
Phải đến ngày 3.10, tổ bay mới được phép tiếp tục cất cánh từ Phan Rang ra đảo Song Tử Tây và mất hơn 5 tiếng đồng hồ mới đến được đảo, sau đó lại đưa bệnh nhân bay trở về Phan Rang sơ cứu và đến TP.HCM ngay sau đó.
Thượng tá Trần Văn Quang kể lại: “Cơn bão số 10 khiến thời tiết lúc đó rất xấu. Trên đường ra đảo Song Tử Tây, đội bay khi bám sát mặt biển để tránh mây giông, có lúc lại phải lên cao 2.000 mét và liên tục thay đổi hướng bay”.
Đường đi lẫn đường về chỉ vài tiếng đồng hồ, nhưng đó là thời gian dài đằng đẵng tổ bay phải vật lộn trên những chặng đường đi để cuối cùng đưa được nhà sư Thích Thánh Thành đến Bệnh viện Quân y 175 để điều trị.
Với 33 năm ngồi ghế phi công, theo thượng tá Trần Văn Quang, những hiểm nguy trên các chuyến bay đi làm nhiệm vụ là điều khó tránh khỏi, mỗi phi công đều hiểu và đối mặt với nó.
Chỉ riêng trong năm 2013, Trung đoàn này đã có hơn chục chuyến bay đặc biệt khẩn cấp như bay chở cấp cứu chuyên gia người Nga ở Nha Trang (Khánh Hòa); cấp cứu ngư dân trên quần đảo Trường Sa; tìm kiếm, cấp cứu ca nô bị chìm trên biển Cần Giờ; tìm kiếm tàu đắm của ngư dân tại vùng biển Vũng Tàu,…
Những chuyến bay đặc biệt ấy, vẫn thường được gọi là “chuyên cơ cho dân”. Và không ít lần, tưởng như chuyến “chuyên cơ” ấy không thể toàn vẹn trở về.
Đối với Trung đoàn 917, các phi công ở đây luôn ở tư thế sẵn sàng bay thần tốc đến bất cứ đâu, bất cứ khi nào, dù ngày hay đêm.
Đào tạo phi công không hề dễ Đại tá Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm huấn luyện (thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Bộ Quốc phòng) chia sẻ về những yếu tố để có thể trở thành một phi công: Người phi công nói chung, đặc biệt là phi công quân sự đòi hỏi nhiều yếu tố về tư duy, sức khỏe, bản lĩnh và năng khiếu. Năng khiếu ở đây có thể hiểu là nghề lái máy bay cần những phản ứng tự nhiên một cách nhanh nhạy, như khi máy bay thay đổi độ cao, thay đổi nhiệt độ, người có năng khiếu thì mới cảm nhận được. Đại tá Vinh dẫn chứng bằng câu chuyện của đại tá Phạm Quang Thiết, Phó giám đốc Trung tâm huấn luyện, từng hạ cánh an toàn máy bay ở Malaysia khi gặp sự cố ngày 30.1.2007. “Khi anh Thiết đang bay trên biển, đột nhiên máy bay bốc cháy, khói làm mờ cả kính. Chỉ trong tích tắc 5 giây, với tình trạng khói như vậy, tim đập mạnh, anh đã giữ bình tĩnh và hạ cánh an toàn xuống biển. Dù máy bay bị lật, nhưng chỉ một hành khách mất mạng trước khi hạ cánh”, đại tá Vinh cho biết. Chia sẻ về công việc phi công, đại tá Thiết nói: “Nhìn phi công chúng tôi rất phong trần vì ngày nào cũng phải dầm mưa dãi nắng. Có những lúc chúng tôi phải dậy lúc 12 giờ đêm để bay, đi chuyến đường dài 3 giờ về nhưng 4 giờ sáng chưa chắc đã ngủ được. Bởi lẽ, dù mình thấy bình thường nhưng sinh lý lại cần thời gian dài để thư giãn do đã làm việc rất căng trong thời gian ngắn”. Theo quy định Cục Hàng không Việt Nam, để thành phi công phải có 150 giờ bay. Theo chi phí hiện tại ước tính khoảng 2.000 USD/giờ bay, nghĩa là chi phí đào tạo một phi công có thể bay được và hoàn thành nhiệm vụ khoảng 300.000 USD, chưa kể các chi phí khác. Đào tạo một phi công trực thăng lại khó hơn đào tạo phi công máy bay nên chi phí huấn luyện phi công máy bay và trực thăng cũng vì thế mà khác nhau. |
Hoàng Quyên
>> Trực thăng cứu hộ Mi 171 xác định không có vết dầu loang
>> Điều máy bay trực thăng cứu hộ thủy thủ
>> Trực thăng cứu hộ thành công 35 người trên giàn khoan
Bình luận (0)