Kiểm soát môi trường trong phát triển nguyên liệu dệt may, da giày

11/04/2014 03:15 GMT+7

Ngành dệt may và da giày VN đứng trước thời cơ giải được các bài toán về vốn, quản lý và công nghệ để đẩy nhanh việc sản xuất vải và da thuộc, nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang là thách thức không hề nhỏ.

 Vải và da thuộc trong nước hiện chỉ đáp ứng 20% nhu cầu của ngành dệt may, da giày - Ảnh: Diệp Đức Minh
Vải và da thuộc trong nước hiện chỉ đáp ứng 20% nhu cầu của ngành dệt may, da giày
- Ảnh: Diệp Đức Minh

Với khoảng 3 triệu lao động, chiếm gần 7% lực lượng lao động và 30 tỉ USD xuất khẩu, chiếm 23% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2013, không ai có thể nghi ngờ vai trò rất quan trọng của ngành dệt may và da giày trong nền kinh tế nước ta. Trong vòng 10 năm tới khi VN thương lượng thành công các hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Nga và đặc biệt là Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì ngành dệt may và da giày VN sẽ càng có điều kiện phát triển và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế đất nước.

Thế nhưng, các nhà hoạch định chính sách kinh tế cũng đã nhiều lần đặt vấn đề về bài toán hiệu quả thực sự của xuất khẩu ngành này, khi mà có đến khoảng 80% nguyên vật liệu chính (vải và da thuộc) vẫn phải nhập khẩu. Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may và Hiệp hội Da giày VN, chỉ riêng vải và da thuộc nhập khẩu trong năm 2013 là gần 15 tỉ USD, do năng lực sản xuất trong nước còn quá nhỏ bé, chỉ thỏa mãn chưa đến 20% nhu cầu của sản xuất hàng may mặc và giày da. Đây chính là nút thắt cổ chai cho sự phát triển bền vững của ngành dệt may và da giày trong thời gian tới. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng buồn này: Vốn đầu tư lớn, công nghệ phức tạp, quản lý khó khăn và đặc biệt là do lo ngại về ô nhiễm môi trường mà hầu hết các dự án đầu tư về dệt nhuộm và thuộc da đã bị các địa phương từ chối cấp phép. Việc các địa phương lo ngại không phải vô căn cứ, khi mà những câu chuyện ô nhiễm sông Đồng Nai do Vedan và Sonadezi gây ra cách đây không lâu vẫn còn dư âm nóng hổi trên báo chí và công luận. Câu chuyện về những khu công nghiệp (KCN) dệt nhuộm đã được cấp phép tại Tây Ninh, vùng đất đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông mà hạ nguồn là các khu đông dân cư của tỉnh Long An và phần lớn TP.HCM, cũng đã gây nhiều phân vân cho những người có trách nhiệm về quản lý môi trường.

5 chính sách kiểm soát môi trường

Nếu phát triển công nghiệp nói chung và phát triển công nghiệp dệt nhuộm và thuộc da nói riêng mà dẫn đến hậu quả ô nhiễm môi trường như trên thì đúng là không nên làm. Phân tích kỹ thì tồn tại tình trạng là do công tác quản lý môi trường đã bị buông lỏng. Nếu có chính sách quản lý môi trường chặt kết hợp với chiến lược phát triển các ngành công nghiệp dễ gây ô nhiễm một cách hợp lý, chúng ta hoàn toàn có thể đạt cả hai mục tiêu: phát triển công nghiệp và kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường. 

Tham khảo mô hình quản lý những ngành công nghiệp dễ gây ô nhiễm tại các nước tiên tiến thì họ đã áp dụng 5 chính sách sau và đã giữ được môi trường trong lành: các dự án công nghiệp dễ gây ô nhiễm chỉ được thực hiện trong những KCN chuyên ngành có địa điểm phù hợp và có chế độ quản lý môi trường đúng quy định; địa điểm của các KCN chuyên ngành cách biệt các khu đông dân cư và gần bờ biển; KCN chuyên ngành phải có nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, số liệu quan trắc nước thải đã xử lý phải được nối mạng với trung tâm quản lý môi trường của khu vực; toàn bộ khí thải của các nhà máy phải được xử lý thu hồi muội than và khí độc trước khi thải ra môi trường; cơ quan quản lý có chính sách rõ ràng, đóng cửa kịp thời các doanh nghiệp vi phạm và khuyến khích các doanh nghiệp chấp hành tốt bằng cách giảm thuế hằng năm.

Ngành dệt may và da giày VN đang đứng trước thời cơ giải được các bài toán về vốn, quản lý và công nghệ để đẩy nhanh việc sản xuất vải và da thuộc, khi mà có nhiều nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc… đang muốn vào kết hợp cùng các doanh nghiệp trong nước đầu tư để đón đầu lợi ích do TPP và các FTA mang lại. Chúng ta nên tổ chức các KCN chuyên ngành có quản lý môi trường chặt để đón nhận những dự án này. Trong vòng 10 năm tới, nếu được khuyến khích thì việc sản xuất và cung ứng được trên 50% vải và da thuộc cho ngành may mặc và giày da VN là nằm trong khả năng của chúng ta.

Lê Quốc n
(Nguyên Chủ tịch Tập đoàn dệt may VN)

>> Vốn ngoại đổ mạnh vào dệt may
>> Nhiều cơ hội cho xuất khẩu dệt may
>> Làm rõ thiệt hại do Sonadezi Long Thành gây ra

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.