Theo nghị định, mức tiền lương (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người LĐ sống tại gia đình người sử dụng LĐ nếu có) do hai bên thỏa thuận, ghi trong hợp đồng (HĐ) LĐ và không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Trong đó, chi phí ăn, ở hằng tháng không vượt quá 50% mức tiền lương trong HĐLĐ. Trường hợp người sử dụng LĐ yêu cầu người LĐ làm việc ngoài thời gian ghi trong HĐLĐ, làm việc vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương thì người sử dụng LĐ phải trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định. Đáng chú ý, theo Nghị định, chủ sử dụng LĐ phải bố trí thời gian để người LĐ học văn hóa, học nghề khi người LĐ yêu cầu. Thời gian học, do hai bên thỏa thuận trong HĐLĐ.
Ngoài quy định về tiền lương, nghị định cũng nêu rõ, người sử dụng LĐ có trách nhiệm chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc và phần BHYT thuộc trách nhiệm của người sử dụng LĐ. Đối với người LĐ sống cùng gia đình người sử dụng LĐ, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi do hai bên thỏa thuận nhưng người LĐ phải được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục trong 24 giờ liên tục. Thời giờ làm việc đối với LĐ chưa thành niên (từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi) không được quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần; thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ/ngày và 20 giờ /tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Mỗi tuần, người LĐ được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp không thể bố trí được thì người sử dụng LĐ phải có trách nhiệm bảo đảm cho người LĐ được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25.5.2014.
T.Hằng
>> Người giúp việc gia đình sẽ được chi trả BHXH và BHYT
Bình luận (0)