Trần Văn Thiên bức xúc trình bày sự việc - Ảnh: Hoàng Sơn |
Mới đây, 2 trường hợp tại thôn Bình Tân (xã Bình Minh, H.Thăng Bình, Quảng Nam) phải trở về nước do người môi giới “đem con bỏ chợ”. Mọi hứa hẹn về công việc ổn định, có thu nhập cao không được thực hiện; kẻ môi giới thì rũ bỏ hết trách nhiệm, ôm tiền cao chạy xa bay. “Để được bay sang Nhật, gia đình em phải vay mượn khắp nơi để chồng đủ số tiền 190 triệu đồng cho một người tên là Trần Văn Nhân Vũ (trú tại thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh). Đây là số tiền trả trước cho 6 tháng học phí và 3 tháng tiền thuê phòng trọ.”, Trần Văn Thiên (22 tuổi), một nạn nhân kể lại.
Tháng 9.2012, Thiên theo học một lớp tiếng Nhật do Vũ (nhận mình là nhân viên một công ty CP du học quốc tế tại Hà Nội) giới thiệu. Dù chưa biết mặt chữ, nhưng Thiên vẫn đậu kỳ thi này. Tiếp đó, vào tháng 10.2012, Thiên tiếp tục lấy thêm một chứng chỉ năng lực tiếng Nhật Nat-Test theo sự “sắp đặt” của Vũ. Cầm hai chứng chỉ trên tay, Thiên thậm chí không đọc được một chữ được in trên đó nhưng vẫn đậu. “Đến tháng 1.2013, em được sắp xếp để bay sang Nhật rồi nhập học tại trường ISI Language College. Trong đợt nhập học này, ở Việt Nam có 25 người, riêng ở Quảng Nam có 9 người”, Thiên nói.
Những tháng đầu nơi đất khách quê người, cả nhóm phải chờ công việc theo lời hứa của Vũ. Thế nhưng càng trông càng vắng, số tiền đem theo đã tiêu hết mà việc làm vẫn không có. Thiên gọi điện thoại thúc giục thì Vũ trả lời là đã hết trách nhiệm. Đến tháng 5.2013, nhà trường gửi thông báo nộp học phí (khoảng 80 triệu đồng). Vì không có tiền, nhiều học sinh như Thiên đã tỏa đi các phố tại Nhật để lao động “chui” bằng nhiều nghề như: bốc vác, bán hàng… Đến tháng 7.2013, vì không chịu đựng được do việc làm nặng nhọc, Thiên đã điện thoại báo gia đình rồi vay mượn tiền bạc của bạn bè để mua vé máy bay về nước. Thiên bức xúc: “Có 9 người tại Quảng Nam thì chỉ còn 1 người được đi học do gia đình tiếp tục gửi tiền sang. Còn em và Võ Thanh Trung (trú cùng thôn) đã về nước, số còn lại bám trụ thì phải chui nhủi, lén lút đi làm thuê kiếm tiền. Qua Nhật, em mới biết thực tế 6 tháng học phí và 3 tháng chi phí ăn ở chỉ khoảng 100 triệu đồng. Nhưng người môi giới lại nhận đến 190 triệu đồng…”.
Ông Trần Minh Hùng, cha Thiên than thở: “Gia đình khó khăn nhưng, tui cũng cố gắng vay mượn cho con đi du học. Sau đó, Thiên sẽ trả từ từ, mình cũng được nhờ chút nào khi về già. Ai ngờ bây giờ ôm nợ, biết đến khi nào có tiền trả…”. Cùng lâm cảnh nợ nần, nhưng gia đình của em Võ Thanh Trung có phần bi đát hơn do cố “bơm tiền”, vớt vát để em ở lại Nhật Bản. Trung là sinh viên tại một trường đại học nhưng đã bỏ ngang để theo giấc mộng du học. Ngoài số tiền 190 triệu đồng bỏ ra để qua Nhật, gia đình em phải bỏ thêm 90 triệu đồng tiền học phí nửa năm tiếp theo, 20 triệu đồng cho Trung về nước. Tổng cộng nợ đến 300 triệu đồng.
Ông Trần Văn Tám, Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, đã nhận được thông tin về hai trường hợp du học “chui” phải trở về nước. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không thể can thiệp do gia đình của những em đi du học thường làm thủ tục trực tiếp với công ty. “Vả lại, công ty cũng không thông qua địa phương, các em đi du học không phải do xã tổ chức đưa đi nên khi xảy ra sự việc rất khó xử lý. Được biết, sau khi xảy ra sự việc, người môi giới tên Vũ đã tắt máy điện thoại, đi khỏi địa phương”, ông Tám cho hay.
Hoàng Sơn
Bình luận (0)