Đó là nhận định xác thực nhất về cả hiện tượng và bản chất mức lãi vay tiêu dùng của hầu hết các công ty tài chính trên thị trường hiện nay.
Phải khẳng định, sự có mặt của các công ty tài chính với các gói vay nhỏ lẻ là điều hết sức cần thiết cho thị trường vốn hiện nay.
Những khách hàng không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng; những người không có công việc ổn định; không có tài sản thế chấp; không chứng minh được khả năng trả nợ dài hạn... trước kia chỉ có thể vay mượn trong gia đình, bạn bè hoặc tìm đến tín dụng đen thì nay có thể vay ở các công ty tài chính với thủ tục thông thoáng, nhanh gọn hơn. Nhưng chính sự buông lỏng trong quản lý đã khiến họ thỏa sức móc túi người nghèo.
Bởi chỉ có người nghèo, không có tài sản thế chấp, cũng không hoặc chưa đủ tiền mua chiếc điện thoại, cái laptop hay chiếc ti vi... giá khoảng chục triệu đồng mới phải chấp nhận vay tiêu dùng từ các công ty này với mức lãi suất "cắt cổ". Rất nhiều người trong số đó không được giải thích rõ ràng về cách tính (theo dư nợ ban đầu hay dư nợ giảm dần) nên đã ký vào hồ sơ vay. Chỉ đến khi số lãi phải trả gần bằng tiền gốc, họ mới ngã ngửa vì món hàng được "hỗ trợ mua trả góp" đã đắt gấp đôi giá thị trường. Có thể khẳng định, không ở đâu mà người vay phải chịu mức lãi suất lên tới 70%/năm, thậm chí 100% nếu bị phạt trả chậm... như thế. Không những thế, "trói" người vay bằng những điều khoản hết sức ngặt nghèo. Trả chậm một vài ngày bị phạt thật nặng; có tiền muốn trả trước hạn cũng bị phạt 50% lãi vay cho suốt thời gian còn lại...
Sở dĩ các công ty tài chính có thể mặc sức móc túi người vay bởi họ được hoạt động khá thông thoáng, được quyền thỏa thuận lãi vay với khách hàng và đã tận dụng tối đa việc này để đẩy lãi vay lên trời. Thế là sinh viên, những công nhân, hộ gia đình, những người nghèo, những người không còn đường nào... lại trở thành mảnh đất màu mỡ nuôi các công ty này béo khỏe. Các chuyên gia kêu gọi người vay cẩn trọng khi xem hợp đồng; nhiều ý kiến khuyến cáo người dân nhờ luật sư tư vấn, rồi kiểm tra chéo thông tin... nhưng thực tế, "cái khó bó... đủ đường". Đó là chưa kể, người dân không thể biết hết được các chiêu trò chia nhỏ lãi suất, những khoản phí "bỗng dưng" mọc thêm bên cạnh lãi vay... và quan trọng hơn cả là họ đang cần nhưng kẹt tiền. Tất cả những điều này khiến họ dễ dàng trở thành "con mồi" cho các công ty tài chính. Vì vậy, không thể chỉ kêu gọi "người vay thông minh" mà Ngân hàng Nhà nước nên vào cuộc, can thiệp để bảo vệ quyền lợi của người vay.
Bất kỳ ai, bất kỳ thời gian nào trong ngày mỗi người chúng ta đều có thể nhận được cú điện thoại mời vay với những điều kiện hết sức thông thoáng từ các công ty tài chính... Nếu cơ quan quản lý không nhanh chóng có giải pháp siết lại hoạt động của các công ty này, ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của bẫy vay tiêu dùng "dễ vào khó ra" đang hoạt động công khai và rầm rộ trên thị trường tín dụng hiện nay.
Nguyên Hằng
>> Lãi suất vay tiêu dùng qua thẻ cao chót vót
>> NHNN cảnh báo cho vay tiêu dùng tăng nhanh
>> Cẩn trọng với vay tiêu dùng
>> Lãi vay tiêu dùng vẫn cao
>> Cân nhắc khi vay tiêu dùng từ công ty tài chính
Bình luận (0)