Đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Vẫn có cách làm tốt mà ít tiền

17/04/2014 09:10 GMT+7

Nhiều chuyên gia tiếp tục đề xuất các ý kiến để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiệu quả mà tiết kiệm.

Nhiều chuyên gia tiếp tục đề xuất các ý kiến để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiệu quả mà tiết kiệm.

 Đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Vẫn có cách làm tốt mà ít tiền
Có nhiều cách để thực hiện một chương trình - SGK chất lượng mà tiết kiệm - Ảnh: Ngọc Thắng

Bộ không nên “ôm” sách giáo khoa

Dự thảo Đề án đổi mới giáo dục phổ thông nêu định hướng: Bộ GD-ĐT biên soạn đủ một bộ sách; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ sách giáo khoa (SGK) hoặc các cuốn SGK khác.

Trong bài góp ý, ông Nguyễn Khánh Trung, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED), nhận định chủ trương này là sự tiến bộ đáng ghi nhận trong dự thảo đề án đổi mới này. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng Bộ vẫn quá “ôm đồm” trong chuyện này, mà cứ như vậy thì có lẽ vẫn không khác gì tình cảnh hiện nay mà chỉ thêm tốn kém cho xã hội.

Theo ông Trung, chỉ nên xem SGK là một giáo cụ, một mặt hàng lưu hành trên thị trường, Bộ nên áp dụng cơ chế thị trường trong quản lý. Như vậy, Bộ không nên là nhà sản xuất và phân phối mà chỉ nên đóng vai trò là trọng tài, làm công việc thẩm định các bộ sách, xem có đáp ứng được đòi hỏi của chương trình khung quốc gia hay không. Từ cách tiếp cận này, ông Trung đề xuất: “Bộ không nên đứng ra biên soạn SGK. Sẽ rất bất công và thiếu minh bạch nếu Bộ vừa là người giữ thẩm quyền cấp phép cho các bộ sách do các nhóm khác hoặc cá nhân biên soạn lại vừa là bên có “hàng” tham gia vào thị trường SGK. Làm như thế là thể hiện sự nửa vời trong đổi mới, không kích thích được sự đóng góp của xã hội, gây ra tốn kém mà không có gì bảo đảm chất lượng”.

Nhiều cách giảm chi phí

Lâu nay, khi góp ý cho việc biên soạn SGK, nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng nếu chúng ta đang thiếu những tác giả viết SGK chuyên nghiệp thì cách tốt nhất là có thể mua bản quyền và sử dụng SGK của các nước tiên tiến về các môn khoa học tự nhiên, ngoại ngữ; chỉ nên soạn SGK các môn khoa học xã hội... Làm như vậy vừa yên tâm về chất lượng vừa đỡ tốn kém kinh phí.

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho rằng phải tính toán để tiết kiệm tối đa với điều kiện kinh tế còn nghèo như nước ta. Ông đề nghị: “Phải bỏ bớt những khâu rườm rà. Ví dụ, việc tổ chức tham quan và tập huấn ở nước ngoài là không cần thiết và tốn kém. Nếu cần thì mời chuyên gia nước ngoài về tập huấn thay vì kéo hàng chục người đi nước ngoài mỗi đợt, lãng phí rất lớn”.

Góp ý về “tuổi thọ” của chương trình - SGK, tránh liên tục thay đổi gây tốn kém quá lớn, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng dự thảo đề án có ghi thời gian tồn tại của một chương trình giáo dục phổ thông ngày càng được rút ngắn, chỉ còn 5 - 6 năm, thậm chí ngắn hơn sẽ làm nhiều người lo lắng. “Một đề án được chuẩn bị trong vòng 8 năm (từ nay đến 2023) với rất nhiều công sức và chi phí như đề án này mà chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 5 - 6 năm thì rất lãng phí”, GS Thuyết nói. GS Thuyết đề xuất: “Đề án cần đưa ra được giải pháp thiết kế chương trình, SGK mới thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng này. Ví dụ với phần cứng, phần mềm và độ mở linh hoạt, cho phép tiếp nhận những yếu tố mới mà không phải thay đổi nhiều”.

Bài học lãng phí mua sắm thiết bị

Theo Bộ GD-ĐT, số tiền dự kiến đầu tư cho mua sắm trang thiết bị cho lần đổi mới sắp tới là 20.100 tỉ đồng. PGS Văn Như Cương cho rằng thực tế hiện nay nhiều thiết bị vẫn không được sử dụng hiệu quả hoặc đang đắp chiếu vì bị hỏng hóc.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14.4, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng tỏ ra bức xúc về vấn đề này khi phát biểu: “Tôi nhớ năm 2000 ngành GD-ĐT cũng quyết tâm đổi mới phương pháp lắm, trang thiết bị, đồ dùng dạy học... Năm nào Quốc hội cũng phân bổ ngân sách cho đổi mới trang thiết bị đồ dùng dạy học vài trăm tỉ đồng nhưng cơ sở vật chất vẫn không đồng bộ”.

Bà Mai dẫn chứng: “Đi xuống giám sát thì nhiều trường không có phòng học bộ môn, toàn bộ thiết bị cấp về để vào kho. Chỉ những trường ở vùng thuận lợi còn những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thì tôi xin nói rằng việc đổi mới là bất khả thi vì không có phòng học, hiện nay vẫn còn hàng chục ngàn phòng học phải tiếp tục làm”.

Bộ GD-ĐT công bố dự kiến chi tiêu hơn 34.000 tỉ đồng

Tối qua (16.4), Bộ GD-ĐT đã công bố (bằng văn bản) khái toán kinh phí thực hiện đổi mới chương trình - SGK phổ thông sau 2015. Theo đó, tổng kinh phí dự kiến cho đề án này là 34.275 tỉ đồng. Trong đó, 5 khoản chi cụ thể như sau:

Kinh phí dành cho biên soạn chương trình - SGK, sách giáo viên: 105 tỉ đồng, bao gồm: xây dựng chương trình tổng thể và chương trình các môn học của 12 lớp; biên soạn SGK, sách giáo viên từ lớp 1 đến lớp 12; tổ chức thẩm định chương trình và SGK...

Kinh phí dành cho tổ chức thử nghiệm chương trình - SGK mới tại 600 trường với 34.000 học sinh: 910 tỉ đồng, bao gồm: tập huấn, bồi dưỡng dạy thử nghiệm cho giáo viên và cán bộ quản lý (khoảng 20.000 người); đánh giá và hoàn thiện SGK, sách giáo viên; cấp SGK thử nghiệm cho  học sinh và sách giáo viên cho giáo viên dạy thử nghiệm.

Kinh phí triển khai dạy học đại trà theo chương trình - SGK mới: 8.150 tỉ đồng, bao gồm: Triển khai dạy học đại trà trên phạm vi cả nước (khoảng 30.000 trường, 15 triệu học sinh); tập huấn bồi dưỡng dạy học đại trà theo chương trình và SGK mới cho giáo viên và cán bộ quản lý (khoảng 900.000 người).

Khoán kinh phí lớn nhất dự kiến đầu tư cho trang thiết bị dạy học với: 20.100 tỉ đồng, bao gồm: bổ sung, thay thế khoảng 50% thiết bị dạy học tối thiểu đã có; trang bị mới thiết bị do chương trình - SGK mới yêu cầu.

Kinh phí dành cho ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục: 5.010 tỉ đồng, bao gồm: xây dựng kênh truyền thông giáo dục phục vụ đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông gắn với xây dựng xã hội học tập...

Ý kiến

Cải tổ nguồn lực quan trọng nhất

Về lý thuyết, muốn cải tổ bất kỳ một hệ thống giáo dục nào thì điều kiện tiên quyết cần có là đội ngũ giáo viên lành nghề và những nhà quản trị giáo dục giỏi. Đây chính là lĩnh vực mà VN còn thiếu và yếu. Do vậy, ngân sách cần được tập trung vào nâng chất nguồn nhân lực và cả cơ sở hạ tầng cơ bản. Trên thế giới, ở cấp bậc phổ thông, SGK đóng vai trò quan trọng nhưng chắc chắn là để có được SGK chất lượng thì không cần đòi hỏi một số tiền quá lớn. Có thể nghĩ tới phương án biên dịch SGK nước ngoài có chất lượng, dĩ nhiên là trong khuôn khổ luật pháp, và sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền từ lựa chọn này.

Đã có rất nhiều nước trên thế giới chi mạnh cho việc thiết lập các chuẩn đánh giá và kiểm tra để xem các trường đáp ứng những tiêu chí giáo dục như thế nào. Chủ trương này cũng có rất nhiều khiếm khuyết mà VN cần tránh vì những chương trình như vậy chỉ tập trung vào chuẩn hóa thi cử và cuối cùng đẩy giáo viên vào thế dạy học sinh cách đối phó với thi cử, lại rơi vào lối học vẹt. Nhiều nước như Mỹ và Trung Quốc đã tốn rất nhiều thời gian, công sức lẫn tiền bạc để cải tiến hiệu quả hoạt động của các trường nhưng kết quả thu được hầu như không đáng kể. Nguyên nhân là do các nhà cải cách đã tập trung quá nhiều vào việc thay đổi hệ thống thi cử, chương trình, trang thiết bị nhưng lại không đầu tư đúng mực cho cải tổ phương pháp giảng dạy - tức là điều chỉnh ngay từ “cỗ máy cái” đào tạo ra giáo viên. Cuối cùng, mục tiêu quan trọng nhất của mọi cuộc cải cách giáo dục là phải tập trung rèn cho học sinh khả năng học tập chủ động và tư duy phê phán.

Tiến sĩ Dennis McCornac
(ĐH Loyola Maryland, Mỹ)

Phải tham vấn người dân

Thiết kế và thông qua một chương trình cải cách hoàn toàn không tốn quá nhiều tiền. Điều quan trọng là công luận phải được biết tường tận về những mục tiêu cụ thể của tiến trình cải cách để có thể tham vấn và đóng góp ý kiến. Ở các nước khác trên thế giới, chính điều này đã giúp nâng chất lượng của các chương trình cải cách giáo dục.

Có hai điều quan trọng mà VN cần tránh trong tiến trình cải cách. Thứ nhất, không đầu tư đúng mức vào nâng chất giáo viên cho phù hợp với chương trình mới. Thứ hai, đánh trống bỏ dùi khi đề ra mục tiêu rất cao, xin được ngân sách rất nhiều nhưng rồi sau đó lại không giám sát chặt chẽ tiến trình cải cách để có thể có những điều chỉnh kịp thời theo biến đổi của thời cuộc.

Một học giả người Mỹ của chương trình Fulbright đã có nhiều nghiên cứu về giáo dục VN

An Điền (thực hiện)

Tuệ Nguyễn

>> Mờ nhạt tình yêu gia đình trong sách giáo khoa
>> Sốt ruột với đổi mới chương trình - sách giáo khoa
>> Đổi mới sách giáo khoa: Không thể làm theo kiểu rề rà
>> Nhật đưa quần đảo tranh chấp vào sách giáo khoa
>> Sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.