Tai nạn thảm khốc, 7 người thiệt mạng: Xe bồn có dấu hiệu cản trở giao thông

18/04/2014 03:00 GMT+7

Chiều 17.4, đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết hiện cơ quan CSĐT vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc làm 7 người chết trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương vào ngày 16.4 (Báo Thanh Niên cùng ngày đã thông tin).

Chiều 17.4, đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết hiện cơ quan CSĐT vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc làm 7 người chết trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương vào ngày 16.4 (Báo Thanh Niên cùng ngày đã thông tin). Tuy nhiên, nếu nguyên nhân do lỗi của xe khách thì không khởi tố vụ án được vì tài xế đã tử vong. Ngược lại, trường hợp xác định được nguyên nhân do lỗi của xe bồn, thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án và điều tra, xử lý theo pháp luật.

Tai nạn thảm khốc, 7 người thiệt mạng: Xe bồn có dấu hiệu cản trở giao thông

Hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: H.Ph

 

Trong số 14 người bị nạn, có 9 người ngụ tại TP.Mỹ Tho, 2 người ngụ Bến Tre, 1 người ngụ TP.HCM và 2 người quốc tịch Pháp. Đặc biệt, tại ấp 1, xã Đạo Thạnh (TP.Mỹ Tho) có 2 mẹ con cùng thiệt mạng là bà Lê Thị Hồng Châu (37 tuổi) và cháu Châu Bảo Văn (10 tuổi).

Phương Hà

Sau vụ tai nạn thảm khốc trên, dư luận ngạc nhiên khi được biết chiếc xe khách chở 14 người đã tông thẳng vào đuôi chiếc xe bồn đang chạy ở làn đường 100 km/giờ để tưới cây với tốc độ… 20 km/giờ! Chiều 17.4, PV Thanh Niên đến Trung tâm quản lý đường cao tốc, nơi quản lý chiếc xe bồn biển số 57H-0258, đề nghị gặp Giám đốc Trần Hậu Ninh nhưng bảo vệ nói ông đi vắng “sáng giờ chưa thấy tới”. PV liên lạc với ông Ninh qua điện thoại thì ông nói “đang họp” ở một tỉnh miền Tây.

Sau khi chờ khoảng 15 phút thì bảo vệ đưa PV vào gặp ông Nguyễn Văn Thành, Cục phó Cục Quản lý đường bộ 4 trực thuộc Tổng cục Đường bộ VN. Ông Thành khẳng định việc Công ty TNHH quản lý và sửa chữa cầu đường 715 (trực thuộc Tổng công ty Cửu Long) sử dụng xe bồn để tưới cây xanh ở dải phân cách đường cao tốc là được phép của Cục Đường bộ VN cũng như Bộ GTVT. Khi tưới cây, ngoại trừ tài xế, trên xe  có một người cầm vòi nước và một người đứng dưới đường cầm cờ báo hiệu. Cụ thể, trong vụ tai nạn sáng 16.4, lúc đầu ông Thành nói “có một người đứng phất cờ cách đó 200 m, đồng thời trên xe còn có 2 đèn tín hiệu cảnh báo và một biển báo chạy tốc độ chậm được gắn vào phía sau thùng xe bồn, để xe phía sau nhìn thấy và lách qua. Khi xảy ra tai nạn, chiếc xe bồn đang tưới cây và chạy với tốc độ 20 km/giờ”.

Điều đáng lưu ý là trả lời báo chí sau khi xảy ra tai nạn, hai công nhân (đi trên xe bồn) bị chấn thương và điều trị tại Bệnh viện đa khoa H.Châu Thành (Tiền Giang), cho biết lúc đó họ đang ngồi trong cabin, bị chấn động bất ngờ và văng xuống mặt đường rồi bất tỉnh. Chúng tôi đặt câu hỏi: “Nếu vậy thì tại thời điểm xảy ra tai nạn không có công nhân nào đứng phất cờ dưới đường ở khoảng cách 200 m? Còn nếu người phất cờ ngồi trong cabin thì đâu có tác dụng gì? Lúc này, ông Thành thừa nhận người phất cờ ngồi trên xe và nói: “Chuyện này tôi cũng... không rõ nữa, nhưng người phất cờ đứng trước 200 m là theo quy định”.

Có dấu hiệu tội cản trở giao thông

Luật sư Cao Minh Triết (Đoàn luật sư Tiền Giang): “Làn đường quy định tốc độ tối thiểu 80 km/giờ mà xe bồn chỉ chạy với tốc độ 20 km/giờ thì rõ ràng đã là vật chướng ngại cản trở giao thông, vi phạm quy định về tốc độ trên đường cao tốc. Theo luật Giao thông đường bộ, trong trường hợp này xe bồn phải có trách nhiệm bồi thường dân sự và nếu tai nạn chết người thì cũng dính đến trách nhiệm hình sự vì tội cản trở giao thông”.

Trả lời Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, công tác quản lý xe bồn thuộc trách nhiệm Ban Quản lý dự án cao tốc.

H.Ph - Mai Hà

Hoàng Phương

>> Tai nạn thảm khốc, 7 người thiệt mạng
>> Thai phụ bàng hoàng kể lại vụ tai nạn thảm khốc trên đường cao tốc Trung Lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.