(TNO) Việt Nam (VN) không đăng cai ASIAD 18 nữa nên có thể, chỉ tiêu đoạt HCV tại Á vận hội của nước ta sẽ phải rút xuống.
Giảm tiền đầu tư
|
Một lãnh đạo ngành cho biết, cho dù VN không tổ chức thì đoàn thể thao VN vẫn phải có sự chuẩn bị cho ASIAD 18. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư sẽ không còn cao như trước mà rút lại như khoản đầu tư thường xuyên mỗi năm.
Trong đề án tổ chức ASIAD 18, ngành thể thao dự tính sẽ có 2 mức đầu tư trọng điểm, gồm loại 1 cho 150 VĐV (10 môn, mỗi môn có 5 VĐV); trọng điểm loại 2 cho 100 VĐV khác của 16, 17 môn.
Tổng số tiền đầu tư cho 250 VĐV này vào khoảng 1.035 tỉ đồng cho 5 năm, trong đó 500 tỉ là ngân sách sẵn có và 535 tỉ đồng là khoản mà ngành xin thêm (107 tỉ đồng/năm).
Nay đề án không được phê duyệt thì khoản tiền sẽ trở về như cũ là gần 250 tỉ đồng/năm cho khoảng 2.600 lượt VĐV được tập huấn.
Giảm số lượng VĐV trọng điểm
Ông Lâm Quang Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho hay, nếu đề án ASIAD được phê duyệt thì việc chuẩn bị về phần chuyên môn sẽ được tạo điều kiện tốt hơn. Tuy nhiên, không phải vì không còn đề án nữa mà các VĐV không còn “chỗ dựa” để đạt thành tích cao.
Số lượng VĐV trọng điểm loại 1 sẽ giảm xuống còn 64 VĐV nhưng 64 VĐV này sẽ vẫn tiếp tục được hưởng chế độ ưu tiên theo Quyết định số 82/2013/TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về một số chế độ đặc thù với HLV, VĐV xuất sắc.
Trong Quyết định này có nói rõ, HLV, VĐV xuất sắc không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng chế độ tiền công như sau: 500.000 đồng/người/ngày (với HLV) và 400.000 đồng/người/ngày (VĐV). Ngoài ra, ngành sẽ chọn ra khoảng thêm 50 VĐV khác đầu tư dài hơi, cho tập huấn nước ngoài.
Cũng theo ông Lâm Quang Thành, các VĐV xuất sắc được đầu tư trọng điểm thuộc các bộ môn của Olympic như điền kinh, bơi, thể dục, bắn súng và một số môn tiềm năng như kiếm, bắn cung cộng với một số môn võ là thế mạnh của VN.
Những VĐV này vừa chuẩn bị cho mục tiêu giành thành tích ở ASIAD 18 cũng như giành thành tích tại các kỳ Thế vận hội Olympic năm 2016, 2020 và các đại hội thể thao quốc tế trong giai đoạn 2014 - 2020.
Giảm chỉ tiêu HCV
Cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2160/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Quy hoạch phát triển TDTT VN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Trong Quyết định này cũng nói rõ: “Đối với ASIAD, VN phấn đấu năm 2014 đạt 2-3 HCV, xếp hạng 15-20 toàn đoàn; năm 2019 đạt 10-15 HCV, xếp hạng 10-15 toàn đoàn; giai đoạn 2020-2030, phấn đấu xếp hạng trong nhóm 10 nước dẫn đầu châu lục.
Hướng đến Thế vận hội Olympic, năm 2016 có 30-40 vận động viên tham dự, đạt 1-2 huy chương; giai đoạn 2020-2030 có 30-50 vận động viên tham dự, đạt trên 2 huy chương, phấn đấu có HCV”.
Tuy nhiên, theo ông Lâm Quang Thành, do VN không đăng cai ASIAD 18 nữa nên việc đặt ra chỉ tiêu cần phải được xác định lại.
Theo dự kiến, trong 35 môn mà VN định tổ chức, có một số môn thế mạnh của VN nhưng không phải môn Olympic.
Những môn này có thể sẽ không còn xuất hiện trong danh sách thi đấu được lập bởi quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác thay VN đăng cai ASIAD 18.
Do đó, chỉ tiêu HCV của VN tại ASIAD 18 từ con số 10-15 HCV, có thể sẽ rút lại còn một nửa do không còn lợi thế của nước chủ nhà.
Lan Phương
>> OCA: Indonesia là ứng viên sáng giá thay Việt Nam đăng cai ASIAD 18
>> Phó chủ tịch IOC: Cần gấp rút tìm quốc gia thay Việt Nam đăng cai ASIAD 18
>> Việt Nam có thể bị phạt 1 triệu USD vì rút đăng cai ASIAD 18
>> OCA ủng hộ Việt Nam rút lui không đăng cai ASIAD 18
>> 150 triệu USD tổ chức ASIAD 18 là con số phi thực tế
>> Đăng cai ASIAD 18: Sướng trước khổ sau
Bình luận (0)