Thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc: Xác định nguyên nhân cơ bản

22/04/2014 03:20 GMT+7

Giới điều tra kết luận việc thuyền phó thiếu kinh nghiệm và cho phà rẽ đột ngột là nguyên nhân cơ bản gây ra thảm nạn.

 Thuyền trưởng Lee (giữa), thuyền phó Cho (trái) và nữ thuyền phó Park rời tòa án ngày 19.4 - Ảnh: AFP
Thuyền trưởng Lee (giữa), thuyền phó Cho (trái) và nữ thuyền phó Park rời tòa án ngày 19.4
- Ảnh: AFP

Ngày 21.4, tờ Korea JoongAng Daily đưa tin nữ thuyền phó họ Park, người cầm lái khi phà Sewol chở 476 người chìm ở miền nam Hàn Quốc hôm 16.4, đã kể lại quá trình cho phà đổi hướng đột ngột và hậu quả của nó. “Khi phà đang tiến về vùng biển gần đảo Jindo, đáng lẽ phải cho phà chạy chậm lại trước khi rẽ phải, nhưng tôi vẫn cho phà đổi hướng trong lúc chạy gần bằng vận tốc tối đa”, giới điều tra dẫn lại lời cô Park khai. Khi đó, phà chạy với vận tốc 35 km/giờ trong khi vận tốc tối đa là 39 km/giờ. “Vừa rẽ xong thì bánh lái trượt theo luôn, phà bị nghiêng và tôi không thể kiểm soát được nữa”, cô Park khai. Korea JoongAng Daily dẫn lời chuyên gia Kim Seong-jin nhận định: “Cho một chiếc phà 6.800 tấn rẽ đột ngột ở tốc độ 35 km/giờ cũng giống như lái xe hơi rẽ phải với tốc độ 100 km/giờ”.

Theo giới điều tra, sau cú rẽ phải, động cơ của phà đã bị hư hại và có thể khi phà bắt đầu nghiêng, lượng hàng hóa quá lớn đổ dồn về một bên, khiến nó bị xô ngang. Ngoài 476 người, phà Sewol còn chở khoảng 180 xe hơi và 1.157 tấn hàng. Các chuyên gia cũng đã loại bỏ khả năng va chạm với đá ngầm hoặc chướng ngại vật khác vì đáy phà không bị hư hỏng. Từ đó, giới chức tuyên bố hành động của nữ thuyền phó Park, vốn chỉ có một năm kinh nghiệm vận hành tàu lớn, có thể đã dẫn đến thảm kịch. Theo cảnh sát, lúc cô Park cầm lái có thuyền phó họ Cho, 55 tuổi, hỗ trợ nhưng không có mặt thuyền trưởng Lee Jun-seok, 69 tuổi. Một số nguồn tin cho hay đó cũng là lần đầu tiên cô Park điều khiển phương tiện đi qua vùng biển nhiều hải lưu chảy xiết.

Thuyền phó Park cùng thuyền trưởng Lee và thuyền phó Cho đã bị bắt ngày 19.4, với cáo buộc thiếu trách nhiệm và vi phạm luật hàng hải. Hôm qua, giới chức bắt thêm 4 thành viên thủy thủ đoàn với cáo buộc bỏ mặc hành khách và vi phạm luật giải cứu thảm họa, theo Yonhap. Các nhà điều tra còn cấm lãnh đạo và cổ đông lớn nhất của Chonghaejin Marine Co, công ty vận hành phà Sewol, ra nước ngoài. Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phẫn nộ lên án hành vi bỏ mặc hành khách và bỏ tàu của thuyền trưởng Lee cùng một số thành viên thủy thủ đoàn “chẳng khác gì hành động giết người”.

Tính đến 23 giờ ngày 21.4, vẫn còn 215 người mất tích sau khi các thợ lặn vớt được 87 thi thể, theo Yonhap. Ngoài ra, một hạ sĩ hải quân Hàn Quốc đã thiệt mạng do chấn thương ở đầu trong lúc hỗ trợ cứu phà Sewol ngày 16.4.

Bé Kwon Ji-yeon nói chuyện điện thoại với bà ngoại ở Việt Nam

Chiều 21.4, tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nga (khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, H.Phú Tân, Cà Mau, mẹ của nạn nhân Phan Ngọc Thanh mất tích trong vụ chìm phà ở Hàn Quốc) như người mất hồn. Liên tục lau nước mắt, bà Nga kể: “Trước hôm xuống phà đi, con gái tôi còn gọi điện báo tình hình và thăm hỏi gia đình. Đến ngày hôm sau, tôi gọi điện hỏi thăm nhưng không ai nghe máy. Tôi cứ nghĩ con đang bận việc chứ đâu ngờ gặp nạn”. Theo bà Nga, chồng và con gái út của bà đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cùng Bộ Ngoại giao và Bộ Bình đẳng giới nước này hỗ trợ đưa đến Seoul gặp cháu ngoại là bé Kwon Ji-young, 5 tuổi. Bé là người trẻ nhất trong số 174 người được cứu. “Khoảng 8 giờ sáng nay, con gái út tôi gọi điện thoại về đưa máy cho cháu ngoại nói chuyện với tôi. Cháu gọi “ngoại ơi, cậu ơi” với giọng hốt hoảng, khiến tim tôi đau thắt. Theo lời của con gái út thì cháu luôn khóc đòi mẹ”.

Chị Thanh đã nhập tịch Hàn Quốc năm 2013 và cùng chồng hành nghề trang trí nội thất ở Seoul. Gia đình vừa quyết định rời thành phố về quê để chăm sóc vườn cam do cha mẹ chồng để lại thì tai họa xảy ra. Cùng mất tích với chị Thanh còn có chồng và con trai Kwon Hyuk-kyu (6 tuổi).

Theo bà Nga, chồng và con gái bà đang di chuyển đến bệnh viện mà các nạn nhân của vụ chìm phà nằm để tìm Thanh. “Cầu trời phù hộ là con tôi thoát được khỏi phà, được cứu vớt đang nằm ở đó”, bà nói. Bà còn đặt hương án ngoài trời cầu nguyện tổ tiên phù hộ cho 3 thành viên trong gia đình con được bình an dù cơ hội rất mong manh.

Gia Bách

Văn Khoa

 >> Thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc: Đưa thêm 22 thi thể ra khỏi phà
 >> Thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc: Huy động 212 tàu, 34 máy bay, 556 nhân viên tìm kiếm
 >> Thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc: Đưa nhiều thi thể ra khỏi phà
 >> Hàn Quốc công bố vùng thảm họa nơi chìm phà
 >> Thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc: Vì sao hành khách không thể thoát thân bằng xuồng cứu sinh?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.