Vẫn chưa 'chốt' thời hạn trình luật Biểu tình

24/04/2014 00:30 GMT+7

Sáng 23.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) họp cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 và năm 2014 của QH.

Cơ bản tán thành đề nghị của Chính phủ xây dựng luật, pháp lệnh trong năm 2015, song Ủy ban Pháp luật đặt vấn đề: nhiều dự án theo kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp cần phải sớm ban hành nhưng không được đưa vào chương trình năm 2015, như luật Bảo vệ bí mật nhà nước, luật Về hội, luật Tiếp cận thông tin, luật Biểu tình... Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường lý giải: luật Về hội đang giao Bộ Nội vụ soạn thảo; luật Tiếp cận thông tin đã giao Bộ Tư pháp (có lần đã trình TVQH tại khóa 12); luật Biểu tình cũng đã giao Bộ Công an. Nhưng đây là vấn đề rất nhạy cảm, nên nếu chuẩn bị xong nội dung, đưa ra lấy ý kiến dân là cần thiết. Khi nào đồng thuận rồi mới đưa vào chương trình để trình.

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu khi kết luận phiên họp cũng nhấn mạnh năm 2015 ưu tiên tập trung cho các luật về bộ máy nhà nước; về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân… để triển khai Hiến pháp mới. Ông Lưu đề nghị: luật Trưng cầu ý dân sẽ trình tại kỳ họp 9, thông qua tại kỳ họp 10. Các luật về lập hội, biểu tình, tôn giáo, tín ngưỡng cần cân nhắc thêm. Nếu chuẩn bị rồi, có hồ sơ rồi thì đưa vào cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, dự kiến diễn ra vào cuối năm 2015.

Buổi chiều, TVQH họp cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Ủy ban TVQH về việc các cơ quan của QH, ĐBQH, HĐND và đại biểu HĐND tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng các dự thảo quy định việc tiếp công dân quá rộng và sẽ khó khả thi trên thực tế. Theo đại diện Ủy ban Tư pháp, trung bình mỗi năm cơ quan này nhận tới 7.000 - 10.000 đơn thư khiếu nại nên việc thực hiện các quy định về tiếp công dân sẽ là một sức ép rất lớn. Phó trưởng ban Dân nguyện Bùi Nguyên Súy cho rằng nếu các ĐBQH không có giám sát mà chỉ ngồi ở trụ sở, tiếp công dân, giải thích các vấn đề mà người dân khiếu kiện thì “không ổn”. Nếu không giải quyết được vấn đề giám sát sẽ xảy ra tình trạng người dân các tỉnh đổ dồn về Hà Nội để khiếu kiện. Để tránh tình trạng chồng chéo trong giám sát, Phó trưởng ban Dân nguyện đề nghị cần có sự phân cấp.

Cũng trong chiều qua, Ủy ban TVQH có phiên họp riêng về nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của QH về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Bảo Cầm - Trường Sơn

>> Ban hành luật Biểu tình “sẽ chặn được hành vi lợi dụng gây rối”
>> Đề nghị vận động Hội Luật gia cùng soạn thảo luật Biểu tình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.