|
Nhật ký của cha tôi cho biết, tháng 4.1946 ông từng dự một cuộc họp để nghe báo cáo về Hội nghị trù bị Đà Lạt. Chúng ta biết rằng từ ngày 17.4 - 12.5.1946, tại Đà Lạt đã diễn ra một cuộc hội nghị giữa đại diện Chính phủ ta và Pháp để chuẩn bị cho cuộc đàm phán chính thức giữa hai bên. Phái đoàn Việt Nam do Nguyễn Tường Tam làm trưởng đoàn, Võ Nguyên Giáp phó đoàn. Sau gần một tháng đấu tranh, hội nghị lâm vào bế tắc do thái độ cố chấp của Pháp.
Chỉ hai ngày sau khi kết thúc hội nghị, ngày 14.5, tại Hà Nội đã có cuộc họp để nghe ông Giáp báo cáo. Mặc dù kết quả không như mong muốn, nhưng ông Giáp có phong thái rất thoải mái, tự tại, như cha tôi đã ghi trong nhật ký: “Phục Giáp vui vẻ, dễ dàng, có vẻ khinh thường quân địch, tài quá quân địch”. Rõ ràng, trong tình thế hiểm nghèo những năm tháng ấy, những người nắm vận mệnh quốc gia quả đã rất vững vàng để lèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi thử thách.
Ít lâu sau, cha tôi lại có dịp gặp ông Giáp ở nhà ông Phạm Văn Đồng. Hôm ấy là ngày 30.5.1946, một ngày trước khi ông Đồng lên máy bay sang Pháp tham dự Hội nghị Fontainebleau. Cha tôi đến để chuyển cho ông Đồng một số tranh mang đi Pháp.
“Ông trắng quá”
Ở bài viết này, tôi đặc biệt muốn nói đến cuộc gặp gỡ của cha tôi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Biên giới. Đúng hơn là việc cha tôi được theo Đại tướng đi thị sát vị trí Cao Bằng, mật danh là N5, trước khi chiến dịch mở màn.
Sự kiện này đã được cha tôi ghi tỉ mỉ trong nhật ký ngày 5.8.1950, vừa theo thói quen ghi chép của ông, vừa là để chuẩn bị tư liệu cho những bài báo, cuốn sách sẽ viết.
Sáng sớm hôm ấy, cha tôi cùng nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An và một người nữa tên Khiêm vượt đèo Mã Phục hướng về phía Cao Bằng. Các ông đến địa điểm tập kết trước, một lát sau thì đoàn của Đại tướng đến. Có lẽ sau chuyến vượt đèo cha tôi cũng mỏi nên khi Đại tướng đến thì cha tôi đang nằm. Ông ân cần hỏi cha tôi có mệt không. Giấc ngủ kéo đến, cha tôi đánh một giấc và khi thức dậy thì thấy Đại tướng đang ăn cơm. Đại tướng hỏi ngay cha tôi có ăn không, “để chúng tôi bố trí bát đũa”…
Trưa, cả đoàn lên đường. Đường đi phải qua nhiều khe, suối, thung lũng, bản nhỏ, nhà dân, rồi là vượt dốc, leo vách để lên một đỉnh núi cao gần sát Cao Bằng, từ đó có thể quan sát vị trí địch. Hôm ấy trời nhiều mù, thỉnh thoảng lại có mưa nên đoàn cứ phải dừng lại luôn. Nhiều người đã tỏ ra sốt ruột, không tin tưởng về chuyến đi. Riêng Đại tướng, như qua ghi chép của cha tôi, lúc nào cũng như không. Ông thường tranh thủ những lúc phải tạm nghỉ để trao đổi, thảo luận với các cán bộ tham mưu, quân báo cùng đi. Có một lúc mưa nhiều, đoàn phải trú lại khá lâu tại một hang đá. Đại tướng cởi áo hơ lửa, để lộ thân hình trắng trẻo. Trong lúc chờ khô, ông để cho một đội viên người Thổ nhổ tóc sâu, và ông đã có cuộc trò chuyện thú vị với anh lính. Cầm sợi tóc sâu vừa nhổ mà anh lính chìa cho xem, ông trêu: “Có bạc cả đâu, còn một nửa đen, sao đồng chí lại bảo là bạc mà nhổ của tôi”.
|
Rồi ông hỏi anh lính có hay viết thư về nhà không, đã có vợ chưa. Anh lính nói chỉ tết mới viết thôi, còn vợ thì chưa, vì lấy mà đi bộ đội thì để vợ ở nhà cho du kích à? Thấy ông cười vui, anh lính bạo lên, nói: “Ông trắng quá”. Đại tướng trả lời bằng một câu có lẽ khiến ai cũng phải bật cười: “Vì đi đánh Tây nhiều cho nên trắng”. Và ông nhận xét với cha tôi, không biết anh lính “có nghĩ gì không mà hồn nhiên quá”.
“Tôi lắm lúc rất muốn làm thơ”
Mưa rồi cũng qua. Đường xa đi mãi cũng tới. Đoàn lên đến vị trí quan sát khi trời còn sáng, đủ để nhận biết về sự bố trí của địch trong thị xã Cao Bằng. Qua ống nhòm, các ông quan sát, ghi chép, vẽ sơ đồ phòng thủ của chúng, chỉ cho nhau con sông Bằng, đường số 4, sân bay, pháo đài, khu phố, nhà chỉ huy, nhà thờ, nhà máy điện... Đại tướng không bỏ qua nhận xét: “Nhà tụi ngụy binh không có đèn”.
Mỗi khi mây mù, trời tối, các ông lên cả trên hào để trông cho rõ. Nhưng khi mây tan, trời quang quẻ trở lại, các ông lại hò nhau xuống cả hào để tránh bị lộ, đồng thời luôn miệng nhắc nhau nói khẽ, đề phòng địch có thể nghe thấy.
Mặc dù mải quan sát, Đại tướng không quên quan tâm đến mấy văn nghệ sĩ đi cùng. Có lúc, ông chuyển ống nhòm cho cha tôi để coi cho biết, và ân cần hỏi có xem thấy gì không? Bấy giờ trời đã tối, nhưng qua ống nhòm nom vẫn rõ, hình ảnh hiện lên như cái vườn có điện ngay trước mắt. Đó cũng là lúc Đại tướng nói với cha tôi một câu đầy cảm hứng: “Anh có hay làm thơ không? Tôi lắm lúc rất muốn làm thơ. Như cái cảnh lúc này, làm được thơ thì thú biết mấy”.
Rồi như trở về với thực tại, ông lại nói sang công việc: “Đánh được N5 thì Tây khiếp”…
oOo
Nhiều chục năm về sau, Đại tướng kể lại về chuyến đi thị sát này cho nhà văn Hữu Mai ghi trong hồi ký Đường tới Điện Biên Phủ (in trong bộ Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký, NXB Quân đội, 2006). Chỉ bằng vào ký ức, ông thuật lại rành rẽ từng chi tiết lúc đoàn trở về căn cứ:
“Chúng tôi bì bõm hết lội suối lại lội bùn suốt đêm trong rừng. Quần áo ướt sũng. Gần sáng ghé vào một bản bỏ hoang nghỉ tạm. Đồng bào ở đây đã rời đi nơi khác. Các chiến sĩ kiếm củi nhen một đống lửa. Chúng tôi đều cởi quần áo, vắt cho hết nước rồi hong trên lửa. Cả đoàn công tác ngồi kín ngôi nhà sàn. Chưa lần nào có cuộc đi trinh sát đông đảo thành phần như lần này! Tôi nói với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng:
- Ngày hôm nay, trong bulletin (bản tin - người viết) của nó chắc lại nhận xét: Không có hiện tượng gì đáng kể chung quanh Cao Bằng!
Tác giả Vũ Như Tô nở một nụ cười dễ thương”…
Tinh tế và đồng cảm Qua đoạn hồi ký trên, Đại tướng gọi cha tôi là tác giả Vũ Như Tô, mà không phải tác giả, chẳng hạn, của vở kịch Bắc Sơn, tác phẩm gây tiếng vang lớn trên sân khấu cách mạng trong năm dân chủ cộng hòa đầu tiên. Vũ Như Tô quả là một kiệt tác của cha tôi, nhưng suốt một thời gian dài vở kịch này vẫn nằm trong ngõ tối, và sau này, khi đã được giới chuyên môn đánh giá rất cao, thì vẫn chưa được nhiều công chúng biết đến! Qua đây mới thấy Đại tướng am hiểu văn học sâu sắc nhường nào, và đồng cảm với người sáng tác mới tinh tế làm sao. |
Nguyễn Huy Thắng
>> Triển lãm '60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
>> Trưng bày 'bảo vật quốc gia' làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
>> Triển lãm ảnh 'Từ chiến dịch Bắc Tây nguyên đến chiến thắng Điện Biên Phủ
>> Điện Biên Phủ - Quyết chiến, quyết thắng
>> Triển lãm ảnh kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ
>> Triển lãm ảnh tư liệu ‘Điện Biên Phủ - Quyết chiến, quyết thắng’
>> Chiếu miễn phí phim về chiến thắng Điện Biên Phủ
>> Giao lưu Điện Biên Phủ - vang mãi bản hùng ca
Bình luận (0)