Giải pháp xóa nạn ‘cò vé’ tàu

Giải pháp xóa nạn ‘cò vé’ tàu

03/05/2014 14:05 GMT+7

(TNO) Ông Lương Hoài Nam - TS Kinh tế, người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực hàng không - cho hay giải pháp thiết thực nhất để xóa nạn 'cò vè' tàu là ngành đường sắt sớm áp dụng hình thức bán vé trực tuyến.

>> 'Cò vé' lộng hành dịp lễ tại Ga Sài Gòn

 
Phổ biến nhất vẫn là bán vé tàu ở các phòng vé ở ga - Ảnh: Viên An

“Đường sắt ở đâu, cò kéo tới đó”

* Là người quan tâm tới lĩnh vực giao thông vận tải, cảm giác của ông như thế nào mỗi khi đến dịp lễ tết “cò vé” lộng hành ở ga tàu gây khó dễ cho hành khách, như bài viết "Cò vé lộng hành dịp lễ tại Ga Sài Gòn" trên Thanh Niên Online vừa rồi?

- Ông Lương Hoài Nam: "Cò vé” tàu tồn tại ở nước ta suốt từ thời bao cấp đến tận ngày nay. Chuyện "cò" lộng hành trong dịp lễ 30.4, 1.5 mà Báo Thanh Niên Online vừa nêu không khác gì tình hình tôi đã thấy mấy chục năm trước. Trong khi ngành đường sắt nước ta ít có sự phát triển về mạng đường, phương tiện vận tải, ít có sự cải thiện về chất lượng dịch vụ, thì tình trạng "cò vé" có vẻ không giảm mà ngày càng trầm trọng.

Đường sắt kéo dài đến đâu, mạng lưới "cò" kéo dài tới đó, như một loại tầm gửi. "Cò" không chỉ hoạt động vào các dịp đi lại cao điểm tết, hè mà quanh năm, bám vào sự thiếu minh bạch, khan hiếm giả tạo ngay cả khi thấp điểm.

Về bản chất, đó là sự trấn lột, cướp giật nhằm vào hành khách đi tàu, nhiều người trong đó là người nghèo chưa có điều kiện đi lại bằng máy bay.

* Ông từng đề xuất để hạn chế nạn "cò vé" và tạo điều kiện thuận lợi cho khách, ngành đường sắt sớm thay đổi cách thức bán vé. Cụ thể đề xuất như thế nào?

 

Tiết kiệm nhiều chi phí cho doanh nghiệp

Theo đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific, hiện nay hãng áp dụng 100% bán vé trực tuyến. Trong số này, số khách tự mua và thanh toán chiếm 25%, còn lại thanh toán trực tuyến qua hệ thống kênh bán vé, đại lý.

Việc thanh toán trực tuyến giúp hãng tiết kiệm rất nhiều chi phí. Khi máy bay cất cánh là hãng đã biết được chi phí, doanh thu và lời lỗ của từng chuyến bay.

Ngoài ra, hình thức bán vé trực tuyến còn giúp cả hãng lẫn khách biết được trên chuyến bay đó còn chỗ hay không, giá bao nhiêu. Chỉ cần còn một vé hệ thống cũng thông báo để khách biết.

“Hệ thống bán vé này đưa lại rất nhiều tiện ích về quản lý cho doanh nghiệp. Thậm chí tôi ở Sài Gòn chỉ cần xem trong hệ thống có thể biết khách ở Hà Nội lên tàu bay hay chưa”, đại diện Jetstar Pacific nói.

 

- Phát biểu với báo chí cuối từ năm 2012, tôi đã nêu ý kiến là ngành đường sắt cần tổ chức hoạt động bán vé bằng hệ thống bán vé hiện đại như của ngành hàng không.

Cách bán vé tàu hiện nay rất giống cách bán vé máy bay ở Việt Nam trước năm 1993, với cách quản lý vé thủ công, quyền quản lý chỗ được phân bổ cho các đầu xuất phát.

Quyền quản lý chỗ trên chuyến bay, chuyến tàu là cái "đẻ" ra "cò vé" bằng cách "đẩy" quỹ vé cho những người trung gian thay vì cho khách hàng trực tiếp và các đại lý bán vé chuyên nghiệp.

Tại các ga lớn có hẳn một đội quân đông đảo, chèo kéo hành khách khi họ đến ga mua vé. Ở các ga nhỏ có thể là ông giữ xe, bà bán nước "thạo việc" bán vé tàu.

Ngành hàng không đã thay đổi tận gốc cách bán vé máy bay từ năm 1993 với việc sử dụng hệ thống bán vé máy bay thuê của Mỹ. Vietnam Airlines không đầu tư xây dựng hệ thống bán vé máy bay, mà thuê và trả tiền thuê theo vé. Sau này thì Jestar Pacific cũng thuê hệ thống bán vé của Mỹ, Vietjet Air thuê của Canada.

Điểm chung của các hệ thống bán vé máy bay hiện đại là quản lý chỗ tập trung tại tổng hành dinh và phân bổ chỗ một cách minh bạch cho tất cả các kênh, bao gồm kênh trực tiếp (website, phòng vé) và kênh gián tiếp (đại lý).

Nếu trên máy bay còn một chỗ cuối cùng thì khách hàng có thể mua được nó qua bất kỳ kênh hợp pháp nào, trên nguyên tắc "FCFS" ("First Come First Served") - Đến trước, phục vụ trước. Ông giữ xe, bà bán nước không thể là kênh hợp pháp vì họ không đăng ký kinh doanh, không nộp thuế.

Về phương diện bán vé, chuyến bay và đoàn tàu không khác nhau nhiều. Hệ thống Navitaire (Mỹ) mà Jetstar Pacific đang dùng thậm chí dùng được cho cả vé tàu. Tuy nhiên, các công ty đường sắt nước ngoài sử dụng các hệ thống bán vé đường sắt chuyên dụng, với nhiều tính năng riêng cho đường sắt (có nhiều toa, nhiều ga).

Giúp du lịch phát triển

* Hình thức bán vé trên mạng ngoài việc mang lại lợi ích cho khách còn thúc đẩy du lịch phát triển?

- Với mạng internet và công nghệ thanh toán trực tuyến tiện lợi, các công ty đường sắt nước ngoài đã bán vé tàu qua mạng từ lâu rồi, giống như bán vé máy bay, đặt phòng khách sạn vậy.

Ngay tại Việt Nam, trang mạng Gotadi.com của chúng tôi đã cung cấp dịch vụ mua vé máy bay trực tuyến cho hơn 900 hãng hàng không, dịch vụ đặt phòng trực tuyến cho hơn 400.000 khách sạn trên thế giới.

Trong giai đoạn 2 của dự án, trang web sẽ cung cấp dịch vụ mua vé tàu hỏa toàn cầu. Du khách ở Việt Nam có thể mua vé và thanh toán tiền vé tàu cho các chuyến đi bằng tàu ở châu u, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản… và cũng là tổng đại lý của đường sắt Deutsche Bahn (Đức)

Điều trớ trêu là trang web mà chúng tôi xây dựng sẽ bán vé tàu quốc tế cho các công ty đường sắt nước ngoài nhưng lại không thể bán vé tàu nội địa của đường sắt Việt Nam được.

Lý do là đường sắt Việt Nam chưa có vé tàu điện tử và chưa có hệ thống bán vé tàu trực tuyến đúng nghĩa. Trang www.vetau.com.vn của Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn chỉ là trang nhận đăng ký mua vé, không xuất vé, không thanh toán tiền vé được.

Chúng tôi rất mong đường sắt Việt Nam sớm ứng dụng vé tàu điện tử và một hệ thống bán vé tàu hiện đại, theo kịp công nghệ bán vé tàu của thế giới.

* Cảm ơn ông!

Ít khách mua vé trực tuyến

Ông Nguyễn Hữu Tuyên - Trưởng ban Kinh doanh vận tải (Tổng công ty đường sắt Việt Nam) - cho biết hình thức bán vé trực tuyến của hàng không và đường sắt có một số điểm khác nhau.

Hàng không chặng bay Hà Nội - TP.HCM chỉ có một ga đi và một ga đến, trong khi cũng chặng này ở đường sắt có tới 17-19 điểm dừng. Cho nên nếu đưa hết lên trang thì cần phải có giải pháp kỹ thuật. Như dịp lễ tết, có người chỉ có nhu cầu đi đến Vinh hay Đồng Hới, từ đó ảnh hưởng đến người mua chặng xa.

Cái khó nữa là đi lại bằng đường sắt chỉ sử dụng cho đối tượng bình dân là chủ yếu. Những đối tượng này lại rất ít sử dụng internet. Tết vừa rồi, chúng tôi áp dụng bán vé trực tuyến. Khách mua trực tuyến chủ yếu ở phía nam, chiếm tới 15-20%, còn phía bắc hầu như không có.

"“Cò vé" chỉ xuất hiện khi cung và cầu không khớp nhau. Việc áp dụng bán vé trực tuyến chỉ hạn chế tối đa chứ không thể chấm dứt được nạn "cò vé". Ví dụ như vừa rồi chúng tôi bán vé theo số chứng minh thư. Nhưng nhiều người mua xong lại bán người khác đi, rồi kéo đến ga gây áp lực khiến nhà ga phải đồng ý bỏ quy định chứng minh thư”, ông Tuyên nói.

Ông Tuyên cho biết hiện ngành đường sắt đã đặt hàng VNPT xây dựng hệ thống bán vé trực tuyến. Dự tính tháng 9 này hệ thống sẽ hoàn thành và đưa vào áp dụng đại trà.

Trung Hiếu

>> Không có vé vẫn được lên máy bay
>> Khách khổ vì 'cò' vé tàu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.