(TNO) Tháng 5, theo nhận định của Sở Y tế TP.HCM là thời gian của nhiều bệnh dịch vào mùa bùng phát. Đặc biệt, ngoài sởi vẫn diễn biến phức tạp thì bệnh tay chân miệng cũng vào đỉnh dịch.
|
Sởi chưa hạ nhiệt
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.300 ca sởi nhập viện điều trị. Ghi nhận trong tháng 4, bệnh sởi tiếp tục tăng so với tháng trước, mặc dù tốc độ tăng có chậm lại, với 645 trường hợp điều trị nội trú.
Chưa ghi nhận ca tử vong có liên quan đến sởi tại TP.HCM.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, cho biết, hiện trung bình khoa có 50-60 bệnh nhi điều trị nội trú mỗi ngày.
Trong khi đó, số bệnh nhi nằm viện điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) là khoảng 80-90 ca/ngày.
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, để ngăn ngừa và giảm lây lan sởi tại bệnh viện, các bệnh viện đã tập trung phân luồng bệnh nhân ngay từ phòng khám. Đồng thời, những bệnh nhân nhẹ được bác sĩ tư vấn về điều trị tại nhà.
Đồng thời, sau 9 tuần thực hiện tiêm bổ sung vắc-xin ngừa sởi miễn phí trong chương trình tiêm chủng quốc gia cho trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết đã có 65.000 mũi được tiêm.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết, TP đang rốt ráo chuẩn bị để tiếp tục thực hiện mở rộng độ tuổi tiêm vắc-xin ngừa sởi cho trẻ. Theo đó, vắc-xin sởi sẽ được tiêm miễn phí cho trẻ đến 10 tuổi, dự kiến thực hiện từ giữa tháng 5.
Như vậy, tại các trạm y tế phường, xã sẽ tiếp tục tiêm vắc-xin sởi bổ sung cho trẻ 9 tháng đến 3 tuổi và từ 3-10 tuổi.
Ước lượng, khi mở rộng độ tuổi tiêm vắc-xin sởi miễn phí lên đến 10 tuổi thì sẽ có khoảng 250.000 - 300.000 trẻ được tiêm bổ sung.
Mùa nhiều bệnh dịch gia tăng
Tháng 5, theo nhận định của Sở Y tế TP.HCM cũng là thời gian đỉnh dịch của bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, theo chu kỳ tăng của bệnh (3 năm) thì năm nay dự báo tay chân miệng có thể bùng phát mạnh (đợt bệnh tay chân miệng bùng phát dữ dội, lập kỷ lục gần đây nhất là năm 2011).
|
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1, từ đầu tuần đến nay (7.5), trung bình Khoa Nhiễm có khoảng 50 trẻ đang nằm điều trị tay chân miệng mỗi ngày. Số bệnh nhi nằm viện điều trị bệnh này tại Bệnh viện Nhi đồng 2 trung bình mỗi ngày trong tuần này là 40 ca.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm đến nay, TP có hơn 2.900 ca tay chân miệng nhập viện điều trị (tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2013). Trong đó, tháng 4, bệnh tăng nhanh với hơn 700 trường hợp nằm viện (tăng 25% so với tháng 3), chưa kể số lượng bệnh nhi tay chân miệng mức nhẹ được điều trị tại nhà.
Để đối phó với nhiều loại bệnh truyền nhiễm bước vào mùa đỉnh dịch, cùng với bệnh sởi vẫn diễn biến phức tạp, ông Hưng yêu cầu các quận huyện phải “lo trước”, tiến hành vệ sinh môi trường, khử khuẩn các trường học, khu nhà trọ, khu ở công nhân, hướng dẫn người dân, phụ huynh cách phòng bệnh, khử khuẩn, giữ vệ sinh nhà cửa, môi trường sống, đặc biệt là tại những khu vực nguy cơ trở thành “điểm nóng” của dịch bệnh. Đồng thời, kiểm soát chặt ca bệnh để khoanh vùng, dập dịch ngay từ đầu, tránh bệnh lây lan tại cộng đồng.
Tiếp tục vận động trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ trong độ tuổi quy định đi tiêm ngừa vắc-xin sởi. Tăng cường tuyên truyền cho người dân phòng chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và cả cúm...
Thêm 250.000 - 300.000 trẻ được tiêm bổ sung vắc-xin sởi miễn phí Theo thông tin của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, dự kiến từ ngày 16.5 đến hết tháng 7, TP.HCM sẽ tiêm bổ sung vắc-xin sởi miễn phí cho trẻ từ 3-10 tuổi. Như vậy, trong thời gian tới, trẻ từ 9 tháng đến 10 tuổi (sinh năm 2004-2013), chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi hoặc không rõ đã tiêm ngừa sởi chưa có thể đến các trạm y tế (theo lịch tiêm chủng của mỗi phường xã) để được tiêm ngừa miễn phí. Ước lượng sẽ có khoảng 250.000 - 300.000 trẻ được tiêm bổ sung vắc-xin sởi miễn phí đợt này. Đặc biệt, các quận huyện có số ca bệnh cao (gồm Bình Chánh, Bình Tân, Thủ Đức, 8) sẽ thực hiện tiêm sởi tại trường học sớm, trước khi trẻ nghỉ hè. Ngọc Lê |
Nguyên Mi
>> Bệnh sởi chưa qua, tay chân miệng lại đến
>> Cử tri chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về dịch bệnh sởi
>> Bệnh sởi - chủng ngừa và bài học từ các nước phát triển
>> Phân luồng ngay tại phòng khám để tránh lây lan bệnh sởi
>> Nhiều người lớn nhập viện điều trị bệnh sởi
Bình luận (0)