Vụ mánh lừa đoạt tiền qua điện thoại: Có sự nhúng tay của bọn tội phạm quốc tế

07/05/2014 13:45 GMT+7

(TNO) Ngày 5.5, Cảnh sát Đài Loan đã bay sang Việt Nam làm việc với Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM để trao đổi thông tin về các băng nhóm lừa đoạt tiền qua điện thoại (ĐT) mà 2 bên đã triệt phá trong thời qua để phá án.

(TNO) Ngày 5.5, Cảnh sát Đài Loan đã bay sang Việt Nam làm việc với Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM, để trao đổi thông tin về các băng nhóm lừa đoạt tiền qua điện thoại (ĐT) mà hai bên đã triệt phá trong thời qua.

>> Vụ mánh lừa đoạt tiền qua điện thoại: Cảnh sát Đài Loan phối hợp Công an TP.HCM phá án

Đưa qua nước ngoài huấn luyện

Theo thông tin mới nhất, ngày 5.5, PC46 đã bắt giữ Lee Jung-Teng (35 tuổi, người Đài Loan) cùng 9 đồng phạm người Việt Nam do liên quan đến việc làm giả giấy CMND đăng ký làm thẻ ATM, cung cấp cho bọn lừa đảo rút tiền chiếm đoạt. Ngoài công việc mua thẻ ATM, Teng còn đảm nhận nhiệm vụ móc nối với Dương Ngọc Bình (phiên dịch cho nhóm người Đài Loan ở Việt Nam gây án) gạ gẫm đưa người Việt Nam qua Malaysia huấn luyện gọi ĐT lừa người Việt Nam chuyển tiền vào các tài khoản để chiếm đoạt. Sau khi thỏa thuận, nếu Bình giới thiệu được người đưa qua Malaysia huấn luyện thì sẽ được Teng trả thù lao rất cao. Đến ngày bị bắt, Bình đã giới thiệu cho Teng tổng cộng 4 người, gồm: Vũ Thị Thanh Thảo, Khôi Vĩnh Lạc, Định Văn Hiếu và một người tên My (chưa rõ lai lịch). 

Tuy nhiên, theo Bình khai nhận: Kể từ khi làm phiên dịch cho Teng, Bình đã phiên dịch cho Teng chọn được gần 20 người để đưa qua Malaysia huấn luyện gọi ĐT lừa tiền chiếm đoạt.

Trước đó, cuối tháng 2.2014, PC46 đã bắt giữ được Hsieh Ming Chi (A Lực, 41 tuổi, người Đài Loan) liên quan đến băng nhóm lừa đảo qua ĐT. Trong đó, A Lực có nhiệm vụ tuyển chọn người Việt Nam sang Indonesia đào tạo, huấn luyện phương thức lừa đảo với tiền lương 8 triệu đồng/người/tháng; 10 triệu đồng/người biết nói tiếng Hoa/tháng. Các “học viên” này được huấn luyện khoảng 1 tháng, sau đó sẽ đưa sang Đài Loan cùng băng nhóm tham gia gây án…

Tương tự, cuối tháng 3.2014, Dương Ngọc (43 tuổi, lấy chồng Đài Loan) vừa từ Đài Loan đáp máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã bị PC46 bắt giữ đưa về trụ sở công an làm việc. Qua đấu tranh, Ngọc khai nhận khoảng tháng 6.2013, ông T. (người Đài Loan, cầm đầu đường dây lừa đoạt tiền qua ĐT quy mô lớn) đã thu nạp Ngọc vào đường dây của mình. Mới đầu, ông T. chỉ đạo đồng bọn huấn luyện cho Ngọc gọi ĐT từ Đài Loan về thuê bao ở Việt Nam lừa chuyển tiền vào tài khoản chiếm đoạt.

Làm được thời gian, do Ngọc không viết được tiếng Việt, không ghi chép được trong lúc gọi ĐT nên “điều” Ngọc về Việt Nam tìm người làm thẻ thanh toán quốc tế để mua thì bị công an bắt giữ như nói trên...

“Theo lời khai của những người bị bắt giữ cho thấy đa số người được đưa ra nước ngoài huấn luyện đều bị bọn chúng dụ dỗ đưa qua nước ngoài làm công việc nghe điện thoại lãnh lương cao. Tuy nhiên khi qua đó, bọn chúng đã ép buộc họ làm công việc gọi ĐT về đe dọa người Việt Nam ở quê nhà, chuyển tiền vào tài khoản, rút tiền chiếm đoạt”, một cán bộ của PC46, nhận định.

Chưa triệt phá được tận gốc

Đến nay, PC46 đã triệt phá gần 10 băng nhóm lừa qua ĐT do người Đài Loan cầm đầu, bắt giữ hàng chục người; trong đó có gần 10 người Đài Loan. Tuy nhiên, những người Đài Loan bị Công an TP.HCM bắt giữ đều là chân rết, đóng vai trò thứ yếu. Nhưng mấy ông “trùm” người Đài Loan trực tiếp điều hành đường dây lừa đảo quốc tế này vẫn còn ngoài vòng pháp luật. Vì vậy, PC46 Công an TP.HCM triệt phá khá nhiều băng nhóm song bọn chúng vẫn tiếp tục gây án.


Những người Đài Loan bị bắt giữ đều khai do ông “trùm” cầm đầu - Ảnh: Đàm Huy

Cụ thể: ngày 5.5, PC46 đã bắt Lee Jung-Teng cùng 9 đồng phạm người Việt Nam. Tại trụ sở công an, Teng khai nhận, cuối năm 2013, Teng được một người tên Huang Jen-Cheng (tên gọi khác là A Tuấn, người Đài Loan, người cầm đầu đường dây lừa đảo quốc tế qua ĐT) điều sang Việt Nam, mua thẻ ATM cung cấp cho bọn chúng rút tiền… Ngoài Teng, A Tuấn còn chỉ đạo 3 “đàn em” khác qua Việt Nam gây án và cũng bị bắt cùng với Teng nhưng do chưa đủ cơ sở cấu thành tội phạm nên chờ điều tra có quyết định xử lý sau.

Trước đó, cuối tháng 2.2014, PC46 cũng triệt phá đường dây lừa đảo đoạt tiền qua ĐT và bắt giữ Shih Pao Yu (tên tiếng việt gọi là A Bảo, 25 tuổi) và Hsieh Ming Chi (A Lực, 41 tuổi, cả hai đều là người Đài Loan). Hai người này cũng khai nhận được A Đức (người Đài Loan, tên cầm đầu) đưa sang Việt Nam tìm người Việt biết nói tiếng Hoa, câu kết mua thẻ để dùng thủ đoạn nói trên lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, nhiều người Đài Loan khác bị bắt giữ đều khai được ông “trùm” cầm đầu ở Đài Loan điều sang Việt Nam gây án. Vậy ông “trùm” cầm đầu đó là ai? Đến nay vẫn là một ẩn số đối với công an ở Việt Nam. Do cơ quan công an chưa có điều kiện tiếp cận thông tin và truy bắt được người cầm đầu nên “nạn” lừa đảo bằng thủ đoạn này đến nay vẫn còn tiếp diễn. Chính vì vậy việc Cảnh sát Đài Loan qua trao đổi thông tin với Công an TP.HCM về các băng nhóm lừa đảo nói trên không ngoài mục đích truy xét các ông “trùm” cầm đầu. 

Đàm Huy

>> Mánh lừa đoạt tiền qua điện thoại: Giả cán bộ Viện kiểm sát đi nhận tiền
>> Vụ 'mánh lừa đoạt tiền qua điện thoại': Lừa đảo xuyên quốc gia
>> Bắt 10 nghi can làm CMND giả cho băng lừa đảo qua điện thoại
>> Bắt 2 người nước ngoài liên quan đến đường dây lừa đảo qua điện thoại
>> Lừa đảo qua điện thoại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.