(TNO) Với Vừ Già Pó (37 tuổi, ở xã Khâu Vai, Mèo Vạc, Hà Giang), ngày trùng phùng, đoàn tụ với gia đình, người thân sau hơn 2 năm biệt tích có lẽ là những giây phút không thể nào quên trong cuộc đời của mình.
>> Chùm ảnh Vừ Già Pó trong giây phút đoàn tụ với gia đình
>> Người lưu lạc 5800 km từ Mèo Vạc sang Pakistan đã đoàn tụ với gia đình
>> Vừ Già Pó khóc nức nở trong giây phút đoàn tụ gia đình
>> Đoàn tụ với gia đình sau 39 năm lưu lạc
>> Vỡ òa niềm vui đoàn tụ của 12 thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt
Cổ tích giữa miền núi đá
Men theo cung đường đá chênh vênh, trưa 12.5, chiếc ô tô chở Vừ Già Pó đã về tới Khâu Vai, Mèo Vạc. Cho tới bây giờ, hành trình lưu lạc của Vừ Già Pó như câu chuyện cổ tích giữa miền núi đá Mèo Vạc, Hà Giang.
Mấy ngày nay, những đứa con nhỏ trong gia đình mừng rơn khi nhận được tin cha. Biết tin bố về, Vừ Thị Hờ (15 tuổi), đứa con gái lớn thứ hai dậy từ rất sớm nấu một nồi mèn mén đợi bố về ăn.
Hờ bảo, nhà nghèo nên đón bố chẳng có gì ăn, quanh năm đói kém chỉ ăn mèn mén thay cơm. Vừa nhắc tới bố, Hờ đã đáp lại gọn lỏn bằng câu tiếng Mông: “Ka mùa… Thia chí pò” – (đi làm thuê Trung Quốc tìm nhưng không thấy - PV). Hờ kể, từ ngày bố đi mất tích, mẹ và các em muốn đi tìm lắm nhưng không biết đi đường nào.
|
Chỉ kịp nhìn thấy bố, Hờ vội vàng ôm chầm lấy chực trào nước mắt. Hai đứa em út Vừ Mí Chả và Vừ Mí Vư lấm lét nhìn cha rồi òa khóc. Anh Pó và vợ sinh được 5 người con, trong đó chỉ có con gái cả là Vừ Thị Chúa đã lấy chồng.
Vừa trải qua những tháng ngày sinh tử trong chuỗi hành trình lưu lạc với muôn vàn khó khăn nhưng gặp con, anh Pó òa khóc y hệt như một đứa trẻ. Anh xoa đầu, dang hai tay ôm các con vào lòng.
Trong ngày đoàn tụ, vợ anh Pó - chị Ly Thị Lía không giấu nổi niềm xúc động trào dâng. Ngày anh Pó biệt tích, chị khóc ròng rã. Ngày anh trở về, chị cũng khóc như mưa. Nhưng nay là giọt nước mắt của sự trùng phùng, lâng lâng trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Cái đói, cái nghèo và nỗi tuyệt vọng ngóng chờ tin tức chồng khiến chị già hơn tuổi của mình. Hơn 2 năm bặt vô âm tín đã có lúc chị nghĩ quẩn rằng “anh Pó đã mất rồi” và cứ khóc ròng rã cả ngày.
Tài sản đáng giá nhất là 2 con bò và một khoảnh nương trồng ngô, chị cũng bán cả để lấy tiền theo một người trên Luống Phù đi tìm chồng. Bỏ nương bỏ rẫy đi tìm anh Pó gần một tháng trời nhưng vẫn không có tin tức gì khiến chị tuyệt vọng.
Cho tới một ngày, xã báo tin đã có người liên lạc được với anh Pó, ban đầu chị Lía một mực không tin nhưng khi xem hình ảnh chụp anh Pó ở Pakistan gửi về thì mới tin đó là sự thật.
Mới về tới đầu nhà, nhìn thấy Pó từ xa, bà Vừ Thị Sung (54 tuổi) đã hớt hải chạy tới ôm đứa con rể rồi bật khóc nức nở. “Câu chuyện hai năm qua như một giấc mơ cứ tưởng người ta đánh chết nó rồi không còn trên đời nữa. Bây giờ nắm tay con vẫn không thể tin được dù là sự thật”, bà Sung tâm sự.
Tình người xuyên biên giới
Ở núi rừng biên ải như Khâu Vai, Mèo Vạc, thiên nhiên khắc nghiệt chỉ có đá chồng lên đá. Những núi đá tai mèo nhọn hoắt như thử thách tinh thần của người dân tộc Mông nơi đây.
Người dân quanh năm bám vào đá để mưu sinh kiếm sống bằng nghề trồng ngô, trồng tam giác mạch nhưng quanh năm cũng chẳng đủ ăn. Người dân bảo, ở Khâu Vai có nhiều người bỏ làng, bỏ xứ sang Trung Quốc làm ăn nhiều lắm.
Chuyện đi làm ăn rồi mất tích như anh Pó không phải là chuyện xảy ra lần đầu nhưng trường hợp trở về như anh Pó là cả một kỳ tích, chuyện không tưởng ở nơi đây.
Chiều 12.5, bà con làng bản ở thôn Lũng Lầu, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc kéo đến chung vui ngồi chật ních trong căn nhà đông như ngày hội. Chưa bao giờ, người dân Khâu Vai chứng kiến cuộc trùng phùng xúc động đến thế.
|
Nhiều người không cầm nổi xúc động, nước mắt giàn giụa, lấy vạt áo lau nước mắt.
Anh Pó vừa khóc vừa mừng vui, trong lòng chộn rộn bao cảm xúc. Trải qua chặng đường về liên tục trong 2 ngày vừa qua, anh Pó cũng đã thấm mệt.
Trong tâm trí, anh Pó vẫn nhớ ngày bị lừa qua Trung Quốc làm thuê. Ngày đó, (anh Pó không nhớ rõ chính xác thời gian - PV) đi nhóm 10 người sang Trung Quốc lao động. Vừa mới làm được hơn 1 tháng thì bị chủ cai đánh đập tàn bạo, quỵt lương.
Quá hoảng sợ, cả nhóm chia thành 2 tốp bỏ chạy. Đi cùng anh còn có 6 người nữa nhưng sau 5 ngày thì chỉ còn anh đơn độc một mình.
“Lúc đó, mình cứ đi theo hướng mặt trời lặn để tìm đường về. Cứ đi mãi, gặp nhà dân xin ăn hoặc không có thì tìm vào rừng hái quả. Lúc khát, chỗ nào có nước thì tìm đến uống. Nhiều lúc đói khát trong rừng 2 ngày liên tục vì không tìm được thứ gì để ăn”, anh Pó kể qua lời người phiên dịch dân tộc Mông.
Vì chỉ có duy nhất một thứ ngôn ngữ là tiếng Mông nên suốt hành trình anh không thể giao tiếp được, phải ra hiệu để xin ăn. “Mình không bị ốm đâu. Đi được hơn 1 năm thì mới bị cảnh sát bắt giữ”, anh Pó kể tiếp. Thời điểm anh Pó bị bắt giữ, lúc đó đã vào tới lãnh thổ Pakistan, thời tiết lạnh buốt, tuyết rơi dày hơn 1 gang tay nhưng may mắn được cảnh sát cho áo ấm, cơm ăn nên không bị đói, rét.
“Hơn 2 năm qua, lúc nào tôi cũng thẫn thờ, rơi nước mắt nhớ vợ, nhớ con nhưng trong tâm trí không sao nhớ nổi đường về. May mà có nhiều người tốt bụng cho cơm ăn, áo mặc rồi đưa thông tin, hình ảnh nên mọi người mới tìm được, đưa về nước cho tôi đoàn tụ sum họp như ngày hôm nay", anh Pó rưng rưng xúc động.
Nói xong, anh Pó hồn nhiên hứa: “Bây giờ có người nào cho mình một trăm triệu, một tỉ mình cũng không bao giờ đi Trung Quốc làm thuê nữa, tới cuối đời ở nhà chăm chỉ làm nương, nuôi bò lấy tiền trả nợ, nuôi con vì nhà bây giờ chẳng còn gì nữa”.
Nguyễn Tuấn
Bình luận (0)