Tiểu thương chợ truyền thống tự cứu mình

14/05/2014 11:27 GMT+7

Trước sự cạnh tranh khốc liệt của các mô hình bán lẻ hiện đại, tình hình buôn bán tại các chợ truyền thống ở Hà Nội ngày một ế ẩm. Không còn cách nào khác, các tiểu thương phải tự tìm hướng đi để 'cứu mình'.

Nhiều tiểu thương tại chợ Hôm- Đức Viên treo bảng bán đúng giá để giữ chân khách
Nhiều tiểu thương tại chợ Hôm - Đức Viên treo bảng bán đúng giá để giữ chân khách 

Từng một thời sầm uất, chợ Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân, Hà Nội) giờ đây rơi vào cảnh đìu hiu, vắng lặng, bên trong chợ tối om. Những ảnh hưởng của nền kinh tế đang suy thoái, chợ này cùng nhiều chợ truyền thống khác trên địa bàn Hà Nội đã mất dẫn chỗ đứng vì người tiêu dùng ngày càng nhiều lựa chọn.

“Trước đây, TP cũng có ý định xây dựng trung tâm thương mại tại đây, nhưng giờ đã hủy bỏ, trong khi xung quanh chợ có nhiều trung tâm thương mại, đại siêu thị mới mọc lên. Không chỉ vắng khách, buôn bán ế ẩm nên tiểu thương cũng trả quầy”, bà Mai Thu Hà, Phó ban Quản lý chợ Ngã Tư Sở, bày tỏ.

Cũng vì vắng khách, một số người đã chuyển sang bán hàng tại các chợ đêm, còn những tiểu thương bám trụ lại buộc phải tự làm mới mình. Chị Thu, chủ một ki ốt bán quần áo, bộc bạch: “Chúng tôi bắt đầu thay đổi từ văn hóa ứng xử với khách. Khi khách đến mua hàng, mình mời chào lịch sự, không chèo kéo khách, tư vấn khi cần thiết. Đặc biệt, không nói thách, hét giá cao và không tỏ thái độ bực mình khi khách chỉ xem mà không mua”.

Những thay đổi tưởng chừng như rất nhỏ trong văn hóa ứng xử, lại vô cùng hiệu quả và được nhiều tiểu thương tại chợ Hôm - Đức Viên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) áp dụng. Một số quầy hàng còn treo biển không nói thách, bán đúng giá để khách hàng thoải mái, yên tâm.

Chị Hạnh, chủ một ki ốt giày dép tại chợ Hôm - Đức Viên, cho hay: “Trước đây, tôi cứ nghĩ đơn giản chỉ cần có lượng hàng hàng quen ổn định, mình có thể sống khỏe qua ngày. Nhưng giờ, buôn bán khó khăn, mới giật mình nghĩ lại, đâu chỉ cạnh tranh giữa các quầy hàng trong chợ, còn cạnh tranh với siêu thị, cửa hàng bên ngoài… nếu không thay đổi, khó có thể có đủ tiền nuôi con ăn học”.

Ngoài học cách sắp xếp và trưng bày sản phẩm bắt mắt, khoa học, gọn gàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để khách dễ lựa chọn và cảm thấy thoải mái, chị Hạnh còn mở thêm kênh bán hàng qua mạng. Theo chị Hạnh, bây giờ thời đại internet, facebook, mình phải xoay xở theo thời cuộc.

“Những lúc vắng khách, mình lại lên mạng bán hàng. Đặc biệt, dân công sở không có thời gian mua sắm nhiều, nên khi có mẫu mới mình cập nhật thông tin trên facebook, gửi viber, mail cho mọi người. Nếu ai có nhu cầu, bọn mình chuyển hàng tận nơi. Mình mua tận gốc, bán tận ngọn nên giá cả bao giờ cũng rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng ở ngoài”, chị Hạnh cho hay.

Trong khi nhiều tiểu thương kêu than ế ẩm, với cách “làm mới mình”, chị Hằng, chủ ki ốt hải sản Hằng Toàn tại chợ Kim Liên (quận Đống Đa) vẫn có thể sống khỏe dù cho quanh khu tập thể Kim Liên - Trung Tự có tới 4 siêu thị lớn, nhỏ mọc lên.

“Bí quyết không khó thực hiện, chỉ cần mình bớt lãi đi, bán giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, tôi nhận sơ chế, tẩm ướp hải sản miễn phí cho khách hàng. Chỉ cần khách gọi điện, lúc nào chúng tôi cũng sẵn sàng phục vụ”, chị Hằng chia sẻ. 

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, mặc dù siêu thị đang là kênh phân phối hàng hóa chiếm ưu thế trên thị trường bán lẻ, nhưng với tập quán mua bán của người Việt, chợ truyền thống vẫn là kênh buôn bán chủ yếu tại Việt Nam, ít nhất là 50 năm nữa. Nếu tiểu thương khắc phục được những hạn chế trong văn hóa ứng xử, không cân thiếu, cân điêu, nói thách… hướng tới xây dựng hình ảnh văn minh thương mại, chuyên nghiệp phục vụ khách hàng. Khi đó chợ truyền thống vẫn có chỗ đứng riêng và là nét văn hóa của riêng người Việt.

Bài, ảnh: Hải Bình

>> Tiểu thương 'ngại' về... chợ mới
>> Tiểu thương kéo đến UBND thành phố để đòi quyền lợi
>> Tiểu thương ế hàng sau vụ cháy chợ Hải Dương
>> Tiểu thương đừng tự hại mình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.