Tình hình biển Đông trên bàn Quốc hội

16/05/2014 03:15 GMT+7

Diễn biến phức tạp từ sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển VN sẽ tác động như thế nào tới kinh tế xã hội từ nay đến cuối năm? Giải pháp nào cho tình hình mới này?

 Công nhân Công ty giày Thái Bình (Khu công nghiệp Sóng Thần - Bình Dương) trở lại làm việc trong ngày 15.5  - Ảnh: Đỗ Trường

Công nhân Công ty giày Thái Bình (Khu công nghiệp Sóng Thần - Bình Dương) trở lại làm việc trong ngày 15.5  - Ảnh: Đỗ Trường

Đó là những câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra tại phiên thảo luận báo cáo kinh tế xã hội và ngân sách sáng 15.5 tại Ủy ban Thường vụ QH.

Chưa đánh giá được tác động đến kinh tế xã hội

Nêu ra tình trạng công nhân biểu tình, đập phá nhà máy một số doanh nghiệp nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng đặt vấn đề: “Chính phủ có dự báo và đánh giá gì về tác động của tình hình biển Đông đến thực hiện kinh tế xã hội năm 2014. Quan hệ thương mại Việt - Trung bị ảnh hưởng gì?”.

Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, báo cáo Chính phủ viết trước và chưa cập nhật những diễn biến mới. Tuy nhiên, ông Vinh nhận định: “Đây là hình ảnh xấu và chúng tôi vô cùng lo lắng. Tôi đã họp với Bộ cả đêm hôm qua. Sáng nay, tôi ký 3 văn bản gửi các đại sứ quán, các tổ chức và hiệp hội quốc tế, gửi UBND tỉnh, ban quản lý, KCN và trình Thủ tướng Chính phủ tình hình nghiêm trọng này, có biện pháp rắn tay hơn”.

Cho biết việc biểu tình đã lan ra nhiều tỉnh, thành phố, các tổ chức nước ngoài cũng đã có văn bản gửi Bộ KH-ĐT yêu cầu Chính phủ VN phải có biện pháp bảo vệ, theo Bộ trưởng KH - ĐT, đây là tình hình cực kỳ nghiêm trọng với đất nước, tổn hại kinh tế to lớn. Dự báo kinh tế trong 8,9 tháng còn lại vô cùng xấu. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ ngăn chặn sẽ có hai vấn đề xảy ra: các nhà đầu tư đều rất e ngại về môi trường đầu tư an toàn của VN, sản xuất chắc chắn sẽ đình trệ.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, “chúng ta đang có chính nghĩa, nhưng các phong trào tự phát làm xấu hình ảnh VN trong mắt bạn bè thế giới”. Bà Ngân cũng khẳng định Chính phủ đã lên tiếng trấn an với các nhà đầu tư nước ngoài, những người biểu tình đập phá không phải là công nhân, công nhân cũng đã khai có đối tượng xúi giục, cầm đầu họ.

“Căng thẳng còn tiếp tục”

Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013 cho biết, 10/15 chỉ tiêu chủ yếu QH đề ra đã đạt và vượt kế hoạch. Chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP, tạo việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt xấp xỉ kế hoạch, riêng chỉ tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và giảm hộ nghèo chưa đạt kế hoạch. Năm 2013 đã cơ bản chặn được đà suy giảm tăng trưởng từ năm 2010 với mức tăng GDP cả năm đạt hơn 5,4%. Ước quý 1/2014, GDP cả nước tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế như kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, lạm phát tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại, nợ xấu còn cao, doanh nghiệp (DN) giải thể dừng hoạt động vẫn cao, trên 60.700 DN...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển lo ngại, những diễn biến phức tạp tại các địa phương có nguồn thu lớn như Đồng Nai, Bình Dương có thể sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách thời gian tới. “Tăng trưởng kinh tế năm nay hết sức khó khăn, không biết có giữ được như kế hoạch không? Thu ngân sách sẽ khó khăn, năm nay sẽ phải siết chặt, cân nhắc chuyện chi tiêu”, ông Hiển nói.

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng cho rằng, diễn biến mới hiện nay phải được cập nhật trong báo cáo của Chính phủ trình ra QH. “Rõ ràng chỉ mấy ngày vừa qua chứng khoán sụt ghê gớm, giá vàng thế giới giảm nhưng trong nước tăng… Dự báo GDP năm nay có còn đạt được chỉ tiêu 5,8% hay không, cân đối ngân sách có đạt không?”. Theo ông Lưu, thái độ của Trung Quốc là tiếp tục duy trì giàn  khoan trên biển Đông, căng thẳng còn tiếp tục, nếu cứ để tất cả chỉ tiêu và giải pháp của thời kỳ bình thường thì không còn phù hợp.

Trưởng ban Dân nguyện của QH Nguyễn Đức Hiền cũng kiến nghị thêm, báo cáo của Chính phủ cần đánh giá chi tiết hơn những khó khăn của DN, có biện pháp giải quyết khó khăn, hỗ trợ ngư dân vùng biển duy trì và phát triển đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thống nhất các ý kiến tại phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, những diễn biến nóng bỏng hiện nay không thể không đưa vào diễn đàn QH. Bà Ngân đề nghị các cơ quan liên quan của Chính phủ khẩn trương cập nhật tình hình mới nhất trong Báo cáo kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2014, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, trình QH cho ý kiến.

Quản lý nhà nước tại các Bộ chưa tốt

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: “Nổi lên trong 4, 5 tháng vừa qua là quản lý nhà nước tại một số bộ ngành chưa tốt. Ví dụ như Bộ Y tế, việc dập dịch sởi vừa qua là việc của Bộ, không phải việc của các địa phương, sao Bộ trưởng Bộ Y tế lại nói là quyền địa phương? Đề nghị nói rõ. Đề án giáo dục trình ra, nhưng phát ngôn rất lung tung, Bộ trưởng, Thứ trưởng nói khác nhau, người dân sẽ thấy thế nào. Bộ VH-TT-DL, một việc tày đình như thế, xin đăng cai Asiad nhưng Chính phủ nói không được báo cáo, đâu phải cái kim sợi chỉ, người dân và chúng tôi cũng rất ngạc nhiên? Tiếp xúc cử tri rất phàn nàn về việc này”.

Lo ngại tình trạng cố gắng để không... thoát nghèo

Chiều qua (15.5), Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012. Báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH cho biết: tổng nguồn vốn huy động cho mục tiêu giảm nghèo từ năm 2005-2012 là 864.050 tỉ đồng. Mục tiêu đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành; tỷ lệ nghèo các huyện nghèo còn dưới 30%. Nhiều ý kiến của ủy viên Thường vụ QH tỏ ra lo ngại về tình trạng hiện nay, nhiều nơi người dân không muốn thoát nghèo. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng: cần phải rà soát lại tất cả các chính sách giảm nghèo đã hiệu quả chưa. Thực tế hiện nay có chính sách giảm nghèo lại không khuyến khích được người dân thoát nghèo. “Có những địa phương mà người dân đang yêu cầu chính quyền địa phương cố gắng phấn đấu để không... thoát nghèo. Người dân muốn giữ nghèo để giữ chế độ chính sách hơn là thoát nghèo để tự mình đảm bảo cuộc sống của mình. Vậy nên có cần có luật về giảm nghèo bền vững hay không?”,  ông Lý đặt vấn đề.

Tuệ Nguyễn

Mai Hà

 >> Vụ hàng trăm công nhân nhập viện sau khi uống nước: Không phát hiện chất độc
 >> Khởi tố 6 bị can, tạm giữ 224 người kích động công nhân gây rối
 >> Thư gởi các bạn công nhân
 >> TP.HCM kêu gọi công nhân đồng lòng, tỉnh táo
 >> Đối tượng xấu kích động công nhân gây mất an ninh trật tự ở Bình Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.