Sự lựa chọn của lịch sử

19/05/2014 12:39 GMT+7

Với mỗi con người, không ai chọn cửa để sinh ra, cha mẹ và anh em thế nào thì phải chịu thế nấy, nhưng có thể chọn bạn bè để chơi, chọn vợ, chọn chồng…

Với mỗi con người, không ai chọn cửa để sinh ra, cha mẹ và anh em thế nào thì phải chịu thế nấy, nhưng có thể chọn bạn bè để chơi, chọn vợ, chọn chồng; khi gặp láng giềng bất hảo, có thể bán nhà, đổi cửa để tìm hàng xóm và không gian phù hợp. 


Công nhân tuần hành phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc khi đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam (ảnh minh họa) - Ảnh: Lê Lâm

Với một đất nước, không ai chọn được láng giềng theo ý muốn. Gặp phải lân bang xấu bụng, ác tính, không thể bán nước hay dời quê. Cha ông mình chỉ còn cách duy nhất : “Tự lực, tự cường, dám là mình và chấp nhận đối mặt, không để họ ức hiếp”.

Việt Nam là một dân tộc lạ lùng. Sống cạnh người hàng xóm khổng lồ, tham lam mà mấy ngàn năm vẫn vững bền. Cả ngàn năm bị xâm lược, cố tình đồng hóa vẫn kiên cường độc lập. Chữ Nôm và tiếng Việt vẫn ngạo nghễ cạnh chữ Hán, tiếng Tàu. Áo dài vẫn hiên ngang và duyên dáng cạnh xường xám. Nước mắm vẫn nồng nàn hương vị cạnh xì dầu. Tiếng Việt là ngôn ngữ duy nhất ở châu Á có cách viết riêng kiểu chữ La Tinh với mấy dấu bé tẹo mà cực kỳ phức tạp. “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”.

Chưa có dân tộc nào mà lịch sử lại khốc liệt như Việt Nam. Cả phụ nữ và trẻ em cũng sát vai đánh giặc giữ làng, giữ nước. Dẫu phải thường xuyên đánh giặc nhưng đó là chuyện chẳng đặng đừng, bị dồn vào chân tường. Chính những dân tộc thường xuyên bị chiến tranh là những dân tộc yêu chuộng hòa bình và không dễ gì bắt nạt. Đánh giặc, chống ngoại xâm, giữ vững độc lập đã khó nhưng khó nhất là giữ được bản sắc của dân tộc trước nạn diệt chủng văn hóa tàn bạo của phong kiến phương Bắc.

Từ thế kỷ X, Đinh Tiên Hoàng (924 - 979) đã dõng dạc tuyên bố “Cồ Việt quốc đương Tống khai bảo. Hoa Lư đô thị Hán Tràng An” (Nước Đại Cồ Việt sánh ngang nước Tống. Kinh thành Hoa Lư tựa Tràng An, Trung Quốc). Câu đối này được thờ trang trọng trong đền vua Đinh ở Ninh Bình.

Hơn nửa thế kỷ sau, trong “Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên”, Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) lại đanh thép khẳng định “Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành phân định (chứ không phải định phận) tại sách Trời. Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm. Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời”.

Thế kỷ XIII, vó ngựa Nguyên Mông đi tới đâu thì cỏ không mọc nổi. Đạo quân của Thành Cát Tư Hãn làm bá chủ từ u sang Á. Vậy mà 3 lần xâm lược Việt Nam, là 3 lần đại bại, rồi suy vong. Có người Trung Quốc thời đó cảm thán rằng “Nếu dân tộc Đại Việt  ở phương Bắc thì vó ngựa Nguyên Mông không thễ dẫm nát châu u. Nếu Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sinh ra thời nhà Tống thì người Trung Quốc không bị đô hộ cả trăm năm”. Thời đó, người dân Việt, qua Trần Bình Trọng (1259 - 1285) đã xác định tâm thế “Thà làm quỷ nước Nam, hơn làm vương đất Bắc”.

Đầu thế kỷ XVII, khi bị Minh Tự Tông hoạch họe và uy hiếp bằng câu đối “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng nay đã rêu xanh), mượn ý Mã Viện xưa “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” - Trụ đồng ngã, Giao Chỉ bị diệt). Trước mặt bá quan văn võ nhà Minh, sứ thần Giang Văn Minh (1573 - 1638), dù “Tiên đối dị, đối đối nan” (ra câu đối thì dễ, đối lại mới khó), đã sang sảng đáp trả “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ xưa đỏ vì máu).

Xuân Kỷ Dậu 1789, cả nước Việt lại đồng lòng quyết chí “Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Hịch tướng sĩ của Quang Trung), quét sạch 300.000 quân Thanh và tùy tùng xâm lược. Khí phách đó vẫn tiếp tục duy trì khi chống Pháp với Nguyễn Trung Trực (1839 - 1868): “Chừng nào nhổ hết cỏ trên trái đất thì may ra mới trừ tiệt được những người nước Nam đánh Tây”. Khi quê hương bị xâm lược thì cả nước đồng lòng xung trận, đoàn kết xả thân vì đất Mẹ, thề “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Lời thề “Quyết chiến, chiến đến cùng!” của Hội Nghị Diên Hồng chống Nguyên Mông và quyết tâm “Còn cái lai quần cũng đánh” của anh hùng Nguyễn Thị Tịch (1931 - 1968)… đã nói lên tinh thần bất khuất và hào khí Đại Việt. 

Năm 1986, tại khu di tích địa đạo Củ Chi có cuộc tọa đàm giữa các giáo sư, các nhà sử học và đại biểu đoàn Con Tàu Hòa Bình (Peace Boat) Nhật Bản. Khi nghe Bí thư huyện ủy Củ Chi Mười Nguyên kể chuyện kháng chiến “Dân cả vùng phải chui xuống đất để sống, làm việc, học tập và chiến đấu”. Một giáo sư Nhật Bản dè dặt hỏi: “Thế các ông dạy học sinh những gì trong lòng đất ngột ngạt?”. “Cực kỳ khó khăn và gian khổ. Sống đã khó. Để học tập còn khó hơn. Chúng tôi chỉ dạy các em được 3 môn. Học văn để biết làm người. Học toán để hiểu khoa học. Học sử để có niềm tin. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh là bất cứ kẻ thù nào, dù hùng mạnh và tàn bạo đến đâu, vào xâm lược Việt Nam cũng đều thảm bại. Nhờ niềm tin đó, chúng tôi chiến thắng”. 

Cả đoàn gật gù và vỗ tay tán thưởng. Các đại biểu Việt Nam cũng lâng lâng tự hào bởi sự chân thực giản dị mà bản lĩnh sâu sắc của người chỉ huy du kích năm xưa. Càng thấm thía vai trò của lịch sự trong sự phát triển của đất nước và xã hội.

Năm 1987, được Thành Đoàn cử đi tu nghiệp ở Cộng hòa dân chủ Đức, tôi càng phát hoảng khi biết rằng “Đông Đức (và các nước XHCN) chủ yếu chỉ dạy lịch sử nước Đức mới, từ năm 1945. Trong khi Tây Đức và các nước tư bản thì dạy lịch sử rất cặn kẽ”. Cái chết đã được báo trước một khi dám xem thường lịch sử. Năm 1989, Đông u sụp đổ vì nhiều nguyên nhân nhưng chắc chắc có việc coi khinh môn Sử.

Việc Trung Quốc ngang ngược trong vùng biển chủ quyền Việt Nam là không thể chấp nhận. Một hay mười giàn khoan cũng vậy. Đó là bản chất. Thành ngữ Trung Quốc có câu “Giang sơn dị cải, bản tính nan di” (Sông núi có thể cải tạo, san lấp; bản tính thì rất khó). Đừng hy vọng hão huyền về sự đổi thay của những người mang dòng máu Đại Hán. Điều chỉnh quan hệ đối ngoại, đoàn kết với các nước đang bị Trung Quốc gây sự, tìm bạn chí cốt thật sự và kiên quyết kiện ra tòa án quốc tế. Trung Quốc sẽ bị cô lập và buộc phải chấm dứt những trò đểu với láng giềng. Từ xưa, dân tộc Việt Nam đã không dễ gì bị bắt nạt và luôn cảnh giác. Không phải tự nhiên mà đền thờ các anh hùng dân tộc Việt Nam đều quay về hướng Bắc.

Nguyễn Văn Mỹ (*)

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lửa Việt

>> Thể hiện lòng yêu nước
>> Lòng yêu nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.