Thách thức đầu tiên đối với QH chính là sự mong đợi của người dân. Người dân đang mong muốn QH đại diện cho mình tốt hơn, pháp luật được ban hành không chỉ nhiều hơn mà còn có chất lượng hơn, nghĩa là pháp luật phải tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân làm ăn, sinh sống nhưng cũng đẩy mạnh được hoạt động giám sát, trong mong muốn đẩy lùi được tham nhũng, đẩy lùi lãng phí...
Thách thức thứ hai là công cuộc đổi mới kinh tế, đòi hỏi đổi mới về quản trị quốc gia. QH với vai trò lập pháp, kiến thiết nền quản trị quốc gia đối mặt với thách thức phải bảo đảm năng lực cạnh tranh cho đất nước và cho mỗi người dân Việt. Cử tri quan tâm nhiều đến các giải pháp kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, an sinh xã hội; các vấn đề về quy hoạch, kế hoạch, sử dụng đất, quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Đặc biệt là tình hình nợ công, sử dụng có hiệu quả nguồn vay ở nước ngoài của VN; tháo gỡ khó khăn, cải thiện tình trạng tiếp cận vốn, tín dụng nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Việc sửa đổi Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn cũng là vấn đề được quan tâm. Nhiều cử tri cũng như đại biểu QH đề nghị sửa đổi theo hướng, chỉ nên để 2 mức là "tín nhiệm" và "không tín nhiệm". Thời gian lấy phiếu tín nhiệm có thể là nửa nhiệm kỳ, hoặc cả nhiệm kỳ. Cũng có ý kiến cho rằng, cơ quan hành pháp là cơ quan trực tiếp xử lý những công việc hằng ngày đối với dân, làm việc theo chế độ thủ trưởng trong khi cơ quan lập pháp lại hoạt động theo nguyên tắc làm việc tập thể và quyết định theo đa số, trách nhiệm cá nhân không rõ. Vì thế, những chức danh thuộc các cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp lấy phiếu tín nhiệm theo phương thức khác. Đây là một thách thức khác đòi hỏi sự đầu tư trí tuệ, quyết tâm từ QH.
“Sức nóng” từ biển Đông và tác động của nó đối với tình hình kinh tế, xã hội là thách thức thứ 4, đang đòi hỏi QH có những ứng xử phù hợp. Cử tri đòi hỏi nhà nước có những chính sách về đối nội, đối ngoại, những vấn đề về ngư trường, ngư dân, xây dựng quân đội... hệ thống chính sách đồng bộ để nhanh chóng chấm dứt việc Trung Quốc xâm phạm và phải chặn đứng được việc Trung Quốc độc chiếm biển Đông.
Nếu để mất đất, mất biển, mất lãnh thổ thì trách nhiệm đó là của nhà nước, trong đó có trách nhiệm của QH, trước lịch sử, trước dân tộc.
An Nguyên
>> Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về tình hình biển Đông
>> Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ sẵn sàng bảo vệ chủ quyền đất nước
>> Quốc hội quyết định giám sát án oan
>> Quốc hội quyết định sai thì nhận khuyết điểm chứ không kỷ luật được
Bình luận (0)