Xét xử Nguyễn Đức Kiên cùng 8 đồng phạm: Tranh cãi hành vi kinh doanh trái phép

22/05/2014 03:00 GMT+7

Hôm qua 21.5, bước sang ngày làm việc thứ hai, TAND TP.Hà Nội đã thẩm vấn bị cáo Nguyễn Đức Kiên (nguyên Phó chủ tịch HĐQT, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB) để làm rõ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và kinh doanh trái phép.

Hôm qua 21.5, bước sang ngày làm việc thứ hai, TAND TP.Hà Nội đã thẩm vấn bị cáo Nguyễn Đức Kiên (nguyên Phó chủ tịch HĐQT, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB) để làm rõ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và kinh doanh trái phép.

Xét xử Nguyễn Đức Kiên cùng 8 đồng phạm: Tranh cãi hành vi kinh doanh trái phép
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa ngày 21.5 - Ảnh: Hà An

“Tôi thường đi ăn cơm với anh Long và anh Dương”

Trong buổi sáng, HĐXX tiếp tục thẩm vấn bị cáo Trần Ngọc Thanh (nguyên Giám đốc) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên Kế toán trưởng Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội - ACBI) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 264 tỉ đồng của Công ty TNHH MTV thép Hòa Phát. Cũng như ngày đầu tiên, Thanh và Yến khai nhận việc lập biên bản khống họp HĐQT, nhận tiền, chi tiền... đều thực hiện theo sự chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên.

Khi được xét hỏi về hành vi này, bị cáo Kiên phủ nhận lời khai của cấp dưới. Riêng việc đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát đang thế chấp tại ACB cho Công ty TNHH MTV thép Hòa Phát, bị cáo Kiên khai: “Tôi quen biết và thường xuyên đi ăn cơm với anh Long và anh Dương (Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT và Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát - PV) nên rõ ràng hai anh không thể nói không biết việc chuyển nhượng này”. Trong khi đó, tại tòa ông Long và ông Dương phủ nhận lời khai ấy và đều cho rằng không hề hay biết cổ phiếu đang thế chấp cho ACB.

Sau khi phiên tòa kết thúc, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính T.Ư, Phó trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã ra sân tòa, lên xe về. Trước đó, trong phần làm thủ tục khai mạc phiên tòa, một luật sư đề nghị HĐXX mời ông Nguyễn Bá Thanh tham dự phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên.

Pháp luật không cấm thì được kinh doanh

Liên quan đến hành vi kinh doanh trái phép, theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, từ ngày 15.5.2007 đến ngày 3.8.2012, thông qua 6 công ty (Công ty CP đầu tư thương mại B&B, Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu, Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội, Công ty CP đầu tư tài chính Á Châu, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty CP phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam) do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch HĐTV để tổ chức hoạt động kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký kinh doanh. Cụ thể, bị cáo Kiên đã lợi dụng các cơ quan, tổ chức này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh trạng thái vàng trái phép với tổng số tiền trên 21.490 tỉ đồng. Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Chủ tọa phiên tòa đã công bố số liệu ông Kiên chỉ đạo Công ty CP đầu tư thương mại B&B dùng 2.348 tỉ đồng để mua cổ phần và góp vốn vào DN khác; chỉ đạo Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu chi 4.068 tỉ đồng mua trái phiếu chuyển đổi của ACB và góp vốn với 3 DN khác; chỉ đạo Công ty CP đầu tư Á Châu dùng 1.433 tỉ đồng góp vốn vào các DN khác và mua cổ phiếu của Techcombank, Eximbank; chỉ đạo Công ty Thiên Nam ký hợp đồng với ACB để kinh doanh trạng thái vàng trên tài khoản ở nước ngoài và trong nước với tổng khối lượng giao dịch mua bán là 462.000 ounce, 75.000 lượng vàng SJC tổng trị giá 11.777 tỉ đồng...

Trả lời HĐXX, bị cáo Kiên khai: “Tôi thừa nhận tất cả các số liệu mà Viện KSND tối cao quy kết trong cáo trạng đều hoàn toàn chính xác, nhưng không thừa nhận hành vi kinh doanh trái phép”. Bị cáo đã trích dẫn hàng loạt văn bản pháp luật để chứng minh việc hoạt động kinh doanh của mình đúng pháp luật: “Điều 7 luật Doanh nghiệp quy định, DN có quyền kinh doanh mà pháp luật không cấm; điều 8 cho phép chủ động lựa chọn ngành nghề, hình thức kinh doanh; điều 26 luật Đầu tư cho phép nhà đầu tư thực hiện mua cổ phần, cổ phiếu và các giấy tờ có giá khác...”. Khi tòa hỏi: “Vậy còn việc kinh doanh vàng?”, bị cáo Kiên trả lời: “Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng mà chỉ nhận chuyển giao trạng thái giá vàng qua sự ủy thác của Ngân hàng ACB. Việc nhận chuyển giao trạng thái giá vàng, công ty hoạt động theo đúng quy định của luật Đầu tư, quy định của Chính phủ”.

Tòa án cũng trích dẫn Quyết định 03 ngày 18.3.2006 của Ngân hàng Nhà nước để giải thích từ ngữ “trạng thái vàng”, thì bị cáo Kiên nói: “Đó là quy định về trạng thái vàng, chứ không phải trạng thái giá vàng”. Tương tự, khi xét hỏi về mua bán cổ phiếu, cổ phần, bị cáo cũng trả lời: “Tôi dám cam đoan, trong cả đất nước Việt Nam có 1 triệu DN thì có đến một nửa tham gia góp vốn đầu tư, luật hoàn toàn không cấm”.

Hoạt động phải theo giấy phép

Buổi chiều, thẩm phán Nguyễn Hữu Chính đã dành nhiều thời gian để hỏi đại diện của Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) TP.HCM và Hà Nội (2 cơ quan cấp phép cho 6 công ty của Nguyễn Đức Kiên hoạt động tại TP.HCM và TP.Hà Nội - PV); Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Vụ Pháp chế, Vụ Đăng ký kinh doanh (đều thuộc Bộ KH-ĐT) xung quanh hoạt động kinh doanh của các công ty của Nguyễn Đức Kiên có vi phạm pháp luật hay không.

Hai đại diện của Sở KH-ĐT TP.HCM và TP.Hà Nội lần lượt đưa ra một số văn bản, quy định, hướng dẫn kinh doanh, các quyền của DN trong việc đăng ký kinh doanh. Nhưng khi đặt câu hỏi việc kinh doanh của các công ty do bị cáo Kiên quản lý có vi phạm pháp luật hay không, thì 2 đại diện này đều không trả lời. Khi chủ tọa đề nghị trả lời với tư cách cá nhân, thì đại diện Sở KH-ĐT TP.HCM phát biểu: “DN phải hoạt động theo đúng ngành nghề trong giấy phép đăng ký kinh doanh theo điều 9 luật Doanh nghiệp, kể cả việc mua bán cổ phần, cổ phiếu”. Đại diện của Sở KH-ĐT TP.Hà Nội cũng có câu trả lời tương tự.

Chủ tọa phiên tòa tiếp tục đặt câu hỏi với ông Nguyễn Duy Biền, chuyên viên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xung quanh việc kinh doanh cổ phần, cổ phiếu thì vị cán bộ này lại nói “không thuộc thẩm quyền trả lời”. Một số vấn đề khác thì chưa kịp chuẩn bị tài liệu và hứa sẽ trả lời vào phiên xử ngày 22.5.

Tiếp đó, chủ tọa hỏi đại diện Vụ Pháp chế (Bộ KH-ĐT) về việc đăng ký kinh doanh các công ty của Nguyễn Đức Kiên thì người này liền xin phép... gọi điện để hỏi ai đó, nhưng phía bên kia không bắt máy. Chủ tọa mời bà Nguyễn Hồng Vân, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT) để hỏi về “Ngành nghề kinh doanh (cổ phiếu, cổ phần, vàng - PV) có phải đăng ký hay không?”. Bà Vân trả lời: “Không đúng thẩm quyền trả lời vấn đề này, cái này thuộc Bộ Tài chính”. Trước sự lúng túng của các cơ quan quản lý, bị cáo Kiên tiếp tục đề nghị HĐXX mời Phòng Thương mại - Công nghiệp VN và bà Phạm Chi Lan (chuyên gia kinh tế) để làm rõ những vấn đề liên quan đến việc kinh doanh của các công ty của mình cũng như các DN khác đang hoạt động trên đất nước VN.

Hôm nay 22.5, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.

Hoàng Tuấn - Hà An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.