Ông Trịnh Xuân Như, Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết quá trình điện khí hóa nông thôn ở Thanh Hóa trải qua nhiều giai đoạn. Tuy nhiên sự thay đổi chỉ thực sự bắt đầu từ năm 2004 khi cả hệ thống chính trị của tỉnh cùng vào cuộc, quyết tâm xóa sổ mô hình quản lý bán điện ở khu vực nông thôn do có quá nhiều bất cập, gây thiệt hại cho khách hàng sử dụng điện.
Chủ trương của Chính phủ giao cho ngành điện tiếp nhận, quản lý lưới điện hạ áp nông thôn thực sự là cuộc cách mạng, nhưng cũng tạo ra sức ép không nhỏ đối với các công ty điện lực trong việc tiếp nhận, quản lý, bán điện đến từng hộ dân. Bên cạnh đó, ngành điện còn phải đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng điện và thu xếp vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn phần lớn đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo kỹ thuật an toàn điện khi vận hành (mỗi xã trung bình phải đầu tư từ 1-4 tỉ đồng).
Khó khăn cũng dần dần được tháo gỡ. Đến cuối năm 2013, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã hoàn thành tiếp nhận, quản lý vận hành và bán điện đến 391/585 xã, đạt 66,6%. Số xã còn lại hiện do các Công ty CP Kinh doanh điện Thanh Hóa, Công ty CP Xây lắp điện lực Thanh Hóa quản lý 107 xã; 87 xã do các HTX điện lực trực tiếp quản lý.
Tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình Điện khí hóa nông thôn ở tỉnh là hơn 1.444 tỉ đồng. Sau khi tiếp nhận, quản lý hệ thống lưới điện nông thôn, Thanh Hóa cũng được ưu tiên hỗ trợ vốn triển khai Dự án Năng lượng nông thôn II (REII), bao gồm 2 hợp phần: Hợp phần lưới điện trung áp nông thôn (trạm biến áp và đường dây trung áp) và Hợp phần hạ áp (đường dây 0,4 kV sau trạm biến áp và công tơ điện).
Đối với phần đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp, tỉnh được Bộ Tài chính ưu tiên cho vay 174 triệu USD từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới với lãi suất 0,1%/năm, thời hạn vay 20 năm, để triển khai cải tạo, nâng cấp hệ thống điện tại 99 xã trong 21 huyện, thị. Trong 5 năm từ 2004-2011, đã xây dựng 1.342 km đường dây điện hạ thế nông thôn, lắp đặt gần 130 nghìn công tơ cho các hộ sử dụng điện, nâng tỷ lệ số xã có lưới điện quốc gia lên tới 99%. Đến tháng 12.2013, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã hoàn thành đóng điện tại xã Mường Lý, xã cuối cùng ở Thanh Hóa có điện lưới quốc gia.
Ở nhiều xã của tỉnh, lưới điện hạ áp nông thôn được sử dụng cho chiếu sáng, sinh hoạt và sản xuất từ trung tâm xã đến các trạm y tế, trường học và các thôn bản ở xa. Đây là những điều kiện đầu tiên và quan trọng, tiến tới xây dựng mô hình nông thôn mới. Điển hình là H.Nông Cống, có đến 300 làng, xã đã xây dựng làng văn hóa phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng, khôi phục lại những giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, người dân còn tự nguyện đóng góp xây dựng hệ thống đường bê tông, đèn chiếu sáng ngõ xóm.
Có điện về, đời sống người dân ở Thanh Hóa ngày càng được cải thiện về vật chất và tinh thần. Họ càng quyết tâm, chung sức xây dựng nông thôn mới. Thành công này cũng là bí quyết và động lực cho điện lực Thanh Hóa nỗ lực đưa điện đến 100% số hộ dân trên toàn tỉnh. Thanh Hóa hiện còn 157 thôn bản thuộc 57 xã của 10 huyện miền núi chưa có điện lưới quốc gia. Điện lực Thanh Hóa cũng đã đặt mục tiêu đến 2020, sẽ hoàn thành cấp điện 100% số hộ dân trên toàn tỉnh.
Lương Nguyên
(Nguồn: EVN)
>> Gần 200 triệu USD phát triển điện khí hóa nông thôn
>> 300 triệu USD cho Chương trình 135, điện khí hóa nông thôn
Bình luận (0)