(TNO) Gần 30 năm trong đời thủy thủ, chưa bao giờ máy trưởng Trần Quang Dự của tàu KN-767 thấy gấp gáp như chuyến đi biển tại Hoàng Sa này.
|
>> Hoàng Sa nơi đầu sóng - Kỳ 3: Tổ ong giữa biển Đông
>> Hoàng Sa nơi đầu sóng - Kỳ 2: Cuộc tấn công bằng 'bom' nước
>> Hoàng Sa nơi đầu sóng - Kỳ 1: Người giữ cờ
Quãng thời gian 2 tiếng làm công tác chuẩn bị chỉ đủ cho một số thuyền viên, kiểm ngư viên chạy xe từ nhà vào cảng. Và những ngày bám trụ Hoàng Sa, họ ăn ở kham khổ, riết cũng thành quen...
5 ngày tắm một lần
Cũng như các tàu khác trong Biên đội tàu Kiểm ngư Vùng 4, tàu KN-767 có trọng tải nhỏ, thiết kế phục vụ các chuyến đi biển ngắn ngày nên các trang thiết bị cũng chỉ ở mức vừa phải. Khoang chứa nước ngọt của tàu hạn chế, chỉ qua tuần đầu tiên việc cấp nước ngọt cho tắm giặt - sinh hoạt đã phải gò vào khuôn khổ: 2 ngày tắm/lần, rồi tăng lên 3 ngày/lần và khi tôi có mặt trên tàu, việc tiết kiệm nước được “nâng cấp” 5 ngày tắm/lần...
Đi biển dài ngày trên tàu nhỏ, sóng gió cấp 6-7 liên tục lắc KN-767 như lên đồng, nghiêng đến 30-35 độ và nước biển ào lên trắng xóa boong trước, 2 bên mạn khiến các lan can, lối đi trên tàu mỗi ngày lại dày lên một lớp trăng trắng, mặn chát hơi muối. Người ngợm tay chân nhớp nháp, đầu tóc cũng bết dính, nhưng khó chịu lắm, cũng chỉ dám tẩm nước vào khăn mặt lau người.
Với những kiểm ngư viên có thân hình to cao vạm vỡ lắm mồ hôi, chuyện nhịn tắm cực kỳ khổ sở. Chả thế mà mỗi buổi chiều, sau khi tàu Trung Quốc đã rút về phía giàn khoan, toàn Biên đội thả trôi tập hợp, nhìn khắp các tàu, đâu cũng thấy anh em cởi trần ùa ra mạn, lên boong phơi người, lấy khăn mặt lau khô và phủi người, gọi là... tắm khô.
|
Bầu luộc - luộc bầu
Người đi biển quý nhất là rau xanh. Ở các tàu kiểm ngư ngoài Hoàng Sa, được ăn rau xanh là điều... xa xỉ. Đơn giản vì tàu không có hầm lạnh bảo quản, chỉ được cấp duy nhất tủ cấp đông (loại các cửa hàng dùng bán kem, nước ngọt trong bờ) và nhân viên quản lý Nguyễn Văn Thường chằng buộc cẩn thận khoang sau, dành bảo quản thịt, trứng, khóa bằng 2 khóa to đùng.
Mấy ngày đầu, rau xanh mua vội chưa héo, thức ăn mỗi bữa còn có đĩa rau cải, rau muống, mồng tơi. Sau này, bữa ăn nào cũng chỉ loanh quanh món bầu truyền thống (do bầu để được lâu dài ngoài trời): hết luộc, đến canh và xào, có chất rau cho trôi cơm. Đằng đẵng gần cả tháng trời trên biển, một số tàu còn cạn sạch thịt cá trong tủ đông, phải đưa thịt hộp dự trữ ra ăn.
Với tàu KN-767, quản lý Nguyễn Văn Thường vốn chu đáo tỉ mỉ đến từng lọ nước mắm, củ dưa hành nên khi tàu nằm bờ đã huy động anh em lọ mọ mấy ngày kiếm gỗ, chỉ nhau đóng chuồng gà 2 ngăn, đặt gọn nơi đuôi tàu. Nhận lệnh đi biển, Thường ra tận chợ Mỹ Ca mua thêm 2 lồng gà vịt thả chật chuồng, thêm con lợn nhỏ và 2 bao to đùng thóc, cám làm thức ăn cho đàn gia súc gia cầm. Thế là, tàu KN-767 có tiếng... no đủ nhất Hoàng Sa.
Biên đội... mất dép
Lên tàu kiểm ngư, sàn tàu nào cũng trơn nhẫy vì muối đọng lại và hơi ẩm nước biển bốc lên. Nhưng tuyệt nhiên, ai cũng bấm chân trần đi lại, hãn hữu lắm mới thấy đôi dép cọc cạch, được “ông chủ” giữ khư khư.
Hỏi ra mới biết, mấy ngày đầu chạm trán với tàu Trung Quốc, súng bắn nước bên kia nhằm trước tiên là cửa xả của máy, thiết bị thông tin liên lạc, kính buồng lái, sau là nhằm vào quần áo đang phơi, giày dép ngoài cửa và cả bát đĩa, xoong nồi nấu ăn để phía đuôi tàu. Súng bắn nước công phá mạnh đến nỗi gãy cả cột ăng ten, thì quần áo, giày dép bay xuống biển là thường.
|
Những ngày ở tàu kiểm ngư, cứ sau những giờ giằng co từng đường tiến, tôi lại lọ mọ bò xuống khoang sau chuẩn bị cơm nước cùng anh em. Cả bữa cơm, duy nhất vo gạo, nấu canh bằng nước ngọt, còn lại đều múc nước biển lau rửa. Lần nào xuống, cũng thấy quản lý Nguyễn Văn Thường chống tay đếm những bắp cải xơ xác, héo quắt treo trên dây, miệng lẩm bẩm: “Bắn kém thật, ngày nào cũng bắn mà cấm có rơi cái nào!”.
|
“Trong bờ, ai cũng bảo đi biển được ăn thoải mái hải sản. Nhầm!” - Thường lắc đầu vậy và giải thích: độ sâu gần 2.000 mét, không cước nào thả nổi. Vả lại tàu cơ động suốt ngày đêm và nhất là lúc nào cũng phải căng người cảnh giác, “nghĩ gì đến chuyện câu kéo, tăng gia”.
Hôm nhận lệnh sang tàu khác để về bờ, thuyền trưởng Đoan rối rít giục quản lý Thường: “Lục lại tủ xem còn sót nắm rau tươi nào, nấu bát canh chia tay” khiến tôi không cười nổi. Thực sự, “Bát canh rau ngoài Hoàng Sa, quý hơn vàng” - thuyền trưởng Đoan quả quyết.
Quản lý Thường, sau nửa tiếng lục tung tủ cấp đông, buồn rầu: “Còn mấy con mực khô, mang kho khô ăn với cơm, chia tay anh nhé!” và thú thật: “Từ ngày mai, toàn tàu ăn thịt hộp kho, thịt hộp xào với canh mì tôm”.
Tàu về bờ qua đón, toàn tàu ùa ra boong nắm tay nhau hẹn ngày gặp lại. Máy trưởng Trần Quang Dự tháo đôi dép cọc cạch 2 màu xanh - đen đang đi, lùa vào chân tôi, bảo: “Đi tạm. Nhảy sang mạn đỡ ngã. Có bị kẹp, cũng không đứt chân”.
Tôi khước từ: “Anh còn ở lại. Em về bờ ngay rồi”, nhưng cả tàu đều nhao nhao bắt tôi đi dép gọn gàng, mới được đỡ tay, chống lưng và mấy chục con người, lựa con sóng đẩy tôi sang gọn gàng boong tàu đón.
Ngoái lại chào tàu, rưng rưng trước mấy chục người trẻ đang bám trụ Hoàng Sa, đang giữ gìn từng tấc biển chủ quyền. Họ, tất thảy: da đen cháy, tưởng như xắt ra từng miếng; tóc dài bù xù cứng queo nước biển; quần cộc áo ngắn lấm lem, bạc trắng muối biển; chân trần bám chặt boong, lấp xấp nước biển tràn vào...
Chạy xa hút hướng bờ, vẫn thấy 5 chấm nhỏ màu trắng pha cam của 5 tàu kiểm ngư, xếp hàng nối đuôi nhau theo tàu HP-926 chỉ huy, như đàn gà con theo mẹ về ổ cuối chiều.
Hình như đêm nay, biên đội lại sẽ hướng vào giàn khoan đẩy đuổi, giữ sạch biển trời đầu sóng: Hoàng Sa.
|
Mai Thanh Hải
(thực hiện)
>> Video clip: Đêm tiếp cận giàn khoan trái phép Hải Dương-981
>> Tàu kiểm ngư tiến sâu, gây áp lực buộc Trung Quốc sớm rút giàn khoan
>> Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép cạnh giàn khoan Hải Dương-981
>> Trung Quốc bắn thử nghiệm tên lửa ngay khi đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
>> Vụ giàn khoan Hải Dương-981: Mỹ ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
>> Vụ đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương - 981: Chuyện những tấm đệm của tàu Hải cảnh Trung Quốc
Bình luận (0)