Bốn ngày sau đảo chính, vẫn chưa biết khi nào chính quyền dân sự ở Thái Lan được khôi phục, trong khi người dân tiếp tục phản đối quân đội.
|
Bất chấp cảnh báo của quân đội, những người chống đảo chính tiếp tục xuống đường ở thủ đô Bangkok trong ngày 26.5 để phản đối. Họ tập trung ở tượng đài Chiến thắng, để hò hét hoặc trưng biểu ngữ đòi giới quân sự trả lại chính quyền và tổ chức bầu cử. Tuy nhiên, có lẽ còn lâu lắm yêu cầu này mới thành sự thật khi cùng ngày, Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha đã làm lễ nhận chiếu dụ của nhà vua chuẩn y cho ông giữ cương vị người đứng đầu Hội đồng quốc gia điều hành trật tự và an ninh, cơ quan điều hành toàn diện Thái Lan hiện nay.
“Tự sướng” và hoa
Từ khoảng 16 giờ, nhiều người bắt đầu đổ về tượng đài Chiến thắng theo lời kêu gọi của lãnh đạo phe Áo đỏ, lực lượng ủng hộ gia đình Shinawatra. Quân đội thì triển khai cả trăm binh sĩ đến giám sát với sự hỗ trợ của cảnh sát. Rào chắn, xe xịt nước và xe cứu thương cũng được huy động đến để đối phó người biểu tình hoặc cấp cứu nếu xảy ra bạo động. Cảnh sát còn dùng rào chắn giao thông chặn một ngả đường của khu vực bùng binh để ngăn nhóm người biểu tình tuần hành về phía trung tâm Bangkok.
Trước uy lực của quân đội, người biểu tình không dám vượt qua rào chắn. Họ đứng yên tại chỗ, hô “đả đảo” quân đội hoặc túm tụm chụp ảnh “tự sướng” ngay trước những binh sĩ mặt lạnh như tiền, rồi tự giải tán sau khoảng 2 giờ đồng hồ. Ngay tại khu vực này còn xuất hiện một nhóm người xuống đường để bày tỏ ủng hộ đảo chính. Nhiều người tặng hoa cho binh lính. Tuy nhiên, không xảy ra xô xát giữa 2 nhóm.
|
Trong khi đó, ngay sau khi nhận được ân chuẩn của hoàng gia, tướng Prayuth lập tức ra tuyên bố cảnh cáo những người chống đối. Ông nói nếu xảy ra bạo động, gây rối thì sẽ ra lệnh cho quân đội đàn áp thẳng tay. Tướng Prayuth khẳng định phải sử dụng biện pháp mạnh để giữ gìn an ninh trật tự trong thời kỳ “rối ren” của Thái Lan, bằng không đất nước sẽ tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng chính trị mà theo ông là đã kéo dài 9 năm nay.
Mỗi ngày mất 1 tỉ baht
Trả lời báo chí về việc khi nào Thái Lan có thể tổ chức bầu cử, tướng Prayuth nói còn quá sớm để tính đến chuyện này và bầu cử sẽ diễn ra khi nào “tình hình ổn định”. Những vấn đề được người dân Thái quan tâm nhất hiện nay như ai sẽ làm thủ tướng tạm thời hay khi nào chính quyền dân sự được hình thành đều chưa được quân đội giải đáp. Ông Prayuth chỉ nói đất nước sẽ có tân thủ tướng nhưng không nói đó là ai và khi nào thì sẽ ra mắt. Hiện tại, quân đội tuyên bố sẽ tập trung không để kinh tế bị ảnh hưởng vì tình hình rối ren, tìm cách kích thích tăng trưởng và gấp rút giải quyết số nợ mà chính phủ trước đây nợ nông dân liên quan tới chương trình trợ giá gạo.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế lo lắng những thiệt hại mà Thái Lan sẽ phải gánh chịu vì đảo chính. Tiến sĩ Anusorn Thammajai, Trưởng khoa Kinh tế thuộc ĐH Rangsit (Thái Lan), cho biết trung bình mỗi ngày nước này mất 1 tỉ baht (700 tỉ đồng) kể từ khi quân đội tuyên bố thiết quân luật và sau đó là đảo chính. Thiệt hại nặng nề nhất là ngành du lịch, kế đến là đầu tư. Ông Anusorn dự đoán đồng baht sẽ rớt còn 37 - 38 baht/USD so với mức 32 - 33 baht/USD hiện nay.
Hôm qua, ông Suthep Thaugsuban, thủ lĩnh phe biểu tình chống chính phủ của bà Yingluck Shinawatra, là người mới nhất được thả trong số hơn 150 chính trị gia bị quân đội cầm giữ mấy ngày qua. Tuy nhiên, ông này ngay lập tức bị giải lên tòa để nghe lệnh khởi tố tội thảm sát liên quan đến đợt bạo động làm hơn 90 người chết hồi năm 2010. Cựu Thủ tướng Yingluck vẫn bị quân đội giám sát sau khi được phóng thích hôm 25.5. Người phát ngôn của quân đội cho biết bà Yingluck trong tình trạng sức khỏe tốt và an toàn. |
Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)
>> Mỹ hủy tập trận với Thái Lan sau vụ đảo chính
>> Người Thái xuống đường chống đảo chính
>> Thái Lan một ngày sau đảo chính
>> Đảo chính ở Thái Lan, khách Việt vẫn du lịch bình thường
>> Hình ảnh Bangkok sau một ngày đảo chính
>> Đảo chính ở Thái Lan: thủ tướng biệt tăm, khủng hoảng kéo dài?
Bình luận (0)