Chính quyền quân sự Thái Lan bị chỉ trích

28/05/2014 03:20 GMT+7

Chính quyền quân sự Thái Lan bị chỉ trích vì bịt miệng giới truyền thông, học giả và các nhà phân tích chính trị ở nước này.

 Quân đội Thái Lan kiểm soát khu vực tác nghiệp của báo giới - Ảnh: Minh Quang
Quân đội Thái Lan kiểm soát khu vực tác nghiệp của báo giới - Ảnh: Minh Quang

Hôm qua 27.5, các tổ chức phi chính phủ, học viện nghiên cứu ở Thái Lan cùng lên tiếng phản đối chính quyền quân sự can thiệp vào quyền tự do báo chí và phát biểu của công dân sau đảo chính. Theo những tổ chức này, báo chí không được phản ánh đúng sự thật về những gì đang diễn ra ở Thái Lan trong khi các học giả, nhà bình luận bị cấm xuất hiện trên truyền thông để bày tỏ chính kiến hay chỉ trích chính quyền quân sự.

Sau khi thâu tóm quyền lực, quân đội bắt buộc lãnh đạo các cơ quan truyền thông và cả những học giả phải trình diện mà mục đích theo như giới phân tích là nhằm răn đe họ. Tờ Bangkok Post hôm qua cho biết phóng viên của họ bị yêu cầu lên trình diện vì đã “gây khó” cho Tư lệnh bộ binh Prayuth Chan-ocha. Trong cuộc họp báo ngày 26.5, phóng viên của Bangkok Post và một đồng nghiệp khác ở tờ Thairath đã truy vấn ông Prayuth theo cách mà quân đội cho rằng có thể làm ông này mất mặt trước báo giới quốc tế. Quân đội đã yêu cầu 2 phóng viên phải chấm dứt thái độ đó. Những yêu cầu như thế được hiểu là mệnh lệnh trong thời kỳ thiết quân luật mà nếu kháng lệnh họ có thể bị đưa ra tòa án binh và bị phạt 2 năm tù.

Chính quyền quân sự Thái Lan cũng vừa ra lệnh dẹp hơn 200 trang mạng được cho là đăng những lời chỉ trích hoặc cổ vũ người dân xuống đường chống đảo chính. Quân đội Thái Lan cũng yêu cầu các nhà điều hành Facebook và YouTube kiểm soát thông tin, video clip có nội dung kích động chống chính quyền quân sự hoặc đi ngược lại với chính sách của quân đội.

Trong hôm qua, cả trăm binh sĩ đã kéo đến câu lạc bộ nhà báo nước ngoài ở Bangkok để bắt cựu Bộ trưởng Giáo dục Chaturon Chaiseng khi ông đang dự cuộc họp báo quốc tế có cả trăm nhà báo theo dõi. Tại đây, ông Chaturon đã công khai chỉ trích cuộc đảo chính và chính quyền quân sự đồng thời yêu cầu tướng Prayuth trả lại chính quyền cho người dân. Trước khi tham dự cuộc họp báo, ông Chaturon viết trên trang Facebook cá nhân rằng ông biết quân đội sẽ đến bắt ông và ông sẽ đối mặt với mức án 2 năm tù. Ngay sau khi ông Chaturon bị bắt, người phát ngôn của quân đội cho biết ông này phạm tội kháng lệnh, không đến trình diện theo yêu cầu và nói xấu chính quyền quân sự.

Trong khi đó, cuộc biểu tình chống đảo chính vẫn tiếp tục diễn ra ở khu tượng đài Chiến thắng trong ngày thứ 4 liên tiếp, dưới sự giám sát của hàng trăm binh sĩ và cảnh sát. Phe chống đảo chính đang muốn gây dựng phong trào biểu tình song cuộc biểu tình hôm qua chỉ huy động được vài trăm người và nhanh chóng tự giải tán. Tại các tỉnh phía bắc, quân đội vẫn tiếp tục truy quét phong trào phản kháng của phe Áo đỏ. Trong hôm qua, quân đội Thái Lan đã quyết định rút ngắn giờ giới nghiêm từ 0 giờ đến 4 giờ sáng thay vì từ 22 giờ đến 5 giờ sáng. Quyết định có hiệu lực từ hôm nay theo yêu cầu của ngành du lịch nhằm duy trì sức hút đối với du khách nước ngoài.

Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)

 >> Quân đội Thái Lan dọa sẽ thẳng tay đàn áp
 >> Mỹ hủy tập trận với Thái Lan sau vụ đảo chính
 >> Thái Lan: người dân và quân đội giằng co
 >> Thái Lan một ngày sau đảo chính
 >> Mỹ hoãn viện trợ quân sự 3,5 triệu USD cho Thái Lan
 >> Quân đội Thái Lan bắt giữ cựu Thủ tướng Yingluck
 >> Đảo chính ở Thái Lan, khách Việt vẫn du lịch bình thường
 >> Tướng quân đội tuyên bố nắm quyền thủ tướng Thái Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.