(TNO) Ngay từ đầu năm 2014, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã “bật đèn xanh” cho kế hoạch đem giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển Việt Nam, bất chấp khả năng gây căng thẳng, tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản) tiết lộ.
|
“Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) không thể tự ý ra quyết định khoan dầu. Sự chấp thuận đã được đưa ra từ giới lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào đầu năm nay”, một nhà nghiên cứu, từng đưa ra các đề xuất chính trị lên chính phủ Trung Quốc, tiết lộ với Asahi Shimbun.
Chuyên gia này còn cho biết thêm rằng CNOOC đã kêu gọi cần phải khoan dầu trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa trong hơn 10 năm qua. Quân đội Trung Quốc cũng rất ủng hộ động thái này, theo tờ báo Nhật.
Tuy nhiên, quan chức thuộc bộ ngoại giao và bộ thương mại Trung Quốc đã tỏ ra lo ngại về kế hoạch nói trên, nguồn tin giấu tên của Asahi Shimbun cho hay.
Quan chức bộ ngoại giao Trung Quốc lúc đó đang cố gắng thiết lập một môi trường ổn định bên ngoài lãnh thổ mà họ cho rằng cần thiết cho sự phát triển kinh tế trong nước.
Quan chức hai bộ này cũng sợ rằng động thái đem giàn khoan vào biển Đông sẽ làm xấu quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước thành viên ASEAN và Mỹ, theo nguồn tin của Asahi Shimbun.
Trung Quốc trong một thời gian dài đã không đả động gì đến đề xuất khoan dầu ở biển Đông vì nước này không có công nghệ khoan dầu ở vùng biển sâu ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tờ báo Nhật cho hay.
Tuy nhiên, vào năm 2008, CNOOC đã chi khoảng 953 triệu USD để sản xuất giàn khoan biển sâu Hải Dương - 981 và giàn khoan này đã xuất xưởng hồi tháng 5.2011.
Sau đó, nó đã được dùng để khoan ở mỏ dầu Liwan, nằm cách bờ biển Hồng Kông khoảng 300 km về phía đông nam.
Dự án khoan dầu nói trên được tiến hành bởi CNOOC và một công ty Canada. Asahi Shimbun dẫn lời một quan chức tại công ty Canada này cho biết việc khoan giếng dầu ở mỏ dầu Liwan đã hoàn tất từ cuối năm 2013 và dầu đã bắt đầu được khai thác từ tháng 3.2014.
Sau khi hoàn tất khoan dầu tại mỏ Liwan, CNOOC đã di chuyển giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển Việt Nam hồi đầu tháng 5.
Asahi Shimbun bình luận rằng hành động ngang ngược của Trung Quốc là một dấu hiệu nữa cho thấy nước này không quan tâm tới ý kiến của quốc tế và chỉ theo đuổi việc kiểm soát toàn bộ biển Đông dựa trên lý lẽ và quyền lợi của mình.
Tờ báo Nhật nói thêm, kể từ sau năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các tổng công ty xăng dầu nhà nước Trung Quốc đã liên tục mở rộng các hoạt động của họ ở nước ngoài. Các công ty này rất háo hức được khai thác nguồn tài nguyên nằm trong lòng biển Đông.
Chính quyền Trung Quốc thời bấy giờ do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đứng đầu đã “kìm chân” được các công ty nói trên vì Bắc Kinh lúc đó vẫn bị ảnh hưởng bởi đường lối ngoại giao “ẩn mình chờ thời” do cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khởi xướng, một nguồn tin từ bộ ngoại giao Trung Quốc nói với Asahi Shimbun.
Tuy nhiên, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình rõ ràng đã đi theo một hướng hoàn toàn khác khi đề ra mục tiêu biến Trung Quốc thành một “cường quốc trên biển”, tờ báo Nhật nhận định.
Hoàng Uy
>> Chuyên gia Trung Quốc: Giàn khoan Hải Dương-981 sẽ được đưa đến Trường Sa
>> Giàn khoan Trung Quốc gây khó khăn cho hoạt động tài nguyên trên biển
>> Tàu chiến Trung Quốc chĩa súng vào tàu Việt Nam tại khu vực đặt giàn khoan
>> Nhiều hoạt động tài nguyên trên biển bị ảnh hưởng vì giàn khoan Trung Quốc
Bình luận (0)