Nhật ủng hộ cách giải quyết của Việt Nam tại biển Đông

31/05/2014 09:00 GMT+7

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong diễn văn khai mạc diễn đàn an ninh châu Á tối qua đã đanh thép kêu gọi thượng tôn pháp luật.

Thủ tướng Nhật Abe kêu gọi thượng tôn pháp luật - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nhật Abe kêu gọi thượng tôn pháp luật - Ảnh: Reuters 

 >> Nhật sẽ 'hỗ trợ hết mình' Việt Nam, Philippines bảo vệ lãnh hải và không phận
 >> Máy bay Nhật sẽ tiêu diệt tàu ngầm Trung Quốc nếu cần

Hơn 400 đại biểu từ hơn 30 quốc gia tham dự diễn đàn có tên gọi Đối thoại Shangri-La (SLD) tối 30.5 tại Singapore hoàn toàn bị thuyết phục bởi thông điệp mà ông Abe lặp đi lặp lại nhiều lần: “Thượng tôn pháp luật vì châu Á”, “Thượng tôn pháp luật vì tất cả chúng ta” để “hòa bình và thịnh vượng lan tỏa khắp châu Á, mãi mãi”.

 

Bên lề diễn đàn, hôm qua Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã gặp song phương với người đồng cấp Jonathan Coleman (New Zealand) và Ng Eng Heng (Singapore). Các bên đều bày tỏ quan ngại về các hành động của Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, tấn công tàu cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam trên biển Đông. Các bên đều bày tỏ mong muốn căng thẳng được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế.

Cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng có các cuộc gặp song phương với Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung và Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov. Hôm nay, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh sẽ gặp những người tương nhiệm Chuck Hagel (Mỹ), Philip Hammond (Anh), Jean-Yves Le Drian (Pháp) và Nandasena Gotabaya Rajapaksa (Sri Lanka) .

T.M

Khác với dự đoán của nhiều người rằng vị thủ tướng sẽ có những lời lẽ cứng rắn trước những diễn biến căng thẳng trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ông Abe chỉ đưa ra “nhìn nhận đánh giá của cá nhân tôi về tình hình xung quanh chúng ta”. Đó là nguy cơ vũ khí hủy diệt hàng loạt mà “một phần bất cân xứng thành quả kinh tế của nhiều quốc gia được đổ vào để tăng cường năng lực quân sự”. Đó là, nguy hiểm hơn, nguy cơ ai đó “cố sử dụng vũ lực và cưỡng ép để thay đổi hiện trạng”.

Và để tránh những nguy cơ trên, vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật pháp trên biển đóng vai trò quan trọng mà nhân loại phải tuân thủ, ông Abe nói. Ông nêu ra 3 nguyên tắc của luật biển quốc tế là: các quốc gia phải đưa ra tuyên bố chủ quyền dựa vào luật pháp quốc tế và giải thích rõ ràng trước thế giới; các quốc gia không dùng vũ lực hay cưỡng ép để tạo lợi thế cho tuyên bố chủ quyền của mình; các quốc gia phải tìm cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Dùng 3 nguyên tắc đó làm lý lẽ, ông Abe thẳng thắn tuyên bố: “Chính phủ của tôi mạnh mẽ ủng hộ nỗ lực của Philippines tìm đến biện pháp hòa giải cho tranh chấp trên biển Đông. Tương tự, chúng tôi cũng ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua đối thoại”. “Những động thái làm thay đổi hiện trạng bằng cách tạo ra sự đã rồi chỉ có thể bị lên án mạnh mẽ vì nó trái ngược với 3 nguyên tắc nói trên”, ông nói thêm. Thủ tướng Nhật cũng kêu gọi: “Đây chẳng phải là thời điểm chúng ta cần tuân thủ đầy đủ tinh thần và các điều khoản của Tuyên bố ứng xử biển Đông năm 2002 mà các bên đã đồng thuận?” và: “Tôi hy vọng mạnh mẽ rằng một Bộ quy tắc ứng xử biển Đông hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm hình thành”.

“Khỏi phải nói, ai cũng biết ông Abe muốn chĩa mũi dùi vào Bắc Kinh. Nhưng ông ấy đã lập luận một cách nhẹ nhàng và tài tình khiến không ai bắt bẻ được”, Giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc chia sẻ với Thanh Niên sau khi chăm chú lắng nghe và ghi chép cẩn thận.

Hợp tác với ASEAN, Ấn Độ

Thủ tướng Abe cũng nhấn mạnh Nhật Bản “ủng hộ tối đa” các nước ASEAN trong nỗ lực giữ an ninh vùng biển và vùng trời nhằm bảo đảm quyền tự do đi lại trên biển và trên không. “Chúng tôi quyết định cung cấp cho lực lượng bảo vệ biển của Philippines 10 tàu tuần tra. Chúng tôi đã cung cấp 3 tàu tuần tra mới tinh cho Indonesia. Và chúng tôi đang nhanh chóng khảo sát để cung cấp cho Việt Nam những tàu tương tự”, ông Abe tuyên bố.

Đặc biệt, ông Abe nhấn mạnh Nhật Bản ở Thái Bình Dương mong muốn hợp tác mạnh mẽ hơn với Ấn Độ, quốc gia bên bờ Ấn Độ Dương và cũng có nhiều mâu thuẫn với Trung Quốc, để “hai đại dương hòa làm một”. Chia sẻ với Thanh Niên, đại biểu Raja Mohan của Quỹ nghiên cứu quan sát viên tại Dehli nói rằng ông xúc động vì Thủ tướng Abe là người đầu tiên đưa ra khái niệm “hai đại dương hòa làm một”.

Bên cạnh đó, ông Abe cũng cho biết sẽ nâng cấp quân đội để đủ sức tự vệ và góp phần vào lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới tại các điểm nóng, đồng thời hợp tác mạnh mẽ hơn với các quốc gia trong khu vực như Úc, New Zealand, thậm chí xa hơn như Anh, Pháp. Tất cả những việc đó  để  Nhật đóng vai trò “người chủ động góp phần xây dựng hòa bình”.

Nhận xét rằng bài phát biểu và những câu trả lời của Thủ tướng Nhật đã thể hiện rõ chính sách minh bạch, hướng tới hòa bình và trật tự, cùng với nền tảng dân chủ và nhân văn, ông John Chipman, Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế - đơn vị tổ chức SLD, cho rằng ông tin tưởng ông Abe sẽ thực hiện được những điều ông nói đêm qua.

Hôm nay, diễn đàn tiếp nối với 3 phiên họp toàn thể và 5 phiên họp đặc biệt bàn về nhiều vấn đề an ninh khu vực. Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh sẽ cùng hai người đồng cấp Indonesia và Úc phát biểu và bàn về cách kiểm soát các căng thẳng chiến lược trong phiên toàn thể thứ ba.

Mỹ, Nhật, Úc phản đối thay đổi hiện trạng bằng vũ lực

Bên lề hội nghị, bộ trưởng quốc phòng các nước Mỹ, Nhật Bản và Úc đã có cuộc gặp 3 bên để thảo luận tình hình an ninh khu vực cũng như thắt chặt thêm quan hệ. Theo Kyodo News, sau cuộc gặp 3 Bộ trưởng Chuck Hagel (Mỹ), Itsunori Onodera (Nhật) và David Johnston (Úc) đã ra tuyên bố chung phản đối mạnh mẽ đối với việc sử dụng vũ lực hay cưỡng ép hòng đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển Hoa Đông và biển Đông. Ba nước cũng nhất trí mở rộng hoạt động huấn luyện phòng vệ chung.

Trước đó, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Mỹ Hagel khẳng định Washington sẽ không để những “mối đe dọa” mới nổi lên trên thế giới ảnh hưởng đến cam kết tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương. Ông Hagel cho biết trong cuộc gặp với phía Trung Quốc ở Singapore, ông sẽ trao đổi thẳng thắn về các vấn đề khác biệt giữa 2 nước và nhấn mạnh nhu cầu phải duy trì tự do hàng hải cũng như lo ngại trong khu vực trước những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc liên quan đến chủ quyền biển.

Danh Toại

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

 >> Người Việt ở Nhật Bản tiếp tục tuần hành phản đối Trung Quốc
 >> Nhật Bản tập trận đổ bộ đối phó với Trung Quốc
 >> Việt Nam, Nhật Bản tăng cường hợp tác an ninh biển
 >> Nhật Bản điều hàng trăm quân ra các hòn đảo phía tây nam để đối phó với Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.