|
Đặt món Padthai lên bàn cho khách, nhân viên phục vụ bước vội vào bên trong nhà hàng nơi có một người đàn ông đang ngồi. Đó không phải thực khách mà chủ quán, không rõ chuyện gì quát tháo liên tục. Vào giờ cao điểm, quán chỉ có vài khách, có lẽ vì vậy khiến ông chủ khó chịu. Nhìn thấy khách vừa ăn xong, người nhân viên vội vàng dọn dẹp. “Hồi này buôn bán ế ẩm quá, khách đi đâu hết cả nên ổng thường hay vậy”, nhân viên phục vụ nói như để phân bua với khách. “Từ bữa đảo chính đến giờ, cả khu Khao San vắng lặng lắm”, anh tiếp.
Khao San là khu phố Tây của Bangkok, giống như phố Phạm Ngũ Lão ở TP.HCM, bình thường không khí rất sôi động và nhộn nhịp. Có người ví Khao San như “nhiệt kế” của Bangkok, chỉ cần đến đây là biết tình hình du lịch của thành phố thế nào.
Đìu hiu phố Tây
Đến Khao San những ngày này, không khí khác hẳn. Hai bên đường của con phố vẫn đầy ắp những hàng quán nhưng lác đác chỉ vài khách Tây qua lại. Nhân viên quán ăn, bar, cửa hàng quần áo... đổ ra đường chào mời khách, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Mời mãi mà không được khách nào, một người đàn ông đổi “chiến lược”, cứ thấy khách nào đi qua là giơ tay ra bắt, rồi ôm kéo vào quán, nhưng cũng thất bại vì những vị khách khoát tay, cười rồi bỏ đi. Chiều tối được xem là giờ cao điểm của khu phố. Các quán bar, hàng ăn đổ bàn ghế đầy vỉa hè đón khách, tiếng nhạc bắt đầu nhưng không còn ầm ĩ như trước. Một vài quán có khách Tây ghé vào, ngồi nhâm nhi, có quán chỉ toàn thấy nhân viên đứng, ngồi trông uể oải.
|
Kéo sào quần áo trẻ con ra phía trước, anh Cho khấn thầm trời đừng đổ mưa rồi than thở: “Sáng giờ mới bán được vài bộ, giờ mà mưa nữa là dẹp tiệm về ngủ quá”. Anh Cho tâm sự tiệm anh chỉ bán cho khách du lịch, lâu lâu mới có vài khách trong nước. Cả tuần nay chỉ vài khách Tây ghé đến. Ngồi từ sáng đến chiều tối chỉ vài bộ, có khi dọn về tay không. Vừa nói anh vừa nhìn ra đường, 2 chiếc xe đẩy hàng vừa kéo ngang qua. “Mới có 8 giờ tối mà dẹp hàng rồi đó...”, anh chua chát.
Kể từ khi chính quyền quân sự áp dụng luật giới nghiêm, cả phố Tây này ngủ sớm. “Chả ai đến đây du lịch để đi ngủ sớm đâu anh ơi”, chị Pi, nhân viên đặt phòng của Siam Hotel Inn nói. Pi bảo chưa bao giờ chị thấy tình hình tệ như lúc này. Ngày trước nhà nghỉ Siam Hotel Inn 70 phòng không phải lúc nào cũng đầy khách nhưng không đến mức vắng teo như hiện nay, thậm chí giảm giá phòng mà cũng chẳng thu hút được khách. Đang than ngắn, thở dài, bỗng thấy 2 người khách Indonesia bước vào, chị Pi tươi lên hẳn. Hai vị khách thuộc dạng “ba lô”, tiết kiệm chỉ chọn phòng rẻ nhất 400 baht (280.000 đồng)/đêm, khiến gương mặt chị xìu lại. Bình thường phòng loại này chỉ dành cho một người nhưng để chiều khách chị Pi cho họ ở 2 người và chỉ lấy cùng giá. “Đúng là thời của thượng đế”, một hướng dẫn viên đứng kế bên buột miệng chen vào.
Cuộc đảo chính ảnh hưởng nặng nề cho Thái Lan, đặc biệt là du lịch, ngành được xem là “gà đẻ trứng vàng” cho đất nước. Nhiều đoàn khách hủy tour đến Thái Lan vì biến động chính trị. Anh Thanik Khachonkittisakul, Giám đốc Công ty du lịch Thai 2020 Travel, cho biết có đến hơn 50% khách du lịch quốc tế đã hủy tour vào thời điểm này. “Muốn biết khách đoàn đến Thái Lan nhiều hay ít, chỉ cần đến tòa nhà cao nhất Bangkok sẽ biết”, anh Thanik, Việt kiều sinh ra ở Thái Lan nói. Thấy chúng tôi ngơ ngác, anh Thanik còn có tên là Thọ giải thích: “Ở đó có tòa nhà Biyoke Sky cao 86 tầng, cứ đến giờ trưa rất nhiều đoàn kéo đến. Chỉ việc đếm xe là biết”. Anh bảo thường ngày có gần trăm chiếc xe đậu ngổn ngang quanh khu vực tòa nhà. “Cách đây vài hôm tôi thấy chưa đến 10 chiếc, chỉ toàn đoàn Ấn Độ, Nhật và Trung Quốc, không thấy châu Âu, Việt Nam càng không”, anh chia sẻ.
Khách du lịch Việt Nam hiếm hoi chụp hình với Lukbad, một nang show của Alcaza - Ảnh: Minh Quang |
Pattaya mất vẻ náo nhiệt
Pattaya là thành phố ăn chơi bậc nhất ở Thái Lan, qua mặt cả Bangkok về giải trí ban đêm. Chúng tôi đến thành phố này vào những ngày cuối tuần và ghi nhận không khí vắng lặng của Pattaya. Con đường chạy dọc bãi biển không ồn ào, nhộn nhịp dù đã chiều tối, thời điểm bắt đầu của những chuyến “thâu đêm suốt sáng”. Khách du lịch thưa hơn hẳn so với thời điểm bình thường. Các quán bar vẫn mở, nhạc vẫn mở nhưng rải rác trong quán chỉ vài khách uống bia bên cạnh các nữ tiếp viên nhảy múa phục vụ.
Trên bãi biển, một vài chiếc dù đã căng lên nhưng không thấy khách là bao. Anh Nguyễn Văn D. ở đồng bằng sông Cửu Long sang đây làm nghề cho thuê dù, ghế cho biết tình hình vắng lặng chỉ mới xảy ra gần đây thôi. Anh D. nói hằng ngày cũng có khách lai rai, nhưng không nhiều như ngày thường. “Do ảnh hưởng ở Bangkok đó anh”, anh D. vừa giải thích vừa vác những chiếc dù dẹp vào bên trong.
Đến “thiên đường” của Pattaya là Tiffany và Alcaza nơi có những “thiếu nữ” đẹp tuyệt trần. Show đã bắt đầu, khán phòng vài trăm khách đã đầy nhưng người ở đây cho biết họ phải dồn khách lại cho đầy xuất diễn, chứ nếu diễn bình thường chắc chỉ được phân nửa. Từ khi có lệnh giới nghiêm 12 giờ đêm, cả Tiffany và Alcaza phải bỏ bớt một suất vì nhiều tour hủy vé. Khách xem xong suất cuối cùng cũng đã 11 giờ, sợ lang thang trên đường không kịp về đến khách sạn thì bị quân đội hay cảnh sát hỏi thăm.
Như bình thường, cuối show diễn là phần chụp hình chung với “người đẹp” chuyển giới. Lukbad, một nang show (từ người Thái gọi người trình diễn show chuyển giới) loay hoay với một nhóm khán giả nữ trẻ hiếm hoi đến từ Việt Nam tranh nhau chụp hình với “nàng”. “Chán lắm anh ơi, khách du lịch hồi này ít ghê. Lại còn bớt suất nữa, tiền boa chẳng được là bao”, Lukbad than thở sau khi nhận được 40 baht (28.000 đồng) từ một “người hâm mộ” Việt Nam. Lukbad chuyên về các tiết mục Việt Nam trong Alcaza và chỉ khách Việt mới thích chụp hình chung với “nàng”. Dạo này khách Việt hủy tour nhiều nên nàng cũng bị “hẻo” theo.
“Chính trị, chính em”
Trở lại Bangkok đúng vào lúc đã khuya. Còn một giờ nữa là đến giờ giới nghiêm nhưng khu đèn đỏ của Bangkok như bị khuấy động bởi các “coyoty” (từ người Thái gọi nữ nhân viên phục vụ trong khu đèn đỏ). Tiếng kêu réo khách inh ỏi cả khu đèn đỏ. Bất kỳ khách nào đi qua, một nhóm coyoty ào ra chào đón nắm chặt kéo vào. “Anh thông cảm nhé, không kèm thế dễ mất khách như chơi”, coyoty bên trái giải thích. “Hồi này khách chỉ có một mà em út hàng tá, tranh giành là chuyện thường xuyên. Nên cứ giữ khách như vậy cho chắc, không đứa nào giành được”, coyoty bên phải chen vào. Rồi nàng kêu ca về đảo chính, giới nghiêm khiến chúng tôi phải ngạc nhiên về mức độ “chính trị, chính em” của các “nhân viên đèn đỏ”. Nàng nhanh nhảu giải thích: “Đừng tưởng bọn em làm ở đây mà không nắm tình hình nha. Phải cập nhật thường xuyên để biết mà đón khách chứ”. “Này nhé ...”, nàng nói liên tục nhưng vì tiếng nhạc inh ỏi chúng tôi cũng không nghe được gì nhiều.
12 giờ đêm, tiếng ồn ào ngoài cửa, các vị khách không biết chuyện gì đang xảy ra thì tiếng của một coyoty: “Đến giờ giới nghiêm rồi dẹp thôi, cảnh sát vào kìa”. Liền ngay tức khắc, đèn tắt, ghế được xếp lên bàn. Tất cả mọi người thu dọn đồ đạc, đóng cửa, cảnh sát bắt đầu đi dọc phố đuổi khách về.
Du lịch Thái vẫn đang gắng gượng để qua những ngày u ám.
Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)
>> Du khách Việt bị hải quan Thái Lan sỉ nhục
>> Vụ 'Du khách Việt bị hải quan Thái Lan sỉ nhục': Phải bỏ ngay quy định miệt thị
>> Vụ Du khách Việt bị hải quan Thái Lan sỉ nhục: Xử lý vụ việc đến cùng
>> Du lịch Thái Lan rẻ chưa từng có: 189 USD
>> Du lịch Thái Lan
Bình luận (0)