Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngư dân đang bị đe dọa

03/06/2014 20:20 GMT+7

(TNO) Ngày 3.6, tại TP.Hội An (Quảng Nam), phát biểu tại Diễn đàn phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Ngư dân miền Trung đang bị đe dọa

(TNO) Ngày 3.6, tại TP.Hội An (Quảng Nam), Bộ KH-ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung với sự tham gia của lãnh đạo 9 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự diễn đàn.

 Diễn đàn phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung: “Nóng” chuyện phát triển kinh tế biển
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ 2 từ trái sang) tại diễn đàn 

Phát biểu mở đầu diễn đàn, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc 9 tỉnh duyên hải miền Trung cần chú trọng phát triển kinh tế biển dựa trên nhưng thế mạnh sẵn có.

Theo Phó thủ tướng, việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan trái phép Hải Dương-981 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến ổn định trên biển Đông.

“Những ngày qua, chúng ta chứng kiến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Tàu cá của ngư dân đánh bắt ở ngư trường đã bị xua đuổi tại khu vực...", Phó thủ tướng nói.

Cũng theo Phó thủ tướng, từ bao đời nay, ngư dân các tỉnh miền Trung như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đã bám biển, bám ngư trường truyền thống. “Ngư dân miền Trung đang bị đe dọa do Trung Quốc kéo giàn khoan trái phép cùng đường lưỡi bò phi lý trên vùng biển Việt Nam”, Phó thủ tướng nói thêm.

Diễn đàn phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung: “Nóng” chuyện phát triển kinh tế biển 2Người ngư dân miền Trung đang cần nhận được sự quan tâm để tiếp tục bám biển, bảo vệ chủ quyền

Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, việc phát triển ngư trường hiện nay tại miền Trung vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đã quan tâm đã thành lập các lực lượng như kiểm ngư, cảnh sát biển nhưng việc hỗ trợ cho ngư dân còn hạn chế.

“Tàu thuyền ngư dân nhiều nhưng tải trọng thấp. Đà Nẵng có đóng tàu lớn nhưng vẫn là tàu gỗ cho nên cần quan tâm đóng tàu sắt để vươn khơi ra khoảng trên 200 hải lý. Qua đó, ngư dân vừa tham gia đánh bắt, bảo vệ ngư trường truyền thống vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ông Tuấn nói.


Tin, ảnh: Hoàng Sơn

>> Quy hoạch phát triển kinh tế biển
>> Kiến nghị lập đại học chuyên phục vụ phát triển kinh tế biển
>> Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với an ninh quốc phòng
>> Phát triển kinh tế biển để nâng cao đời sống ngư dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.