Những giai điệu biển đảo: Hoàng Sa - Trường Sa

06/06/2014 03:00 GMT+7

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương đã dành trọn tấm lòng cho biển đảo qua ca khúc Hoàng Sa - Trường Sa, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

>> Những giai điệu biển đảo: 'Gần lắm Trường Sa

 Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương ở Trường Sa - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương ở Trường Sa - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Biển như người tình

Ngồi nghe nhạc sĩ vui tính, hóm hỉnh và trẻ trung (so với tuổi đời 57) kể chuyện hành trình đến với Trường Sa mới hiểu hơn tấm lòng của một người con dành cho biển đảo quê hương. Ông đã đến Trường Sa hai lần với nhiều kỷ niệm không thể nào quên.

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương kể: “Đầu năm 1989, ngay sau khi Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, tôi “máu” lắm. Năn nỉ lãnh đạo cho tôi được đi một mình cùng đội chiếu phim phục vụ bộ đội trên đảo. Thời ấy khổ ơi là khổ. Đợi 2, 3 ngày trên vịnh Cam Ranh mới có tàu ra đảo. Mà nhớ nhất là ngay khi tàu chuyển động thì cơn bão số 6 ập đến. Dù bão nhưng tàu vẫn phải đi, mang theo 70 con người lênh đênh trên biển. Vì bão nên tàu chạy loằng ngoằng suốt ngày đêm không thể ghé vô đảo lớn Trường Sa. Mọi người đều say sóng, mệt nhoài nhưng tinh thần thì rất lạc quan. Cả đoàn chúng tôi chỉ có thể tấp vào đảo nhỏ và các bãi đá ngầm như đảo Đá Tây, Đá Lát, Thuyền Chài, Tốc Tan… thuộc Trường Sa để thăm. Thương nhất là các anh lính đảo, nếu muốn xem phim trên tàu, các anh phải đu dây xuống mới có thể xem được. Một số nơi nghe tin tàu chúng tôi đến phục vụ chiếu phim nhưng không thể lên đảo, các anh em chiến sĩ, bộ đội ta chào mừng bằng cách bắn các loại pháo phát sáng rất ấn tượng. Tôi nhớ nhất hình ảnh một cô gái tình nguyện đi trên tàu, trải qua bao sóng gió vậy mà cô vẫn rất khỏe, vui tươi, hóm hỉnh. Ngay những ngày lênh đênh ấy, tôi đã viết Biển hay người tình tôi (bài hát được Cẩm Vân, Ngọc Tân, Thanh Lan... hát rất nhiều). Sau khoảnh khắc nhớ về “người tình” trên biển, tôi say mê viết Hoàng Sa - Trường Sa”.

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương thổ lộ ban đầu bài hát có tựa Trường Sa - Trường Sa (ra đời năm 1995 cũng từ những chất liệu ông đi thực tế) nhưng đến năm 2012, ngay khi hàng trăm nghệ sĩ tên tuổi muốn ghi hình ca khúc này, họ đã cùng ông đổi tên thành Hoàng Sa - Trường Sa. “Tôi thấy rất tâm đắc bởi đây là điều nhấn mạnh, thể hiện chủ quyền mạnh mẽ hơn nữa Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam”, ông nói.

Rồi ông hát: “…Hoàng Sa của ta ngày đêm ầm ầm sóng vỗ/Những bãi đá ngầm hay đảo nổi, những tiếng nói cười như gọi mời và những giọt mồ hôi rơi/Là kỷ niệm không quên của lính đảo xa nhà/Mẹ hiền từng đêm đang chờ mong/Hẹn một ngày mai con về thăm/Trường Sa giờ đây ngày đêm rì rào sóng gió/Đến với những người canh biển trời/Hãy hát khúc tình ca của đời/Và những nụ cười em yêu còn đọng lại trong tim của lính đảo xa nhà…”. Giai điệu bài hát dù mạnh mẽ, sôi động nhưng không thể không làm người nghe xúc động.

Vượt ra khỏi phạm vi ca khúc

Với những người con đất Việt, được cất lên những ca khúc tuyệt vời về biển đảo là điều vô cùng ý nghĩa, thiêng liêng trong tình hình căng thẳng ở biển Đông hiện nay. Dù bài hát Hoàng Sa - Trường Sa cách đây không lâu đã được ghi hình bởi hơn 100 nghệ sĩ (thuộc các lĩnh vực ca nhạc, cải lương, điện ảnh, hài kịch, MC…) nhưng vẫn không thể ngừng thôi thúc nhạc sĩ Phạm Đăng Khương làm riêng một sản phẩm cho biển đảo lúc này. Ông tâm tình: “Tôi đã đi rất nhiều vùng miền biển đảo quê hương 5 năm qua để ghi hình những điều đẹp đẽ nhất và đây là lúc tôi cần thể hiện. Tôi nhớ nhất chuyến thăm hỏi mới đây các anh lính đảo tại Lý Sơn (Quảng Ngãi). Chứng kiến những chiếc tàu đánh cá bị tàu Trung Quốc đâm vào, hư hại nặng, thấy lòng mình quá uất ức. Thế nên tôi đã viết ca khúc Một ngày Lý Sơn. Bài hát chất chứa trọn vẹn tình cảm của tôi dành cho ngư dân dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn bám biển. Dù có chết họ cũng bảo vệ biển đảo… Tôi rất xúc động”.

Vậy là ngoài những sáng tác cũ và mới trong DVD Biển đảo quê hương (có thêm bài Biển gọi tình anh, Đêm trăng trên đảo - viết về Côn Đảo 1988, sẽ ra mắt vào tháng 7 tới), nhạc sĩ Phạm Đăng Khương còn đưa thêm tất cả hình ảnh do chính ông thực hiện từ những vùng biển đã đi qua. Trong đó, theo ông điểm nhấn và ý nghĩa nhất vẫn là biển Phú Quốc và biển Trường Sa.

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương hiện là Phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, Ủy viên BCH Hội m nhạc TP.HCM. Ngoài những ca khúc biển đảo, ông nổi tiếng với các ca khúc như: Con đường đến trường, Như con gió vô tình, Khung trời mơ ước, Thanh niên vì ngày mai, Ngọn nến, Nhớ nụ hôn cao nguyên, Mãi mãi tuổi 20, Ký ức mùa hè xanh, Thanh niên Việt Nam, Từ trái tim đến trái tim, Yêu lại từ đầu...

Dạ Ly

>> Những giai điệu biển đảo: Biển hát chiều nay
>> Những giai điệu biển đảo - Tổ quốc gọi tên mình
>> Những giai điệu biển đảo - 'Nơi đảo xa
>> Hòa nhạc thính phòng Những giai điệu khó quên 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.