(TNO) Tối 30.5, tàu Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam 2016 nhận lệnh đón thêm 3 phóng viên VTV từ tàu CSB 4032. Xuồng chở phóng viên được thả xuống nhưng đi chưa được nửa đường thì tàu CSB 2016 bị một chiếc tàu kéo lớn của Trung Quốc truy đuổi. Sóng biển to, chiếc xuồng chở phóng viên như một chấm nhỏ leo lét giữa Hoàng Sa.
>> Hoàng Sa nơi đầu sóng - Kỳ 5: Say sóng
>> Hoàng Sa nơi đầu sóng - Kỳ 4: Bát canh quý hơn vàng
>> Hoàng Sa nơi đầu sóng - Kỳ 3: Tổ ong giữa biển Đông
>> Hoàng Sa nơi đầu sóng - Kỳ 2: Cuộc tấn công bằng 'bom' nước
>> Hoàng Sa nơi đầu sóng - Kỳ 1: Người giữ cờ
|
"Đắt mấy cũng chơi"
Sau này, khi lên được tàu 2016, phóng viên Mạnh Cường (VTV) kể lại: “Đời làm báo chuyên làm về bão lụt phải đi nhiều, gian nan và khó khăn nếm đủ nhưng chưa lần nào tạo ra nhiều cảm giác xen lẫn sợ hãi như chuyến chuyển tàu hôm đó. Lúc này lên tàu 2016 không được vì đang bị tàu Trung Quốc truy đuổi, quay lại tàu 4032 cũng khó vì xuồng đã đi khá xa”.
|
Nhóm phóng viên VTV tác nghiệp lần này (vừa vào bờ hôm 10.6) có lẽ đang giữ kỷ lục về số lần chuyển tàu. Trong vòng 15 ngày, ba phóng viên của VTV đã phải di chuyển tới 8 tàu cùng khối lượng trang thiết bị đồ sộ hơn 100 kg.
Do vậy, mỗi lần chuyển tàu có thể xem là cực hình đối với các phóng viên VTV.
“Ra Hoàng Sa lần này, đài giao nhiệm vụ nếu trong tình huống cực nóng sẽ truyền trực tiếp về đất liền nên chúng tôi đưa theo rất nhiều thiết bị hiện đại và đắt tiền. Mỗi lần chuyển đồ từ tàu này qua tàu khác chúng tôi cứ nơm nớp lo sợ va đập khiến máy móc hỏng”, quay phim VTV Trần Đăng Thụ nói.
Các phóng viên VTV có lẽ cũng giữ kỷ lục tiêu tốn nhiều tiền nhất để truyền những phóng sự nóng hổi về bờ. Do ở Hoàng Sa không có internet và sóng điện thoại nên hầu hết các phóng viên đều được trang bị điện thoại vệ tinh. VTV trang bị cho phóng viên thiết bị vệ tinh Inmarsat có thể gọi điện và truyền dữ liệu về đài.
Phóng viên Mạnh Cường cho hay mỗi phóng sự chừng 3 phút (dung lượng từ 100 - 150 MB), chi phí 1 MB dữ liệu là 400.000 đồng, vị chi mỗi clip truyền về tốn chừng 40 - 50 triệu đồng. Có những ngày nhóm phóng viên gửi về đài hai phóng sự, chưa kể cước phí điện thoại vệ tinh khoảng 30.000 đồng/phút.
“Mỗi lần gửi clip về, nếu dung lượng nặng sẽ mất đứt con Air Blade, còn dung lượng nhẹ mất con Dream. Nhưng đắt gấp mấy lần chúng tôi cũng chơi”, anh Cường hóm hỉnh nói.
|
Cập nhật thông tin trung thực cho độc giả
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới. Nhiều báo và hãng thông tấn lớn của nước ngoài như CNN, BBC, AP, AFP, New York Times, NHK… đều cử phóng viên bám theo tàu ra Hoàng Sa để chứng kiến và tường thuật cho độc giả thế giới biết được sự hung hăng và xảo trá của Trung Quốc.
Tối 26.5, không ít phóng viên trong nước đã tỏ ý khâm phục Takeshi Mine – phóng viên của hãng Fuji Television (Nhật Bản) – đã bật máy truyền những hình ảnh trực tiếp về không khí trên tàu ra cảnh sát biển khi tàu vừa rời bến. Những ngày sau đó ở Hoàng Sa, Takeshi Mine làm việc không ngưng nghỉ.
“Nhật Bản cũng có tranh chấp vùng biển với Trung Quốc nên việc Trung Quốc kéo giàn khoan lần này thu hút sự quan tâm của người dân Nhật Bản. Nhiệm vụ của tôi ở Hoàng Sa là phải ghi nhận thông tin chân thực để cung cấp cho độc giả tường tận”, Takeshi Mine nói.
|
Nhật Bản có lẽ là nước cử nhiều phóng viên nhất theo dõi sự kiện hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc. Phần lớn những chuyến tàu ra Hoàng Sa có phóng viên nước ngoài đều có phóng viên đến từ Nhật.
Khác với cách làm thời sự của Takeshi Mine, phóng viên Etcetera Nguyễn - Tổng thư ký của tờ báo hải ngoại Việt Weekly (Mỹ) lại chọn cách làm báo rỉ rả. Những ngày trên tàu, Nguyễn với máy quay phim cầm tay ghi lại tất cả những hình ảnh, hoạt động của anh em chiến sĩ trên tàu. Những clip này sau đó sẽ được biên tập lại rồi đăng nguyên vẹn trên tờ báo sau đó có thể đưa lên YouTube.
“Độc giả của tờ báo chủ yếu là người Việt sống ở Mỹ nên ngoài quan tâm tới việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào biển Đông họ còn quan tâm đến ngư dân, cảnh sát biển Việt Nam sinh sống ở Hoàng Sa như thế nào”, Nguyễn nói.
Trung Hiếu
>> Video clip: Đêm tiếp cận giàn khoan trái phép Hải Dương-981>> Tàu kiểm ngư tiến sâu, gây áp lực buộc Trung Quốc sớm rút giàn khoan
>> Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép cạnh giàn khoan Hải Dương-981
>> Trung Quốc bắn thử nghiệm tên lửa ngay khi đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
>> Vụ giàn khoan Hải Dương-981: Mỹ ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
>> Vụ đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương - 981: Chuyện những tấm đệm của tàu Hải cảnh Trung Quốc
Bình luận (0)