Hội Luật gia dân chủ quốc tế: Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam

11/06/2014 15:25 GMT+7

(TNO) Sáng nay, 11.6, tại trụ sở Hội Luật gia Việt Nam, Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) đã tuyên bố về tình trạng vi phạm leo thang tại biển Đông, sẵn sàng giúp đỡ ủng hộ mọi hành động của Việt Nam nhằm giải quyết tranh chấp.

(TNO) Sáng nay, 11.6, tại trụ sở Hội Luật gia Việt Nam, Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) công bố tuyên bố về tình trạng vi phạm leo thang tại biển Đông, sẵn sàng giúp đỡ ủng hộ mọi hành động của Việt Nam nhằm giải quyết tranh chấp.

>> Vì sao Việt Nam nên khởi kiện Trung Quốc? - Kỳ 3: Chuẩn bị chứng cứ và phản biện
>> Vì sao Việt Nam nên khởi kiện Trung Quốc? - Kỳ 2: Các kịch bản có thể xảy ra và cách giải quyết
>> Vì sao Việt Nam nên khởi kiện Trung Quốc?
>> Ngư dân Lý Sơn sẽ khởi kiện Trung Quốc
>> Cân nhắc thời điểm khởi kiện Trung Quốc

Chủ trì buổi họp báo có ông Jitendra Sharma, Chủ tịch danh dự Hội Luật gia dân chủ quốc tế cùng nhiều lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam.

họp báo
Họp báo công bố về tuyên bố của Hội Luật gia dân chủ quốc tế về tình trạng vi phạm leo thang tại biển Đông sáng 11.6 - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Mở đầu họp báo, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phản đối hành động leo thang của phía Trung Quốc kể từ khi hạ đặt giàn khoan Hải dương - 981 trong vùng biển nước ta.

“Kể từ khi hạ đặt, giàn khoan này đã 3 lần dịch chuyển trong vùng. Trung Quốc tiếp tục gia tăng các tàu hộ tống, cao điểm lên tới hơn 140 tàu trong đó có tàu quân sự, tàu săn ngầm, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, máy bay chiến đấu… trong vùng biển nước ta; sử dụng tàu thuyền công suất lớn đâm va, phun vòi rồng làm hư hỏng nhiều tàu thực thi pháp luật, tàu cá ngư dân làm nhiều cán bộ, ngư dân bị thương”, ông Quyền thông tin.

Tiếp đó, ông Jitendra Sharma, Chủ tịch danh dự Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) đã chính thức công bố bản tuyên bố về tình trạng vi phạm leo thang tại biển Đông.

Theo đó, IADL bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng đang gia tăng giữa các nước trong khu vực liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông cũng như khả năng xảy ra xung đột, đe dọa trực tiếp tới hòa bình, ổn định và an ninh khu vực Đông Nam Á. IADL đề nghị phía Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, dừng và kiềm chế các hành động gây phức tạp tình hình, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông.

họp báo
Ông Jitendra Sharma, Chủ tịch danh dự Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) trả lời tại họp báo - Ảnh: Nguyễn Tuấn


Tại buổi họp báo, các phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi liên quan tới khả năng và lợi thế, cơ sở pháp lý và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế khi Việt Nam kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế.

Báo Đời sống pháp luật: Sau tuyên bố về biển Đông, IADL sẽ có hành động gì cụ thể tiếp theo để giúp đỡ Việt Nam về tình hình leo thang căng thẳng ở biển Đông. Nếu Việt Nam khởi kiện thì sẽ lựa chọn cơ quan tài phán quốc tế nào? Và với tư cách Việt Nam là thành viên Ban thường vụ IADL thì Việt Nam sẽ được ủng hộ và trợ giúp những gì liên quan đến vấn đề pháp lý?

Ông Jitendra Sharma: Việt Nam là 1 dân tộc yêu chuộng hòa bình, vì lẽ đó tôi tin rằng Việt Nam sẽ tìm mọi cách giải quyết vấn đề này theo con đường càng hòa bình càng tốt. Sẽ là vội vàng nếu chúng tôi đoán trước hành động tiếp theo của Việt Nam là gì. Chúng tôi luôn sát cánh bên cạnh người dân và đất nước Việt Nam, sẽ ủng hộ hết mức có thể sớm giải quyết tình hình đang diễn ra ở biển Đông. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan là một sự vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam vì thế Việt Nam hoàn toàn có thẩm quyền thực hiện tất cả các bước cho là phù hợp. Dù Việt Nam quyết định thế nào, lựa chọn kiện Trung Quốc ra tòa tư pháp quốc tế, tòa trọng tài quốc tế hoặc đưa ra Hội đồng Bảo an hay bất cứ biện pháp nào, chúng tôi luôn ủng hộ sát cánh cùng Việt Nam.

Báo Biên phòng: Vừa qua, tại diễn đàn Shangri-La, một vị tướng của Trung Quốc có nói Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS) không áp dụng với biển Đông. Quan điểm của ông về phát biểu của vị tướng Trung Quốc?

Ông Jitendra Sharma: Phải nói thẳng luôn đó là một tuyên bố sai lầm. Trong toàn bộ nội dung công ước không thấy có điều kiện nào về loại trừ không áp dụng điều khoản đó. Tất cả tranh chấp lãnh hải, vùng biển đều phải sử dụng để giải quyết tranh chấp đó. Chúng ta thấy tất cả hòn đảo, vùng biển xung quanh đó đều liên quan tới UNCLOS.

Báo điện tử Người đưa tin: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong khi đó Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra bằng chứng cụ thể về đường chín đoạn. Ông có nhận xét gì về vụ việc này? Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc thì vai trò của Hội Luật gia dân chủ quốc tế được thể hiện như thế nào?

Ông Jitendra Sharma: Tôi hoàn toàn nhất trí bằng chứng lịch sử của Việt Nam. Việt Nam là một trong những nước có bằng chứng lịch sử mạnh mẽ nhất trong khẳng định chủ quyền. Tất cả bằng chứng đều khẳng định chủ quyền không thể chối cãi, không lý lẽ nào có thể biện hộ cho việc Trung Quốc đặt vật thể như giàn khoan trong vùng biển Việt Nam.

So với vụ việc Philippines kiện Trung Quốc, dù Việt Nam quyết định như thế nào đi nữa đều thấy bằng chứng lịch sử của Việt Nam tạo thế mạnh hơn rất nhiều so với vị thế Philippines trong vụ việc của họ.

Báo Tiền Phong: Trước đây đã có tiền lệ vụ kiện nào tương tự xảy ra như Việt Nam với Trung Quốc hay không. Phán quyết của tòa án quốc tế như thế nào?

Ông Jitendra Sharma: Trong vụ việc của Philippines, việc chuẩn bị và lý lẽ của họ chưa thực sự được mạnh mẽ nên có kết quả chưa được thuận lợi cho họ. Tôi nghĩ bằng chứng của Việt Nam đủ mạnh, chúng ta tin tưởng có kết quả thành công cho Việt Nam.

Báo Thanh Niên: Vừa qua xảy ra hàng loạt các vụ việc tàu Trung Quốc đâm va gây hư hỏng tàu cá, làm bị thương nhiều ngư dân Việt Nam, ông có nhận xét gì về việc này? Trong trường hợp Việt Nam quyết định kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế, Việt Nam được gì và có mất gì không?

Ông Jitendra Sharma: Chúng ta đều đã thấy rõ được thái độ hung hăng và cậy sức lớn của Trung Quốc khi dùng tàu lớn tấn công tàu nhỏ của Việt Nam, nhất là thực hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có gì có thể biện hộ cho hành vi sai trái của Trung Quốc.

Luật Hàng hải cũng không cho phép bất cứ hành động tấn công nào đối với các tàu thuyền, nhất là trong khu vực vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác. Hành động dùng nhiều tàu bảo vệ vòng trong vòng ngoài là sai hoàn toàn, chiếu theo công ước Liên hợp quốc, hành động của Trung Quốc hoàn toàn là sai trái. Khi đưa ra tòa án quốc tế, dù phán quyết đưa ra có lợi cho Việt Nam nhưng tính thực thi sẽ yếu. Nhưng mặt khác, chúng ta vẫn thể hiện được vị thế của mình trước cộng đồng dư luận quốc tế.

Tuyên bố của IADL về tình trạng leo thang ở biển Đông

Được biết, vào ngày 2.5.2014, Trung Quốc đã tiến hành việc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại toạ độ 15029’58” vĩ Bắc – 111012’06” kinh Đông.  Khu vực hạ đặt giàn khoan này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. IADL hiểu rằng sau khi phía Việt Nam lên tiếng phản đối, Trung Quốc đã điều hơn 80 tàu và máy bay, bao gồm cả tàu quân sự tới khu vực trên. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi tàu Trung Quốc đâm và sử dụng vòi rồng bắn vào một số tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam gây thiệt hại về phương tiện và đe dọa đến tính mạng con người. IADL cũng được thông báo về một số vụ đâm vào các tàu đánh cá của Việt Nam, gây hư hại một số tàu, làm bị thương ngư dân và thậm chí khiến một tàu đánh cá của Việt Nam bị chìm. Sau khi xem xét sự việc này, IADL đã quyết định gửi thư tới chính quyền Trung Quốc với các nội dung.

Thứ nhất, nhắc nhở tất cả các bên có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tuyệt đối tuân thủ UNCLOS 1982, Công ước mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là quốc gia thành viên.

Thứ hai, đề nghị phía Trung Quốc làm rõ cơ sở pháp lý của các hành động đưa giàn khoan HD - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đưa tàu, máy bay và tàu quân sự tới hoạt động gần khu vực giàn khoan HD – 981 và  những hành vi khiêu khích như đâm, bắn vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam gây thiệt hại về phương tiện, đe dọa đến tính mạng con người cũng như các vụ việc tấn công tàu cá Việt Nam từ ngày 7.5.2014.

Thứ ba, kêu gọi Trung Quốc, với tư cách là một quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc và là một trong 5 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải tôn trọng, tuân thủ và giữ gìn tuyệt đối Hiến chương Liên hiệp quốc; xử sự đúng tư cách của một nước lớn cũng như đúng tư cách của 1 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc giữ gìn và bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và thế giới.

Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) là một tổ chức phi chính phủ có tư cách cố vấn tại Hội đồng kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC). Được thành lập từ năm 1946, IADL có vai trò ủng hộ và duy trì luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền của các dân tộc được phát triển, bình đẳng về kinh tế và tiếp cận những thành quả tiến bộ khoa học cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Nguyễn Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.