|
Nếu như ở Ringu là xác chết sũng nước lồm ngồm bò khỏi chiếc tivi nhiễu sóng, ở The Conjuring là tiếng vỗ tay ghê rợn phát ra từ trong tủ quần áo tối tăm, thì ở The Babadook, bóng ma kinh hoàng bám trên trần nhà bằng những ngón tay xương xẩu và biến căn nhà của mẹ con Amelia thành chốn địa ngục sẽ khiến khán giả hoàn toàn bị ám ảnh. Jennifer Kent quyết tâm bỏ các vai diễn truyền hình của mình qua bên để đi làm đạo diễn, và The Babadook đã trở thành một bộ phim đầu tay tuyệt vời, một tác phẩm độc lập đưa người ta đến gần hơn với điện ảnh Úc.
Rất khó khăn để có được một ngôn ngữ điện ảnh đặc thù hay một dấu ấn sâu sắc trong dòng phim kinh dị. Các nhà làm phim thường bị sa đà vào công thức hù dọa người xem mà lơ là câu chuyện. The Babadook cân bằng được cả hai yếu tố đó, và nếu sẵn lòng bỏ qua yếu tố kinh dị thì The Babadook thực sự là một tác phẩm tâm lý xuất sắc.
Cũng giống như các nước phương Tây và Mỹ, điện ảnh Úc dành một mảng riêng để khai thác về những áp lực cuộc sống của con người ở một đất nước phát triển. Mới đây thôi, năm 2011, khán giả được thưởng thức câu chuyện cổ tích đắng ngắt thời hiện đại Sleeping beauty. The Babadook dĩ nhiên là phải khác Sleeping beauty, nhưng xét ở khía cạnh nào đó, người ta đều có thể tìm được sự đồng cảm từ hai người phụ nữ gặp nhiều trở ngại trong guồng quay cuộc sống, ngoài bản thân mình, họ không hi vọng tìm được sự giúp đỡ của bất kỳ ai, và mỗi ngày trôi qua, họ càng lún sâu hơn vào tấn bi kịch tinh thần ấy, cho tới khi chạm tới đáy vực.
|
Amelia là người đàn bà nhợt nhạt và yếu đuối. Cuộc sống của Amelia trông như một chiếc lo xò đã bị dồn nén đến mức độ cao nhất, và nó chỉ chực chờ bật lên. Cô luôn tỏ ra mình ổn bằng cách nhẫn nhịn hết thảy những người xung quanh, từ đứa con trai khác biệt đến đứa em gái ích kỷ. The Babadook có một sự khởi động hoàn hảo dẫn dắt người ta đi đến nỗi sợ hãi cùng cực. Một ngày nọ, Amelia nhận được lời đề nghị của nhà trường, nơi Samuel, đứa con trai bảy tuổi của cô đang theo học, về việc chuyển thằng bé đến một môi trường dành riêng cho trẻ em lập dị. Bản năng người mẹ và mặc cảm xã hội không cho phép Amelia thỏa hiệp, thế là, Samuel đành phải nghỉ học.
Mối quan hệ giữa Amelia với cậu con trai bé bỏng giống như một vùng cấm mà chính bản thân cô cũng không muốn chạm tới. Vào cái đêm hạ sinh Samuel, chồng cô đã bị tai nạn và chết ngay trên đường đưa cô đến bệnh viện. Đó là lý do Amelia chưa bao giờ tổ chức sinh nhật đúng ngày cho con trai. Có thể nói, thành công của The Babadook một phần nhờ vào diễn xuất quá đạt của hai diễn viên Essie Davis (vai Amelia) và Noah Wiseman (vai Samuel). Essie Davis đã làm ra được bi kịch nội tâm của một người mẹ đơn thân bị động. Suốt bảy năm trời ròng rã, Amelia chưa từng nguôi ngoai nỗi đau mất chồng, và những ẩn ức tình dục xâm chiếm lấy cô mỗi đêm về là một sự đày đọa vô cùng bẽ bàng. Samuel là hiện diện của nỗi đau mà Amelia không thể rũ bỏ xuống được. Vậy nên chẳng mấy ngạc nhiên khi bên cạnh tình yêu thương vô bờ bến dành cho con trai, thấp thoáng đâu đấy giữa phần đen tối của Amelia còn là nỗi uất hận dâng trào.
|
Một phần ba của phim đã diễn ra như thế. The Babadook trông gần gũi với một tác phẩm tâm lý hơn, và mọi thứ kỳ bí có thể được hiểu là ảo giác của người bị suy nhược thần kinh khi họ không thể nào thu dọn được tâm trí của mình. Tuy nhiên, không vì vậy mà những chi tiết hù dọa trong phim được xử lý hời hợt. The Babadook đã có màn biểu diễn để đời với con ma mang tên Mister Babadook. Để làm được điều này bằng nguồn kinh phí hạn chế là một thử thách cực lớn. Nữ đạo diễn Jennifer Kent buộc phải sử dụng triệt để các yếu tố quay phim, âm thanh, màu sắc, diễn xuất… thay vì kỹ xảo như đại đa phần các nhà làm phim Hollywood vẫn dùng một cách phí phạm. Việc phân bố âm thanh hợp lý kết hợp những cú máy tĩnh và góc quay cận đã đem hiệu ứng tốt cho phim. Jennifer Kent đã tạo ra thứ ngôn ngữ điện ảnh của riêng mình trong The Babadook.
Có nhiều cách lý giải cho một vấn đề mang tính chất tâm linh. Không sắp xếp được thời gian làm việc ở bệnh viện cũng như không giải quyết được vấn đề học tập của con trai, Amelia rốt cuộc đã gục ngã trước những gánh nặng mà cô đang mang vác. Chính lúc đấy, Mister Babadook xuất hiện trong một cuốn sách lạ trên giá sách và kéo theo chuỗi ngày đen tối của hai mẹ con. Chúng ta cảm nhận được việc Amelia nỗ lực chống chọi lại sự xâm chiếm tâm trí của Mister Babadook. Bóng ma lúc là quái vật chứa đựng sợ hãi, lúc là hình ảnh người chồng quá cố của Amelia, đôi lúc, người chồng quá cố ấy thì thầm với cô rằng, hãy làm gì đó để đưa đứa con đến cho anh ta, và rồi gia đình họ sẽ được đoàn tụ. Amelia gần như đã đánh mất bản thân khi để bóng ma tội lỗi vay mượn thân xác đang kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần của mình.
|
Ở một góc độ khác, người ta nhìn thấu nỗi ám ảnh đơn thuần của một người đàn bà đã không còn tỉnh táo làm chủ được chính mình để rồi tự hỏi, có bao nhiêu người đã buông tay trước sự nghiệt ngã của số phận và áp lực nặng nề của cuộc sống? Amelia đang sống một cuộc đời đầy rẫy những mất mát, và cô cố gắng cân bằng nó với công việc tại một bênh viện dành cho người già. Sau công việc, Amelia chỉ có duy nhất đứa con trai bé bỏng làm bầu bạn, một tình bạn không nhiều những chia sẻ. Mister Babadook rốt cuộc là con quái vật thật sự hay là con quái vật tâm tưởng được nuôi dưỡng trong một cái đầu mang nhiều thương tật? Nữ đạo diễn Jennifer Kent từng chia sẻ về ý tưởng của The Babadook: “Nếu ai đó trải qua một bi kịch và không đối mặt với nó, nó sẽ ngự trị như thế nào trong cuộc sống của họ?”. Và câu trả lời của The Babadook là, việc né tránh sẽ biến nỗi đau thành một con quái vật đáng sợ ăn mòn cuộc sống của họ.
|
Cuối cùng, The Babadook là một tuyệt phẩm mới của dòng phim kinh dị.
Phim đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Ngân Vi
>> Phim kinh dị 'Insidious 2' thắng thế tại Bắc Mỹ
>> Phim kinh dị The Purge soán ngôi vương của bom tấn Fast & Furious 6
>> Phim kinh dị cảm động
>> Mùa phim kinh dị
>> Phim kinh dị Thái ra mắt khán giả Việt
>> Cười với phim kinh dị "Ngôi nhà trong hẻm
>> Phim kinh dị “Chronicle” thắng lớn ở Bắc Mỹ
>> Paranormal Activity 3" lập kỷ lục cho dòng phim kinh dị
Bình luận (0)