Chủ động trong xuất khẩu, từng bước giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đang là vấn đề cấp bách đặt ra cho việc tiêu thụ hàng nông sản tại ĐBSCL.
|
Thua thiệt vì phụ thuộc
Thời gian gần đây, nông dân trồng khoai lang tím Nhật ở Vĩnh Long đứng ngồi không yên vì giá khoai liên tục sụt giảm. Nếu như vào tháng 3.2014, thương lái Trung Quốc mua khoai lang tím Nhật với giá từ 820.000 - 860.000 đồng/tạ thì nay giảm xuống chỉ còn 300.000 - 320.000 đồng/tạ. Ông Cao Văn Đắng (ở xã Tân Hưng, H.Bình Tân) than: “Dân xứ này sống nhờ khoai lang. Vậy mà giá khoai lại giảm mạnh làm nông dân thua trắng sau gần 5 tháng chăm sóc”.
Tại Đồng Tháp, nhiều hộ trồng khoai lang cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Bà Trương Thị Út, chủ 6 công khoai ở xã Hòa Tân (H.Châu Thành), cho biết: “Gia đình tui lâu nay trồng lúa. Vụ đông xuân rồi giá lúa xuống thấp quá, trong khi khoai lang trúng đậm nên tui mới bỏ lúa trồng khoai. Nào ngờ tới lúc thu hoạch khoai lại rớt giá, khó bán”. Theo Phòng NN-PTNT H.Châu Thành, mỗi năm nông dân địa phương trồng từ 2.000 - 2.500 ha khoai lang, trong đó nhiều nhất là khoai lang tím Nhật. Đa phần khoai lang được xuất sang thị trường Trung Quốc thông qua thương lái chứ nông dân không ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Do vậy, khoai lang vẫn chưa có đầu ra ổn định, giá cả lên xuống thất thường.
Trong khi đó, thanh long ở Tiền Giang, Long An, Trà Vinh… cũng đang rớt giá không phanh. Ông Nguyễn Văn Anh, cán bộ nông nghiệp xã Mỹ Tịnh An (H.Chợ Gạo, Tiền Giang), chua chát nói: “Hồi đầu năm nay, thanh long ruột đỏ được thương lái lùng sục mua tận vườn từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng 20.000 - 23.000 đồng/kg… số lượng bao nhiêu cũng hết. Nay giá thanh long bỗng nhiên “đảo chiều”, vượt ngoài dự báo của nhiều người. Hiện thanh long ruột trắng chỉ còn 2.000 - 4.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 3.000 - 4.000 đồng/kg nhưng rất khó bán bởi thương lái hạn chế thu mua. Với giá này, nhà vườn lỗ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg”. Theo các thương lái, khoảng 80% sản lượng thanh long ở ĐBSCL được xuất sang Trung Quốc. Gần đây, do thị trường này hạn chế thu mua, trong khi nhiều nơi đang vào vụ thu hoạch rộ đã khiến giá thanh long giảm mạnh.
Thay đổi cách mua bán
Thực tế những năm qua, nhiều mặt hàng nông thủy sản của nước ta chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trở ngại lớn hiện nay là phía thương lái Trung Quốc không chịu làm hợp đồng, việc buôn bán thường thông qua đường tiểu ngạch, hàng hóa được chở lên biên giới mới thỏa thuận giá... Bên cạnh đó, thương lái Trung Quốc thường sử dụng “chiêu” nâng giá thu mua nông sản lên cao chót vót để nông dân lao vào sản xuất đại trà, đến khi sản lượng nhiều thì họ không mua khiến giá rớt thảm hại và nông dân lãnh đủ.
Các nhà chuyên môn cho rằng Trung Quốc là đất nước có dân số đông nên nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản rất lớn. Điều này cho thấy một bên có nhu cầu mua và một bên cũng có nhu cầu bán. Vì thế, để tránh rủi ro cần thay đổi cách thức buôn bán theo hướng nông dân chủ động và phải “nắm đằng cán” chứ không “nắm đằng lưỡi” như lâu nay. Theo đó, các ngành chức năng cần tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ nông sản thực tế của thị trường Trung Quốc, làm cơ sở cung cấp cho nông dân sản xuất, để tránh tình trạng “tới mùa, rớt giá”, ùn ứ sản phẩm tại cửa khẩu... Nông dân cũng nên chuyển từ hình thức buôn bán trôi nổi, bị đối tác Trung Quốc nợ gối đầu sang buôn bán có hợp đồng, đặt cọc; đồng thời hạn chế xuất hàng thô mà bán các sản phẩm đã qua chế biến để nâng cao giá trị, tăng lợi nhuận. Ngoài ra, chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn cần tăng cường quản lý thương lái Trung Quốc trong việc thu gom hàng nông sản, khuyến cáo nông dân khi chọn trồng các giống lạ…
Một khi sản xuất được tổ chức lại hợp lý, mối quan hệ mua - bán chặt chẽ, có đầu ra ổn định… sẽ khơi thông được thị trường và thay đổi cách buôn bán với Trung Quốc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sang nhiều nước khác nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
An Lạc
>> Phá vòng luẩn quẩn nông sản
>> Mở thêm thị trường cho trái cây
>> Thê thảm giá trái cây
>> Lao đao vì cao su rớt giá
>> Khoai lang rớt giá vì tin đồn thất thiệt
>> Đồng Tháp: Ổi rớt giá
Bình luận (0)