Tổng công ty hàng không VN (VNA) vừa trình phương án cổ phần hóa (CPH) lên Bộ GTVT.
|
Theo đó, hình thức CPH giữ nguyên phần vốn nhà nước (chiếm 75% vốn điều lệ), phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Vốn điều lệ dự kiến là 14.101 tỉ đồng, giá khởi điểm (mức giá ban đầu bán ra bên ngoài) 22.300 đồng/cổ phần (CP). Số CP phát hành lần đầu là 1.410 triệu, mệnh giá 10.000 đồng/CP (giá trị danh nghĩa theo quy định). Ngoài 75% CP nhà nước, 25% số CP sẽ được bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên, chào bán cho nhà đầu tư chiến lược và bán đấu giá công khai. Cụ thể, 11,3 triệu CP bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên theo thâm niên công tác; 9,6 triệu CP bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên mua theo cam kết làm việc lâu dài; 282 triệu CP bán cho nhà đầu tư chiến lược (chiếm 20% vốn điều lệ); 48,8 triệu CP sẽ được bán đấu giá công khai…
Giai đoạn 1 thực hiện trong năm 2014, với tổng khối lượng phát hành lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư khác 25% vốn điều lệ. Theo VNA, với tình hình thị trường hiện nay, việc dành 3,46% (tương đương 1.089 tỉ đồng theo giá khởi điểm) bán công khai cho nhà đầu tư sẽ có tỷ lệ thành công cao hơn. Giai đoạn 2 tùy theo thị trường thuận lợi, VNA sẽ tiếp tục phát hành thêm cổ phần ra thị trường cho nhà đầu tư chiến lược để giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước nhưng không thấp hơn quá 65%.
Thặng dư vốn theo dự kiến sau cổ phần là 1.043 tỉ đồng, phần thặng dư của cổ đông nhà nước giữ lại để tăng vốn đầu tư của nhà nước là 3.129 tỉ đồng, quy mô vốn điều lệ sau CPH của VNA là 15.144 tỉ đồng.
VNA sẽ tổ chức đấu giá công khai thông qua Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, thời gian trong 3 tháng kể từ ngày phương án cph công ty mẹ - VNA được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đơn vị tư vấn bán đấu giá cổ phần là Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN. Số lao động 10.180 người vẫn giữ nguyên sau CPH. VNA kiến nghị Bộ GTVT thông qua bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và trình Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng phê duyệt bộ tiêu chí này.
VNA cũng đề xuất Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ cho phép được giữ lại toàn bộ thặng dư vốn sau khi thực hiện CPH để tăng vốn điều lệ làm cơ sở bổ sung nguồn vốn mua máy bay. Ngoài ra, hãng cũng kiến nghị tiếp tục được thực hiện cơ chế Chính phủ bảo lãnh miễn phí 100% vốn mua máy bay, động cơ máy bay…; cho phép miễn áp dụng quy định về tài sản thế chấp với các khoản vay để thực hiện mua máy bay A350 và B787. Để giữ thương hiệu, VNA cũng đề nghị giữ lại tên Tổng công ty hàng không VN và tên viết tắt Vietnam Airlines.
Mục tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của VNA đến năm 2018 là 110.073 tỉ đồng, lợi nhuận 15.479 tỉ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 3.860 tỉ đồng. Cụ thể, theo VNA năm 2015, 2016 là năm bản lề sau CPH, với việc triển khai chương trình nâng cấp 4 sao trên toàn hệ thống. Năm 2015 sẽ bổ sung các dòng máy bay thân rộng công nghệ hiện đại thế hệ mới (4 máy bay A350, máy bay B787), cải thiện đội ngũ phi công Việt, tỷ trọng phi công người Việt là 80%. Tổng dự toán chi phí cổ phần hóa là 57,2 tỉ đồng, trong đó thuê các đơn vị tư vấn là 45 tỉ đồng.
Mai Hà
Bình luận (0)