Giáo sư Carl Thayer: ‘Đâm tàu Việt Nam là hành vi cướp biển’

21/06/2014 16:40 GMT+7

(TNO) Giáo sư Carl Thayer (Úc) đã nói như vậy ngay sau khi chứng kiến tàu của bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá ĐNa 90152 bị tàu vỏ sắt 11209 của Trung Quốc đâm chìm tại vùng biển Việt Nam vào ngày 26.5.


Các chuyên gia và phóng viên nước ngoài trò chuyện với bà Huỳnh Thị Như Hoa (ngoài cùng bên phải), chủ tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 26.5 - Ảnh: An Dy 

Vị chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á đã đưa ra nhận xét như trên trong lúc các chuyên gia trong và ngoài nước đang tham dự hội thảo quốc tế về biển Đông ở Đà Nẵng chiều nay 21.6, đã có chuyến đi thực địa đến Hợp tác xã trục vớt, đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An ở P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng.

 
Vì đây là tàu tuần duyên Trung Quốc, nên tôi coi đây là hành động cướp biển cấp quốc gia. Tàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác và tự trao cho mình quyền thực thi pháp luật,  trường hợp này là đánh chìm tàu. Cách đây 2 tuần tôi đã đến đảo Lý Sơn và ngư dân ở đó cũng đã bị tàu tuần duyên Trung Quốc cướp các thiết bị radio, GPS. Với những hành vi đó, không gọi là cướp biển thì gọi là gì?...
Giáo sư Carl Thayer (Úc)

Như Thanh Niên Online đã thông tin, chiều 26.5, khi đang hành nghề trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá ĐNa 90152 đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm, khiến 2 trong số 10 người dân bị thương. Rất may, các ngư dân này được cứu nạn kịp thời.

Giáo sư Thayer nói với Thanh Niên Online: “Vì đây là tàu tuần duyên Trung Quốc, nên tôi coi đây là hành động cướp biển cấp quốc gia. Tàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác và tự trao cho mình quyền thực thi pháp luật,  trường hợp này là đánh chìm tàu. Cách đây 2 tuần tôi đã đến đảo Lý Sơn và ngư dân ở đó cũng đã bị tàu tuần duyên Trung Quốc cướp các thiết bị radio, GPS. Với những hành vi đó, không gọi là cướp biển thì gọi là gì? Cái quan trọng hơn nữa là lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã có những hành động như thế này mà không gặp bất cứ trừng phạt nào từ chính phủ của họ”.

Ông Thayer kết luận: “Cái Trung Quốc thường hay ra rả tuyên truyền là “chúng tôi chỉ thực thi pháp luật bình thường”. Và hôm nay, với bằng chứng giới học giả có cơ hội mục sở thị, cộng với những video Việt Nam cung cấp cho thấy hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, cộng đồng thế giới sẽ biết thêm là Trung Quốc đã và đang nói dối. Và ai sẽ tin những gì Trung Quốc nói là tàu Việt Nam đâm tàu của họ trên 1.500 lần?”.


 Tàu cá ĐNa 90152, bị tàu tàu vỏ sắt 11209 của Trung Quốc đâm chìm tại vùng biển Việt Nam, khi kéo về vịnh Đà Nẵng - Ảnh: Nguyễn Tú

Đồng quan điểm với ông Thayer, tướng Daniel Schaeffer (Chuyên gia của Bộ Quốc phòng Pháp chuyên nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông) khẳng định: “Ngay cả trong thời chiến, nhiệm vụ của lực lượng tuần duyên là cứu ngư dân trên biển, chứ không phải có những hành động hoàn toàn đi ngược lại đạo lý và luật pháp quốc tế”.

An Điền - An Dy

>> Đành phải chờ xem Trung Quốc làm gì tiếp với 4 giàn khoan khác
>> Trung Quốc có thể kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào Trường Sa
>> Trung Quốc sẽ kéo thêm 3 giàn khoan ra biển Đông vào tháng 8
>> GS Carl Thayer: Cần đưa vấn đề giàn khoan ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.