(TNO) Hai lần tình nguyện xin ra Hoàng Sa để ghi lại những hình ảnh kiên cường cũng như cuộc sống đời thường của chiến sĩ Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á cho biết, may mắn lớn nhất của cuộc đời chính là việc được ra quần đảo Hoàng Sa trong thời khắc quan trọng nhất của đất nước.
|
Gặp PV Thanh Niên Online ở Hoàng Sa, trên con tàu Cảnh sát biển đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo, nghệ sĩ Nguyễn Á nói: "Tôi đã nhiều lần đi Trường Sa rồi. Vừa rồi tôi tính làm triển lãm về Trường Sa và nhà giàn DK1 lại xảy ra vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 trái phép vào vùng biển của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để tôi xin ra Hoàng Sa để nói lên chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo này qua những hình ảnh, câu chuyện về Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân. Việc hai lần xin ra Hoàng Sa là bởi tôi muốn khắc họa thật rõ nét hình ảnh của những chiến sĩ ngày đêm bám biển mà lần thứ nhất tôi chưa làm được".
* Ông đã có năm lần ra Trường Sa và đây là lần thứ hai ra Hoàng Sa. Cảm xúc giữa những lần ra Trường Sa và Hoàng Sa có khác nhau không?
- Nghệ sĩ Nguyễn Á: Cảm xúc khác nhau chứ. Nói chính xác đi Trường Sa là những chuyến đi thăm bộ đội ở đảo. Bản thân tôi qua những chuyến đi này muốn tôn vinh thêm hình ảnh của những chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo, rồi những câu chuyện về cây cỏ, động vật rồi người dân sống như thế nào ở đảo. Thậm chí có đảo trong ba tháng tôi tới ba lần. Khi tôi tới có bà mẹ mới mang thai sáu tháng và khi tôi đến ba tháng sau đó em bé đã ra đời. Tôi đã ghi lại được hình ảnh bà mẹ khi mang thai đến khi sinh ra em bé qua một câu chuyện rất mạch lạc. Rồi tôi còn ghi lại những câu chuyện về hải đăng, khí tượng thủy văn… Những câu chuyện về những ông đảo trưởng, nhà sư… Tôi không muốn bỏ sót bất cứ cơ hội nào khi được ra quần đảo thiêng liêng này.
|
Với Hoàng Sa thì bản thân tôi có những cảm xúc mãnh liệt khó có gì so sánh được. Chúng ta là những phóng viên ra Hoàng Sa lần này, có thể anh và tôi khi ra đây, nhiều người ở gia đình sẽ lo lắng. Tôi nghĩ là mình ra Hoàng Sa không chỉ vì công việc mà còn là trách nhiệm của một người thanh niên đối với đất nước. Mình làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật nhiếp ảnh nên muốn lưu giữ mãi mãi những hình ảnh về Hoàng Sa. Đây là dịp để cho người dân thế giới thấy sự hung hăng của Trung Quốc qua những bức ảnh của mình.
* Như ông nói điểm nhấn ở Trường Sa là hình ảnh người chiến sĩ bảo vệ biển đảo, nhà sư, bà mẹ mang thai hay những người làm công việc hải đăng, khí tượng…, vậy điểm nhấn trong bộ ảnh ở Hoàng Sa sẽ là gì?
- Điểm nhấn của bộ ảnh ở Hoàng Sa sẽ có ba câu chuyện. Câu chuyện quan trọng nhất là bà con ngư dân ngày đêm bám biển. Ra đây mà không ghi lại được hình ảnh ngư dân tức là không thành công. Bởi nhắc tới Hoàng Sa chúng ta không chỉ nói tới công cuộc bảo vệ chủ quyền mà còn nhắc tới cuộc sống của bà con ngư dân ở đây. Tiếp cận được bà con ngư dân trong thời điểm như thế này để thấy được họ anh dũng và can đảm đến nhường nào.
Hai điểm nhấn không kém phần quan trọng là lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư. Ở họ, tôi sẽ ghi lại những tấm gương thầm lặng. Đi ra đây tôi mới cảm nhận hết sự vất vả gian khổ nhưng rất anh dũng của các chiến sĩ Cảnh sát biển, kiểm ngư.
* Đến thời điểm này ông đã hoàn thành bao nhiêu công việc của bộ ảnh Hoàng Sa?
- Cái may mắn của tôi lần này là lần thứ hai tôi ra Hoàng Sa. Đó là cơ hội cực kỳ quý báu và may mắn nhất của cuộc đời. Ra Hoàng Sa ở thời điểm cực kỳ quan trọng của đất nước. Được ra đây là điều hạnh phúc nhất của một người đàn ông. Hy vọng sau chuyến đi này sẽ hoàn thành 100% công việc.
|
* Ông có gặp khó khăn gì trong hai lần tác nghiệp ở Hoàng Sa không?
- Mấy ngày đầu tiên ra Hoàng Sa, nếu nói không sợ nghĩa là tôi nói xạo. Nhưng vài ngày sau khi tôi tiếp cận cảnh tàu Trung Quốc truy đuổi, đâm va và bắn vòi rồng liên tục tôi thấy mọi chuyện trở nên bình thường và không sợ nữa. Đó là lý do tôi phải xin ra Hoàng Sa lần thứ hai để khắc họa rõ và chân thật hơn mọi sự việc đang diễn ra ở Hoàng Sa để cho bộ ảnh sẽ thật hoàn chỉnh. Tôi cũng ủng hộ việc đưa các phóng viên và nghệ sĩ nhiếp ảnh ra Hoàng Sa để ghi lại những thời khắc quan trọng nhất của đất nước từ đầu tháng 5 đến giờ.
* Ông có kỷ niệm đáng nhớ nào trong những ngày ở Hoàng Sa không?
- Lần thứ nhất tôi đi 9 ngày. Tôi nhớ một câu chuyện cực kỳ tình cảm của tàu Kiểm ngư 628 là khi chia tay một số anh em rơm rớm nước mắt. Chỉ một tuần sống trên tàu 628 nhưng tôi cảm nhận được anh em Kiểm ngư sống hết sức tình cảm. Rồi những câu chuyện với các chiến sĩ Cảnh sát biển, ngư dân cũng hết sức cảm động khi tôi tiếp cận họ.
* Cảm ơn ông!
Nghệ sĩ nhiếp ảnh tự do duy nhất có mặt ở Hoàng Sa Nguyễn Á có lẽ là nghệ sĩ nhiếp ảnh duy nhất có mặt ở Hoàng Sa trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6 mà không đại diện cho cơ quan nào. “Dù là hội viên của Hội Nhiếp ảnh Việt Nam nhưng trong công việc tôi là một nghệ sĩ nhiếp ảnh tự do và không làm cho một cơ quan nào cả. Khi nghe tin Trung Quốc đưa giàn khoan vào biển Đông, lúc đó tôi nghĩ mình phải ra đó bằng được. Tôi đã liên hệ các mối quan hệ thân quen và may mắn được đồng ý”, nghệ sĩ Nguyễn Á nói. Dự kiến vào đầu tháng 8 này, triển lãm về Hoàng Sa và Trường Sa của nghệ sĩ Nguyễn Á sẽ diễn ra. |
Trung Hiếu
(thực hiện)
>> Sóng dậy ba miền nối nhịp sóng Hoàng Sa
>> Từ Hoàng Sa ngày 21.6: Liên tục xảy ra nhiều tình huống nguy hiểm
>> Đồng nghiệp tôi nơi Hoàng Sa
>> Thủ đoạn Trung Quốc dùng để cưỡng đoạt Hoàng Sa
>> Tác nghiệp tại Hoàng Sa
>> Ngày nhà báo ấm áp giữa Hoàng Sa
>> Tường thuật từ Hoàng Sa ngày 20.6: Trung Quốc tăng thêm máy bay quân sự, tàu quét mìn
>> Khai mạc hội thảo quốc tế 'Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử
>> Tuyên dương các phóng viên tác nghiệp ở vùng biển Hoàng Sa
Bình luận (0)