Tác nghiệp tại Hoàng Sa

20/06/2014 23:27 GMT+7

(TNO) Được theo tàu cảnh sát biển ra nơi đầu sóng Hoàng Sa (Đà Nẵng) tác nghiệp là một niềm vinh dự đối với một người làm báo trẻ như tôi.

PV Hoàng Sơn (phải) cùng phóng viên Yasagai Toshihiro (hãng Kyodo News) trên tàu CSB
PV Hoàng Sơn (phải) cùng phóng viên Yasagai Toshihiro (hãng Kyodo News) trên tàu CSB 

Hải trình kéo dài khoảng 12 giờ đồng hồ khiến nhiều phóng viên đi trên tàu Cảnh sát biển 4033 mệt lả. Khi tới hiện trường nơi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 cũng là lúc cơn say sóng lên đến “đỉnh điểm” nhưng chúng tôi ai nấy đều phải vào việc, vác máy quay, máy chụp hình tác nghiệp ngay. Vất vả nhất là các nữ phóng viên, say sóng đến mức nôn thốc nôn tháo vẫn cố căng mình theo dõi từng diễn biến của đợt tuần tra. 

PV Hoàng Sơn tác nghiệp trên xuồng cao tốc của tàu CSB 4033
PV Hoàng Sơn tác nghiệp trên xuồng cao tốc của tàu CSB 4033

Vất vả không kém là việc chuyển thông tin về tòa soạn. Mọi liên lạc chỉ trông cậy vào chiếc điện thoại vệ tinh do các phóng viên mang theo. Nhưng để kết nối được một cuộc gọi với đất liền, các phóng viên phải leo cầu thang lên nóc tàu, đi lui đi tới nhiều lần để dò tìm đến khi nào máy báo có sóng mới sử dụng được. Nhiều lần tôi phải gọi liên tục không dưới 10 cuộc do điện thoại không “bám” được vệ tinh. Đến khi đã nối máy được, ai nấy liền đọc một mạch để người ở nhà ghi âm cuộc gọi, sau đó “rã băng” lấy thông tin.

Có được một cuộc gọi từ Hoàng Sa về đất liền quý hơn vàng. Vì qua đó những căng thẳng, sự hung hãn của tàu Trung Quốc tại hiện trường mới được cập nhật và chuyển đến độc giả. Những ngày đầu chưa quen với sóng gió, tay bê bát cơm không nổi nhưng cứ đến giữa trưa, nhá nhem tối, tôi lại leo lên boong tàu để chuyển thông tin về tòa soạn. Tay cầm điện thoại, tay ôm cột trên nóc boong rồi cứ thế đọc. Khi đó thông tin là trên hết. Nhiều lúc tôi quên mình đang ngồi giữa trưa, nắng biển thiêu đốt trên đầu, quên luôn cái nóng bỏng bàn chân trên boong tàu sắt. Chỉ đến khi chuyển xong bản tin mới thấy mình đang mệt đứ đừ và “nhớ” là mình đang lâng lâng… say sóng.

Lên tàu CSB để tác nghiệp giữa biển Hoàng Sa
Lên tàu CSB để tác nghiệp giữa biển Hoàng Sa

Trên tàu, tôi đã được gặp nhiều đồng nghiệp cả trong nước lẫn quốc tế, thấy được tình cảm của những người xa lạ dành cho nhau nơi đầu sóng, học hỏi thêm tính chuyên nghiệp của những người làm báo quốc tế. Và hơn hết là hiểu được những vất vả, để rồi cảm phục những chiến sĩ cảnh sát biển đang hy sinh thầm lặng để bảo vệ từng tấc biển Tổ quốc. Ở đó, tôi gặp thượng úy Nguyễn Văn Dũng đã “3 năm nợ mẹ một nàng dâu” vì cứ theo tàu làm nhiệm vụ; thượng úy Trương Trường Quang, bác sĩ quân y, quyết theo tàu dù ngày cưới cận kề; trung úy Hoàng Văn Thường, chính trị viên tàu, với bức thư dở dang chưa kịp gửi cho người mình thương… Và tôi thấy mình nhỏ bé trước các anh, trước biển cả. Bên cạnh các anh, tôi thấy mình thêm trân quý giá trị cuộc sống, thêm yêu nghề và thêm động lực để dấn thân với nghề…

Hoàng Sơn

 >> Tường thuật từ Hoàng Sa ngày 17.6: Giàn khoan Hải Dương - 981 lại có dấu hiệu dịch chuyển
 >> Tuyên dương phóng viên Báo Thanh Niên tác nghiệp ở Hoàng Sa
 >> Tường thuật từ Hoàng Sa: Bằng chứng tàu hải giám Trung Quốc cố tình đâm tàu VN
>> Tường thuật từ Hoàng Sa: Máy bay trinh sát Trung Quốc liên tục tuần tiễu
 >> Cứu ngư dân bị chìm tàu ở Hoàng Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.