|
Trước khi ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, trung úy Trần Văn Hiếu (33 tuổi, thuyền phó tàu CSB-2013, Vùng Cảnh sát biển 2) vay mượn được mấy chục triệu đồng, gửi ra quê Tiên Lãng (TP.Hải Phòng) để sửa lại mái nhà dột nát. Tàu xuất phát, Hiếu gấp gáp gọi cho vợ, dặn: “Nếu mưa gió, đưa bố mẹ đi trú nhờ!”.
Nhà nghèo nhất xã
Vẫn phải gọi là nhà bởi đó là chỗ “chui ra chui vào” của 5 con người, trong đó có một sinh linh sắp sửa chào đời. Nhưng 4 bức tường sắp sụm xuống, mái cõng các loại vật liệu, vải nhựa chắp vá. Bà Trịnh Thị Lâm (60 tuổi, mẹ trung úy Hiếu) kể: “Ngôi nhà xây từ 23 năm trước” và lắc đầu: “Cứ mưa là dột khắp nơi”.
Chuyện “tránh bão” với gia đình anh Hiếu gian nan hơn, bởi phải dắt theo người bố mù lòa Trần Văn Thường (57 tuổi). Năm 2000, khi đang làm thợ hồ, ông bị cát bay vào mắt làm thủng giác mạc mắt phải, mù hẳn và kéo theo mắt trái ngày càng mờ dần, đi lại phải có người dắt hoặc lần tường. Chồng hỏng mắt, con trai nếu không đi biển, lại trực chiến ở đơn vị tận Núi Thành (Quảng Nam), nên mọi việc trong nhà dồn hết lên vai bà Trịnh Thị Lâm. Nhà có 1,6 sào lúa đủ trồng cấy lo phần gạo ăn. Mọi chi tiêu, trông vào mảnh vườn 1 sào trồng ớt. “Năm nay, ớt chỉ 7.000 - 8.000 đồng/kg” - bà Lâm thở dài.
|
Đầu năm 2013, em gái anh Hiếu là Trần Thị Hậu (22 tuổi, sinh viên ĐH Hải Phòng) bị xe tải gây tai nạn khiến chân trái gãy, phải phẫu thuật đóng đinh. Cuối năm 2013, bà Lâm lại bị gãy tay phải do gặp tai nạn khi đang chở đất ngoài đồng.
Ước mơ một mái nhà
Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng (Tiên Lãng) Đinh Dương Ngọc lắc đầu: “Trước 2011, gia đình anh Hiếu thuộc diện hộ nghèo. Năm 2012, xin thoát nghèo nhưng 2013 lại trở về diện hộ nghèo”. Hôm rồi, đại diện Vùng Cảnh sát biển 1 về thăm nhà, cán bộ xã mới té ngửa: Có công dân đang làm nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa. “Ban đầu các anh chỉ định tặng vài triệu, nhưng thấy quá hoàn cảnh nên… bỏ thêm phong bì, hỗ trợ 15 triệu đồng” - Chủ tịch xã Đinh Dương Ngọc nói vậy.
Chị Đàm Thị Hường (23 tuổi, vợ anh Hiếu), kể lại sự vất vả: Yêu nhau 4 năm trời, biền biệt Nha Trang - Hải Phòng, mỗi năm gặp nhau một hai lần nhưng Hường đã phải xúm tay lo mọi việc nhà chồng. Hường ngượng nghịu: “Tháng 2.2014 cưới nhau, sau đó mấy ngày, anh ấy vào đơn vị gấp và từ ấy chưa về thăm nhà”, rồi thì thầm: “Ra Hoàng Sa, không có sóng nên chịu. Vào gần bờ, mỗi khi anh gọi điện về, em lại áp điện thoại vào bụng cho anh nói chuyện với con”.
Hôm ở nhà Hiếu, tôi thấy bà Trịnh Thị Lâm chuyển lá đơn: “Xin hỗ trợ kinh phí làm nhà ở” cho lãnh đạo xã. “Sẽ xin huyện hỗ trợ. Nếu không được, sẽ thông báo nhân dân quyên góp” - Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng Đinh Dương Ngọc dứt khoát và thở dài: “Quỹ vì người nghèo của xã còn 12 triệu. Hôm rồi phải triệu tập Ban Thường vụ Đảng ủy xã, quyết định hỗ trợ gia đình 5 triệu đồng”.
Chuyện ít ai biết: Hôm tàu CSB-2013 chuyển hướng ra Hoàng Sa, lúc gần hết khu vực mất sóng điện thoại, Hiếu gọi điện về chào mẹ, đúng lúc người chủ nợ (cho vay tiền điều trị bệnh cho em bị gãy chân năm trước) đến riết róng đòi tiền. Bà mẹ nhẫn nhịn xin người đó nói nhỏ chút, cho con khỏi nghe thấy và cứng cỏi dặn: “Cứ yên tâm đi làm nhiệm vụ, mẹ vẫn còn khỏe để làm mọi việc gia đình. Đảng và Nhà nước đào tạo con bao nhiêu năm, chỉ để sử dụng lúc này”. Nghe câu chuyện của mẹ con người lính, người chủ nợ quay xe về thẳng, không nỡ đòi tiền…
Gia đình cảnh sát biển (CSB) Nguyễn Đức Thuận (tàu CSB-2013) đang ở trọ tại nhà trọ thuộc xã Tam Quang, H.Núi Thành, Quảng Nam. Chị Lê Thị Huyền, vợ anh Thuận cùng con nhỏ đang từng ngày ngóng tin chồng trong căn phòng trọ vỏn vẹn gần 11 m2. Trước đây chị từng là điều dưỡng tại Bệnh viện Lao Hà Tĩnh, sau đám cưới chị theo anh vào Quảng Nam để tiện cho công tác của anh, tiền lương của anh chỉ đủ trang trải tiền thuê nhà và chăm sóc con nhỏ đang bị bệnh viêm da bội nhiễm, một mái ấm thực sự là mơ ước xa xôi của cả hai vợ chồng. Cùng chung tâm trạng với chị Huyền, chị Đặng Thị Chung, vợ CSB Phan Văn Định (tàu CSB-8001) khi nhắc đến mái ấm cho riêng mình chỉ cười buồn: “Muốn lắm chứ, nhưng mà...” . Tiếng “nhưng mà” của chị nghe thật xót xa. Tá túc nhà người quen những khi mưa giông kéo đến là hoàn cảnh của gia đình CSB Lưu Xuân Lộc (tàu CSB-8001). Khi anh đi công tác xa, chị Nguyễn Thị Thảo và con thơ 10 tháng tuổi phải tự xoay xở trong căn phòng trọ chưa đến 20 m2, cửa nẻo không chắc chắn, mưa gió lớn khiến căn phòng không đủ che chở hai mẹ con. Mỗi lần như vậy, chị Thảo phải bồng con trú nhờ nhà người quen qua đêm, còn lúc trời khuya quá thì chị đành tự che chắn để đỡ phần nào mưa tạt, nhà dột. CSB Ngô Văn Diện (tàu CSB-8001), mỗi khi đi công tác ngoài biển xa, lại dặn vợ mình là chị Đặng Thị Phượng: “Anh đi, mẹ con ở nhà nhớ cẩn thận”. Bởi trời mưa phòng trọ lại dột tứ bề, vì hoàn cảnh khó khăn anh chị phải thuê nhà để tạm ổn định cuộc sống. Trong căn phòng trọ, chị Lê Thị Loan - vợ CSB Nguyễn Văn Thủy (tàu CSB-8001) vẫn lạc quan: ”Ăn đây, ngủ đây, ăn thì nhiều, ở có bao nhiêu, có khách thì trải chiếu ra hè ngồi cho mát...”. Thật cảm động khi chị vẫn vui vẻ trong lúc một mình lo toan cuộc sống với con ốm, chồng đi công tác xa, chỗ ở thì chật hẹp chỉ khoảng 12 m2. Những người lính biển đang kiên cường ngày đêm đối mặt với gian khó, hiểm nguy để bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ từng mái nhà thân thương của người dân Việt Nam, nhưng mái ấm nhỏ bé của họ chỉ là những căn phòng trọ giản đơn, thiếu thốn đủ bề. Sự chung tay của cộng đồng dành tặng những căn nhà cho các cảnh sát biển, kiểm ngư viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ thật sự là hành động thiết thực giúp các anh thêm vững tin bám biển bảo vệ Tổ quốc. Quỳnh Như |
Ngày 11.6, đại diện Báo Thanh Niên đã đến thăm gia đình trung úy Trần Văn Hiếu và tặng 10 triệu đồng từ chương trình Chung tay góp sức bảo vệ biển Đông. Qua thông tin của Thanh Niên, ngày 12.6, bác sĩ Trần Khánh Vân (Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế), đại diện cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Mỹ, đã trao tặng gia đình trung úy Hiếu số tiền 30 triệu đồng.
Bác sĩ Khánh Vân nói: “Sau khi biết thông tin về những căng thẳng trên vùng biển Hoàng Sa, các du học sinh, cựu du học sinh Việt Nam ở Mỹ theo chương trình học bổng VEF đã vận động quyên góp được số tiền hơn 72 triệu đồng. Số tiền còn lại sẽ trao cho gia đình 1 - 2 cán bộ chiến sĩ khác ở miền Trung, do Báo Thanh Niên khảo sát, giới thiệu”. Vũ Ngọc Khánh |
Mai Thanh Hải
>> Hỗ trợ gia đình cảnh sát biển có hoàn cảnh khó khăn
>> Tôn vinh gia đình cảnh sát biển, kiểm ngư làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa
>> Những thuyền trưởng 8X can trường của cảnh sát biển Việt Nam
>> Điện Quang ủng hộ cảnh sát biển, kiểm ngư VN
Bình luận (0)