Kỳ bí Amazon: Sống với thổ dân Matsés

05/07/2014 03:15 GMT+7

Bắt cá không cần lưới, mồi; ăn, ngủ, làm bếp và cả “chuyện ấy” đều diễn ra trên võng… Đó là một số điều lạ mà tôi biết thêm khi sống với thổ dân Matsés.

>> Kỳ bí Amazon: Chiến binh báo đen
>> Kỳ bí Amazon: Nghệ nhân của rừng xanh
>> Kỳ bí Amazon : Thành phố giữa rừng già

 Chiếc võng “vạn năng” vừa để ngủ, ngồi làm bếp, ăn và cả… ”chuyện ấy” - Ảnh: N.T
Chiếc võng “vạn năng” vừa để ngủ, ngồi làm bếp, ăn và cả… ”chuyện ấy” - Ảnh: N.T

Đụng rắn độc

Manquid, trưởng làng San Juan, bưng cho tôi một gói lá chuối to bọc mấy củ khoai mì và vài con cá nướng. Người Matsés không ăn đường (do không có), không sử dụng dầu ăn và muối cũng rất hiếm. Khi bắt được cá, họ chỉ bỏ lên lá chuối và nướng, ăn với khoai mì. “Bữa ăn thường ngày của người Matsés đấy. Mày là khách nên dùng đĩa, nĩa còn chúng tao thì như thế này thôi”, nói rồi ông dùng tay bốc ăn ngon lành.

“Đi bắt cá không?”, Manquid hỏi tôi. Cô vợ hai đang nghiền chuối (nước chuối ép là thức uống phổ biến của người Matsés) thấy chồng chuẩn bị đi, cũng te te chạy theo. “Ngoài việc trồng khoai mì, lượm củi, nấu ăn... Khi chồng đi săn bắt, vợ cũng phải đi theo. Nếu bắt được cá, bắn được thú thì vợ sẽ mang về”, Manquid cho biết. “Ủa? Đi bắt cá sao không mang theo cần câu hoặc lưới?”, tôi thắc mắc. Manquid khoát tay: “Không cần đâu, ra đến đó sẽ biết”.

Điểm bắt cá là một con suối nhỏ lẩn khuất trong rừng. Manquid đi loanh quanh, đào bới một hồi, ôm về một đống rễ cây, ngồi giã nát ra. Rồi Manquid mang đống rễ đã được giã khuấy xuống suối một hồi làm trắng cả một khúc suối. Trong khi đó, cô vợ đứng dưới nguồn, cách đó chừng vài chục mét, khua chân liên tục như trẻ nghịch nước. “Khua chân để cá sợ mà bơi ngược lên chỗ Manquid. Chất độc từ rễ cây đó sẽ lan ra trong nước làm cá thiếu ô xy không thở được”, Hector - người dẫn đường, nhà tự nhiên học - giải thích. Thật vậy, chừng 10 phút sau, cá phơi bụng nằm nổi lên, vợ Manquid chỉ việc dùng vợt để vớt. “Yên tâm đi, chất này chỉ có tác dụng với cá, người ăn vào không sao đâu”, Manquid trấn an.

Trời hầm hập, cánh rừng già bạt ngàn im phăng phắc. Nóng và ẩm điên người. Từ con suối bắt cá về nhà chỉ chừng nửa tiếng đi bộ mà đi muốn lả, mồ hôi túa ra nhớp nháp. Tôi nhờ Hector giữ đồ, rồi xuống suối tắm. Trời nóng, ngâm mình trong dòng suối mát lạnh thì còn gì bằng. Tôi đang nằm ngửa, nhắm mắt tận hưởng thì Hector bỗng hét lớn: “Tập, coi chừng”. Một con rắn thân có khoang màu đỏ, vàng, đen dài gần một mét, to cỡ cổ tay đang nhẹ nhàng rẽ nước. Tôi điếng hồn. Bài học cơ bản về đi rừng chợt vụt lên trong đầu “Những gì càng sặc sỡ, bắt mắt càng phải đề phòng”. Trên bờ, Hector tiếp tục la lên: “Đừng động đậy”. Tôi đứng im, giơ hai tay lên trời.

Nín thở. Con rắn bơi trong nước, trườn cái thân nhám nhúa cạ sát ngực tôi, rồi tiếp tục hành trình của mình… Đợi tôi lên bờ, hoàn hồn lại, Hector mới nói: “Đó là con rắn đỏ (coral snakes), người dân ở đây gọi là naka naka. Đây là một trong những loài rắn sặc sỡ và có nọc độc nhất rừng nhiệt đới Amazon. Một cú đớp của nó có thể giết chết con mồi trong tích tắc”. Hú vía.

Chiếc võng vạn năng

Với người Matsés, chiếc võng (đan từ sợi cây chambira - một họ cây dừa) đóng một vai trò rất quan trọng. Tại bếp, luôn có một chiếc võng sát đấy. Họ ngồi trên võng, chồm lên bếp lửa để nấu ăn. Đến bữa, họ gói đồ ăn vào lá chuối, tự bưng lên võng của mình rồi bốc ăn. Thậm chí, quan hệ tình dục cũng diễn ra... trên võng (điều này tôi đã hỏi nhiều người Matsés và họ đều khẳng định điều đó). Tài thật! “Nằm trên võng để đề phòng côn trùng, rắn rít. Ngày nay, đã nhiều người ngủ mùng (do chính phủ cung cấp), nhưng võng vẫn là thứ không thể thiếu của người Matsés”, Denis - người Matsés dẫn đường - cho biết.

Được chính phủ hỗ trợ khá nhiều: mùng, màn, áo quần…tuy nhiên, mọi việc đều có giá của nó. Văn minh đem lại sự thuận lợi, tiện nghi trong cuộc sống nhưng đồng thời cũng lấy đi bản sắc truyền thống của người Matsés một cách không thương tiếc. Người Matsés tại San Juan và Buen Peru hầu hết đều bận áo thun, quần jeans, váy vải... Phụ nữ không còn ghim trên miệng những sợi lông dài như những con báo gấm, không bận váy đan bằng sợi cây chambira, thanh niên không còn xăm mặt làm chiến binh như cha ông họ.

Văn minh có sự cám dỗ kỳ lạ. Thanh niên Matsés rủ nhau lũ lượt rời bỏ làng của mình để ra Angamos, nơi có bóng đèn điện, có đầu đĩa nhạc CD (dù chỉ chạy bằng bình ắc quy)… Lidya, 23 tuổi, một con, đang xúng xính bận thử những chiếc váy hoa sặc sỡ bằng vải rẻ tiền mới đổi được từ Angamos bằng một bao đầy ắp rùa. Khi tôi hỏi về sự “pha tạp” quá nhanh của thanh niên Matsés hiện nay, cô hỏi ngược lại: “Anh cũng là thanh niên, lại có hiểu biết. Vậy cho anh ở trần, bận váy chambira mãi như chúng tôi, anh chịu không?”. Chỉ vậy thôi, mà tôi không thể trả lời. Biết là mình không thể ích kỷ muốn họ phải tiếp tục “ăn lông, ở lỗ” mãi, nhưng lòng vẫn không khỏi buồn. Ừ, dù sao tôi cũng chỉ là một người kể chuyện đường xa tò mò thôi mà…

Biết tôi rất muốn tìm hiểu cuộc sống của người Matsés nguyên thủy, Denis nói: “Tôi có ông bác bỏ làng vào sống trong rừng sâu vì không muốn tiếp xúc với thế giới văn minh. Để tôi vào hỏi thử xem ổng có chịu gặp anh không”. Nói rồi anh dắt con dao dài vào người rồi quày quả đi. Tối mịt Denis trở về, mặt hớn hở: “Ổng chịu rồi, mai lên đường”.

Nguyễn Tập

>> Tòa án Brazil chặn dự án đập thủy điện ở Amazon
>> Những "thành phố" mất tích tại Amazon
>> Sau "Mê Kông ký sự" sẽ có "Ký sự Amazon

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.