TS Trần Vinh với vườn ươm thông nước ghép - Ảnh: T.N.Q |
Những cây thông nước (còn gọi là thủy tùng) trồng trên đất vườn cà phê ở xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) phát triển xanh tốt hơn hình dung của nhiều người. Đây là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu, sáng tạo của TS Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
Thông nước được xem như hóa thạch sống của ngành hạt trần, xuất hiện cách đây khoảng 10 triệu năm. Trên thế giới chỉ có ở VN và Trung Quốc còn thông nước nhưng số lượng ngày càng giảm. Ở VN, thông nước tập trung ở hai quần thể xã Ea Ral, H.Ea Hleo và xã Ea Hồ, H.Krông Năng (Đắk Lắk) với khoảng 200 cây nhưng trong tình trạng thoái hóa, nhiều cây chết dần, không còn khả năng sinh sản tự nhiên. Do gỗ thông nước cực kỳ quý hiếm, có mùi thơm, vân gỗ màu sắc đẹp, loài cây này cũng đối mặt với nguy cơ săn lùng, tuyệt diệt. Nhiều năm trước, một số cơ quan nghiên cứu đã thực nghiệm nhân giống thông nước bằng giâm hom, nuôi cấy mô nhưng hầu như không đạt kết quả do toàn bộ cây bị chết khi đưa ra trồng ngoài thực địa.
Cùng nghiên cứu loài cây này, TS Trần Vinh đã tìm hướng đi khác bằng cách ghép cành thông nước với các giống cây cùng họ và có bước tiến đột phá. Đầu tiên, ông thử ghép thông nước trên gốc cây sa mu, nhưng cây ghép có tỷ lệ sống thấp (chỉ 13%) sau 5 tháng do cành và gốc ghép không thực sự tương hợp. Năm 2010, ông Vinh chuyển sang ghép với cây bụt mọc (Taxodium distichum) và nhận thấy kết quả khả quan hơn với tỷ lệ sống bình quân là 66%, sinh trưởng tốt, giữ nguyên những đặc điểm sinh học như cây thông nước ở các quần thể tự nhiên. Tại vườn ươm nhà ông Vinh, nhiều cây ghép trồng trong chậu qua một năm đã cao gần 1,5 m, đường kính gốc từ 3 - 4 cm, các cành cũng ra hoa kết trái. Điều đặc biệt là khi đưa ra trồng trên đất cà phê thì thông nước phát triển tốt, thậm chí có cây bị gãy ngang thân vẫn đâm chồi mạnh mẽ.
Ông Vinh khẳng định: “Qua thử nghiệm, thông nước hoàn toàn có thể nhân giống được bằng phương pháp ghép với gốc bụt mọc. Vốn là loài cây sinh trưởng vùng đầm lầy, đất ngập nước, nhưng giờ đây thông nước sống được trên đất cạn, tạo ra cơ hội bảo tồn, phát triển loài đặc hữu này”. Từ nghiên cứu của TS Trần Vinh, nhiều cây giống thông nước ghép đã được đưa trở lại “quê hương” Ea Ral, Ea Hồ trong một dự án phục hồi sinh cảnh thông nước. Tuy vậy, do những khu vực này thường xuyên ngập úng nên thông nước sinh trưởng kém. Ngược lại, thông nước ghép trồng trên đất cạn có tưới, hoặc địa bàn ẩm thấp ven ao hồ, sông suối thì lại sống khỏe, lớn nhanh.
Theo ông Vinh, điều này còn mở ra triển vọng phát triển thông nước đại trà, biến loài cây quý hiếm thành cây rừng trồng, có thể lấy gỗ phục vụ mục đích thương mại với giá trị cao. Đến nay, ông Vinh đã tặng và bán hàng ngàn cây giống thông nước ghép để trồng ở các tỉnh Tây nguyên và Tây Nam bộ.
Ngọc Quyền
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 36: Trồng hoa lily thu tiền tỉ
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 37: Đưa vườn dâu tây vào khu du lịch
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 38: Nhân giống dừa siêu giá
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 39: Lên núi nuôi cá
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 40: Biến gáo dừa thành kỷ lục
Bình luận (0)