Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh hôm qua chính thức đề nghị chính phủ Trung Quốc cho phép cải cách dân chủ tại đặc khu này.
|
Theo Reuters, báo cáo của Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh gửi Ủy ban Thường vụ của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức quốc hội) được đệ trình vào lúc căng thẳng đang dâng cao giữa các nhà hoạt động vì dân chủ của Hồng Kông với chính quyền trung ương, liên quan đến tiến độ cải cách chính trị tại nơi từng là thuộc địa của Anh trước khi trở về với Trung Quốc cách đây hơn 17 năm.
Phổ thông đầu phiếu
Báo cáo được đưa ra sau cuộc tham khảo ý kiến về cải cách dân chủ kéo dài 5 tháng ở Hồng Kông. Nó được thực hiện trong bối cảnh có lo ngại rằng những sửa đổi sắp tới sẽ không đem lại dân chủ thực sự cho đặc khu này. Kể từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Hồng Kông tương đối độc lập về chính trị, tài chính và luật pháp theo công thức “một đất nước, hai chế độ”, nhưng một bộ phận lớn người dân tại đây không hài lòng về sự hiện diện ngày càng sâu rộng của đại lục.
Báo cáo của ông Lương vạch ra lộ trình cải cách gồm 5 bước để người dân Hồng Kông có thể trực tiếp bỏ phiếu bầu ra lãnh đạo của họ trong kỳ bầu cử năm 2017. “Việc áp dụng hình thức phổ thông đầu phiếu trong cuộc bầu cử đặc khu trưởng sẽ là cột mốc quan trọng trong sự phát triển dân chủ của hệ thống chính trị Hồng Kông, với tác động đáng kể và mang ý nghĩa lịch sử”, báo cáo viết.
Hãng Reuters nhận xét báo cáo dường như cũng phản ánh nỗi lo ngại của giới chức tại Bắc Kinh khi khẳng định người dân Hồng Kông tin rằng lãnh đạo sắp tới của đặc khu này cần phải là “một người yêu đất nước và yêu Hồng Kông”. Theo Tân Hoa xã, quốc hội Trung Quốc sẽ xem xét đề xuất trên và sẽ quyết định các phương pháp bầu cử. Đến lượt mình, chính quyền Hồng Kông sẽ tiến hành cuộc tham khảo ý kiến thứ hai trước cuối năm nay, trước khi ông Lương đệ trình kế hoạch cuối cùng để các dân biểu Hồng Kông bỏ phiếu.
Theo tờ The New York Times, ông Lương lưu ý rằng cuộc tranh luận về hệ thống bầu cử có thể gây ra tranh cãi, song nhận xét đã đến thời điểm chín muồi cho thay đổi ở Hồng Kông. “Vấn đề phát triển hiến pháp là phức tạp và việc cộng đồng có các ý kiến và lý lẽ khác nhau về những đề xuất cụ thể là có thể hiểu được”, ông Lương viết trong báo cáo.
Chưa hết bất đồng
Mặc dù cổ vũ cho việc áp dụng phổ thông đầu phiếu, báo cáo đã bác bỏ đòi hỏi chủ yếu của những người ủng hộ cải cách ở Hồng Kông rằng các cử tri phải được trực tiếp đề cử ứng viên cho chức danh lãnh đạo. Theo đó, ông Lương nói “dư luận chính thống” ở Hồng Kông ủng hộ quan điểm của ông và chính quyền Trung Quốc rằng cần có một ủy ban xét duyệt tư cách tranh cử, tương tự ủy ban hiện nắm quyền bầu chọn lãnh đạo ở Hồng Kông.
Đặc khu trưởng Hồng Kông hiện được bầu bởi một ủy ban gồm khoảng 1.200 người, mà nhiều người trong số đó do Bắc Kinh bổ nhiệm hoặc được bầu ra từ các hội nhóm tài chính, thương mại vốn có xu hướng “chung sống hòa bình” với chính quyền trung ương. Những người chủ trương cải cách lo ngại ủy ban xét duyệt tư cách tranh cử sẽ hành động như một “người gác cửa” đối với các ứng viên của họ, từ đó bảo đảm các kết quả phù hợp với ý đồ của Bắc Kinh.
Theo tờ The New York Times, khi báo cáo được trình bày ra trước Hội đồng lập pháp Hồng Kông, nghị sĩ cánh tả nổi tiếng Lương Quốc Hùng đã lên án chính quyền không ủng hộ việc đề cử trực tiếp ứng viên lãnh đạo. Ông này bị các nhân viên bảo vệ đưa ra khỏi cuộc họp sau khi lao về phía lãnh đạo số 2 của đặc khu là Tổng vụ trưởng hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Tờ Business Week nhận định báo cáo của ông Lương có thể kích hoạt một cuộc tranh luận chính trị lớn nhất tại Hồng Kông trong vòng một thập niên, sau khi gần 800.000 người đã tham gia cuộc trưng cầu dân ý không chính thức về cách thức bầu cử do Tổ chức Occupy Central (Chiếm Trung Hoàn) phối hợp Đại học Hồng Kông và Đại học Bách khoa Hồng Kông phát động.
Hồng Kông cũng đã chứng kiến một cuộc tuần hành rầm rộ nhất trong vòng một thập niên qua vào ngày 1.7, nhân kỷ niệm 17 năm ngày Hồng Kông trở về Trung Quốc, nhằm phản đối sự can thiệp quá sâu của Bắc Kinh vào Hồng Kông. Theo giới quan sát, nhiều người không chỉ mong muốn có dân chủ hơn ở Hồng Kông mà còn muốn một nền “dân chủ thật sự” theo các chuẩn mực chung trên thế giới, chứ không phải nền dân chủ đặc thù như lâu nay.
Phản ứng với báo cáo vừa được đệ trình, ông Ma Ngok, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Trung văn Hồng Kông, nhận định: “Các kết luận chính có thể kích hoạt thêm các cuộc phản đối”. Theo chuyên gia này, kết quả “tham khảo ý kiến” cho thấy có quá ít chỗ để thương thảo và sẽ có thể đẩy những thành viên ôn hòa của phong trào ủng hộ dân chủ về phía các nhóm cực đoan “do không có nhiều hy vọng trong việc có được một hệ thống dân chủ hơn”.
Tổ chức Occupy Central cũng cảnh báo cuộc trưng cầu dân ý và biểu tình vừa qua chỉ là bước khởi đầu. Nếu không có những thay đổi đáng kể, họ sẽ phát động phong trào chiếm cứ và phong tỏa Trung Hoàn trong thời gian sắp tới.
Trùng Quang
>> Macau tiếp bước Hồng Kông đòi dân chủ
>> Báo Hồng Kông vạch trần sự phi lý của Trung Quốc
>> Người Việt Nam ở Hồng Kông biểu tình phản đối Trung Quốc
>> Hồng Kông có thể thành Ukraine hoặc Thái Lan
>> Phép thử cho Trung Quốc ở Hồng Kông
Bình luận (0)