(TNO) Dù hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên robot tự hành Curiosity ghi hình một khối thiên thạch trên hành tinh đỏ. Đó là khối đá to và bóng được đặt tên là "Lebanon".
|
Lebanon có kết cấu chủ yếu từ nguyên tố sắt, rộng đến 2 m, có thể giúp các nhà khoa học lý giải tại sao hầu hết các thiên thạch được tìm thấy đến nay trên sao Hỏa đều chứa lượng sắt rất phong phú.
Hình ảnh ghi được cho thấy, gần với nó còn có một khối đá vũ trụ khác gọi là “Lebanon B”. Daily Mail dẫn lời người phát ngôn của NASA là Guy Webster cho biết, còn một khối thiên thạch thứ ba cũng rộng chừng 2 m, có thể được nhìn thấy trong hình ảnh thô chưa được phát hành.
Trên bề mặt của Lebanon có những chỗ lồi lõm tương tự như một số thiên thạch trước đây được phát hiện bởi robot tự hành Spirit và Opportunity. Các chuyên gia NASA giải thích rằng đó có thể là kết quả của sự xói mòn tập trung dọc theo ranh giới tinh thể trong kim loại của đá. Một khả năng khác là những những chỗ lõm này đã từng chứa tinh thể olivin, được coi là loại hiếm của tinh thể thiên thạch sắt gọi là pallasites.
Daily Mail cho biết, Curiosiry ghi hình thiên thạch vào ngày 25.5.2014 nhưng đến trung tuần tháng 7 này thì NASA mới cho phát hành hình ảnh chi tiết của Lebanon. Đây là những khối thiên thạch đầu tiên mà Curiosiry phát hiện được dù nó đã làm việc trên bề mặt sao Hỏa trong vòng hai năm qua.
Tạ Xuân Quan
>> Thiên thạch khổng lồ oanh tạc mặt trăng
>> Một thiên thạch rộng 5 mét tấn công Trái đất
>> Thiên thạch bay sượt trái đất
>> Nga trục vớt thiên thạch nặng nửa tấn
Bình luận (0)