|
Mất lợi thế do thiếu điện
Từ tháng 8.1999, Phú Quý có điện, mở ra giai đoạn phát triển mới cho huyện đảo xa xôi này. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống người dân dần cải thiện.
Tuy nhiên, suốt gần 15 năm qua, do bị hạn chế giờ phát điện và giá điện quá cao nên điều kiện phát triển đảo Phú Quý rất khó khăn. Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), từ năm 2011 đến giữa năm 2014, giá bán điện trên đảo Phú Quý cao hơn đất liền từ 1,9 - 4,96 lần. Cụ thể: năm 2011 giá thành sản xuất điện trên đảo là 7.724 đồng/kWh, EVN SPC phải bù lỗ 37,8 tỉ đồng. Năm 2012 xuống còn 6.915,34 đồng/kWh nhưng EVN SPC vẫn phải bù lỗ 26,07 tỉ đồng.
|
Giá điện quá cao và giờ cấp điện hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản tại đảo Phú Quý phải di dời cơ sở vào đất liền. Theo thống kê, đến năm 2013, đã có gần 20 DN dời cơ sở vào TP.Phan Thiết, TX.La Gi... đồng thời thu hẹp sản xuất tại đảo. Hầu hết tàu thu mua hải sản của DN sau khi mua hàng trên biển xong là đi thẳng vào Phan Thiết để chế biến rồi xuất khẩu luôn, không còn đưa về Phú Quý như trước đây; trên đảo chỉ còn những mặt hàng sơ chế, phơi khô, chủ yếu tiêu thụ tại chỗ. Từ một huyện có nhiều DN chế biến thủy sản bậc nhất của Bình Thuận nhưng vì thiếu điện, Phú Quý đã dần đánh mất lợi thế quan trọng này.
Bước đệm để phát triển
Năm 2014 là mốc thời gian không thể quên của người dân Phú Quý khi chỉ trong vòng 2 tháng 6 và 7, những khó khăn về điện đã được khắc phục.
Bắt đầu từ ngày 1.6, giá điện trên đảo Phú Quý được tính bằng giá điện tại đất liền và từ 1.7, thời gian phát điện trên đảo Phú Quý được tăng từ 16 giờ/ngày lên 24 giờ/ngày. Đây là niềm phấn khởi rất lớn của người dân trên đảo. Có điện ổn định, nhiều hộ dân đã mạnh dạn mua sắm các thiết bị điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Nhiều chuyến tàu từ TP.Phan Thiết ra Phú Quý luôn chật cứng các mặt hàng máy bơm, ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt… Đặc biệt, ngành chế biến thủy sản có dấu hiệu phục hồi khi nhiều DN bắt đầu tìm hướng mở rộng đầu tư trên đảo.
Theo EVN SPC, để Phú Quý có điện 24/24, giá điện ngang với giá ở đất liền thì mức lỗ của ngành điện đã tăng lên đến 90 tỉ đồng/năm. Ông Lê Xuân Thái, Trưởng ban Quan hệ cộng đồng của EVN SPC, cho biết: “Đầu tư vào đảo Phú Quý, ngành điện xác định không vì yếu tố kinh doanh mà cái chính là vì nhiệm vụ chính trị. Đó là đảm bảo phục vụ cho phát triển KT-XH và an ninh quốc phòng trên đảo”. EVN SPC đã đưa vào vận hành thêm 2 tổ máy diesel công suất 2 MW, nâng tổng công suất lắp đặt trên huyện đảo lên 5 MW; đầu tư phát triển lưới điện trung áp, hạ áp với khối lượng dự kiến là 42 km đường dây trung áp và 0,5 km đường dây hạ áp. Ngoài ra, EVN SPC cũng sẽ đầu tư thêm 2 bồn dầu dung tích 400 m3, nhà xưởng sửa chữa và hệ thống cầu trục cẩu máy để đảm bảo năng lực sửa chữa, bảo trì, khắc phục sự cố các tổ máy phát điện và đảm bảo khả năng vận chuyển dự trữ nhiên liệu phục vụ phát điện trong mùa mưa bão, đảm bảo phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân đảo Phú Quý.
Ông Huỳnh Văn Hưng, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND H.Phú Quý, cho biết: “Việc thực hiện giá bán điện bằng với đất liền và nâng thời gian sử dụng lên 24/24 đối với đảo Phú Quý là bước ngoặt mang tính lịch sử. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với mục tiêu phát triển KT-XH của huyện và có ý nghĩa rất lớn trong chiến lược an ninh quốc phòng”.
Đình Tuyển - Đình Hoàng
Bình luận (0)