|
Bén duyên từ xóm trọ
Dẫu tuổi đã già, nhưng ông Đinh Khắc Cần (80 tuổi) vẫn hay thủ thỉ với bà Trần Thị Thanh (77 tuổi): “Sao hồi ấy bà dám làm một việc như thế!”. Sở dĩ cho đến bây giờ ông Cần vẫn luôn cảm thấy ngạc nhiên bởi người vợ của ông đã làm một việc xưa nay hiếm khi đất nước rơi vào tình cảnh chia cắt hai miền sau Hiệp định Genève.
Khi học trung học ở Mỹ Tho, ông Cần đã tham gia hoạt động quân báo. Khoảng cuối năm 1953, ông được tổ chức điều lên hoạt động ở nội thành Sài Gòn để nắm tin tức về hoạt động quân sự ở khu vực cảng Sài Gòn. Lúc này phía ta đang tổ chức chiến dịch Điện Biên Phủ nên hoạt động quân báo ở các vùng miền để nắm tình hình của địch rất được chú trọng. Việc đầu tiên khi lên Sài Gòn là ông phải tìm được nơi ăn chốn ở tin cậy để tránh sự dò xét của địch. Quê ở Bến Tre, ông nghĩ trong đầu là mình phải tìm đến nơi nào có đông người cùng quê “để có gì còn nhờ cậy được”. Lân la hỏi thăm, ông đã tìm đến một xóm đồng hương người Bến Tre ở Q.1 (nay là đường Nguyễn Cảnh Chân) để trọ.
Ngày ngày rời phòng trọ ra khu vực cảng thu thập tin tức, ngang qua con hẻm nhỏ trong xóm, ông Cần thấy một nữ sinh (sau này mới biết tên là Trần Thị Thanh) thường ngồi học bài cạnh cửa sổ trong ngôi nhà nhỏ. “Nhìn cô ấy chăm chỉ học bài, trong đầu cũng chưa nghĩ ngợi gì về chuyện tình cảm cả nhưng cũng thấy thích thích”, ông cười rồi kể tiếp: “Mỗi khi trở lại phòng trọ, tôi tranh thủ dạy học cho trẻ em trong xóm, trong đó có 3 đứa em của Thanh. Mấy tháng trôi qua, sự thân quen ngày một gần gũi hơn. Thế là mấy đứa nhỏ qua lại nhà tôi thường xuyên hơn, nhiều khi chỉ qua chơi để được ăn kẹo”. Lần đầu tiên ông trực tiếp gặp “người trong mộng” là khi bà Thanh đi sang phòng trọ tìm mấy đứa em “xem tụi nhỏ có nói dóc hay không vì lúc nào cũng nói ở nhà anh Cần”. “Sau dạo đó, hai người bắt đầu bén duyên nhau. Một phần cũng do tôi chủ động làm công tác dân vận với 3 đứa em của cô ấy”, ông Cần lại cười.
Theo lời kể của ông Cần, tình yêu giữa hai người bắt đầu chớm nở thì cũng là lúc ông rời xóm trọ, bởi nhiệm vụ quân báo chấm dứt khi Hiệp định Genève được ký kết. Trở lại quê nhà Bến Tre chờ đi tập kết, nhờ biết tiếng Pháp, ông đảm nhiệm việc dịch nội dung hiệp định bằng tiếng Pháp trên báo, phổ biến cho các cơ sở “vì bản tiếng Việt lúc ấy chưa kịp chuyển đến các cơ sở ở địa phương”. “Trước lúc rời xóm trọ ra đi, tôi cũng kịp tỏ tình với bà Thanh dù chưa một lần nắm tay nhau. Tôi ghi lại địa chỉ ở quê đưa cho bà với hy vọng sẽ có ngày gặp lại mới bàn tính đến chuyện tương lai”, ông Cần kể.
Đám cưới dưới hầm địa đạo
Nhớ về những ngày chia ly, bà Thanh tâm tình: “Ổng lên tàu đi tập kết ở điểm Cà Mau. Tôi lúc đó ở Sài Gòn rất muốn xuống gặp người yêu để chia tay nhưng không dám nghỉ học để đi (bà học Trường Gia Long, nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3), chỉ có 3 đứa em từng được ổng kèm học chữ đón xe đò xuống. Ổng gửi lời tạm biệt qua mấy đứa em. Lòng tôi cứ mãi nhung nhớ ổng khi ở lại Sài Gòn”.
Hai năm đầu sau khi Hiệp định Genève ký kết, việc thư từ qua lại giữa hai miền còn khá dễ dàng. “Lúc này chúng tôi thư từ qua lại với nhau. Có lần bà viết tặng tôi câu thơ: Em không sợ chia ly là vĩnh biệt/Mà chỉ sợ chia ly rồi hủy diệt mộng tao phùng như để củng cố lòng tin với tôi. Chúng tôi hẹn năm 1956 thống nhất trở về sẽ làm hôn lễ”, ông Cần nhớ lại.
Ngày hẹn ấy đã không đến như mong đợi. Ở ngoài bắc, ông không thể ngờ là sau đó, bà Thanh lặn lội tìm về quê ông “xin phép được làm dâu để chờ ngày anh Cần trở về”.
Theo lời kể của ông Cần, ban đầu gia đình không ai dám nhận lời “vì gia đình sợ tôi ra ngoài đó rồi dẫn về cả bầu đoàn thê tử thì biết làm sao, khó ăn khó nói với con gái nhà người ta lắm”, nhưng rốt cuộc gia đình cũng đành chấp nhận trước sự chân tình của bà Thanh. Ba người em trai của ông Cần ở lại quê nhà (trong đó có ông Đinh Khắc Trung, sau này đổi tên là Nguyễn Thành Trung - người lái máy bay ném bom Dinh Độc Lập và trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) trước tình thế này cứ liên tục viết thư “dặn dò” anh trai “ráng về để cưới vợ”.
Hiệp định Genève bị phá vỡ. Địch leo thang chiến tranh ở miền Nam. Năm 1964, ông Cần cùng đồng đội đi B vào nhận công tác mới ở địa bàn Củ Chi (đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định). Đầu năm 1966, thông qua các đường dây liên lạc, bà Thanh và một số người thân hai bên gia đình được đón lên Củ Chi. Đám cưới của anh lính quân báo và cô nữ sinh ngày nào được tổ chức dưới hầm của địa đạo. Hôn lễ trong thời chiến diễn ra chóng vánh. Bà Thanh trở về hoạt động cơ sở ở nội thành Sài Gòn. Thời gian làm Báo Công nhân Giải phóng, ông Cần cũng thường xuyên đi lại giữa chiến khu và nội thành. Cơ sở hoạt động bị lộ, cả hai vợ chồng ông Cần đều bị bắt giam. Riêng ông Cần sau đó bị đày ra Côn Đảo.
Mối tình son sắt của hai người là đồng hương và đều ở miền Nam nhưng vì sự chia cắt hai miền nam bắc, mãi suốt 20 năm sau họ mới thật sự được đoàn tụ trong ngày đất nước thống nhất vào trưa 30.4.1975.
Đình Phú
>> Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris
>> Hiệp định Paris - Đỉnh cao thắng lợi ngoại giao VN
>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 5: Cuộc chia ly trong những cuộc chia ly
>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 4: Dòng sông lịch sử
>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 3: Gặp người còn sống cuối cùng của phái đoàn tham dự hội nghị Genève
Bình luận (0)