Cắt giảm tiêu thụ bia, rượu là điều cần thiết

20/07/2014 18:00 GMT+7

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia do Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) soạn thảo, trong đó có quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ, là một ý kiến đúng đắn.


Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà rượu bia còn dẫn tới nhiều hệ lụy
trong xã hội - Ảnh: AFP

Theo báo cáo thống kê của Tổ chức y tế thế giới WHO được công bố trong năm 2014 dựa vào số liệu của năm 2010 thì lượng bình quân tiêu thụ nồng độ cồn (alcohol) của người lớn ở Việt Nam (trên 15 tuổi) mỗi năm là 6,6 đơn vị. Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á (sau Nhật Bản và Trung Quốc). Trong 10 năm qua tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200% với 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia. Trước sức uống “khủng khiếp” của người tiêu dùng, hàng loạt nhà máy bia tiếp tục được mọc lên trong khi nhiều hãng bia ngoại cũng chen nhau đưa hàng vào bán tại Việt Nam.

Tác hại của việc lạm dụng cồn trong rượu, bia đến sức khỏe thì đã quá rõ ràng. Khi sử dụng quá liều lượng cồn (alcohol) vào cơ thể cùng một lúc thì cơ thể không kịp đào thải ra khỏi máu sẽ gây rủi ro cho con người. Việc lạm dụng rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người uống mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội, tai nạn giao thông và ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Khi phân tích số liệu trong bảng báo cáo này thì người Việt Nam đứng số 1 về tiêu thụ bia bình quân trên đầu người trong một năm.

Theo thống kê của WHO, ở Việt Nam 60% số vụ TNGT có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến 68% số vụ bạo lực gia đình và 38% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội. Một đứa trẻ sẽ bị ám ảnh mãi hình ảnh người cha đánh đập vợ, con do mất kiểm soát bản thân trong cơn say, và tương lai của những đứa trẻ đó sẽ như thế nào…

Chỉ xét riêng bia ảnh hưởng đến khía cạnh kinh tế, hiện nay giá một thùng bia dao động từ 300.000 - 420.000 đồng/thùng. Như vậy một chầu nhậu với dăm người, trung bình 1,5 thùng bia (khoảng 500.000 - 700.000 đồng). Nếu tính đến “mồi nhậu” (thức ăn) thì một chầu nhậu trung bình tốn 1.500.000 - 2.000.000 đồng.

Trong khi đó thu nhập bình quân trên đầu người (GDP) theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund) trong năm 2013 thì Việt Nam đứng hàng thứ 132/183 quốc gia với thu nhập bình quân đầu người là 1.901 USD/năm.

Như vậy một tháng thu nhập trung bình của một người Việt Nam chưa tới 3,4 triệu đồng nhưng một chầu nhậu phải chi hơn một nửa. Chưa kể nếu uống thường xuyên thì số tiền người nọ đem về nhà cho vợ, con sẽ còn bị giảm đi rất nhiều. Ngoài ra, đối với dân nhậu đã có tăng 1 (nhậu), sẽ có tăng 2 (karaoke), rồi tăng 3 (mát-xa hay quan hệ với gái mại dâm).

Nhìn lại các nước xung quanh ta, Thái Lan và Singapore chỉ cho phép bán rượu từ 17 giờ đến 22 giờ. Ở Na Uy, các cửa hàng, siêu thị không được bán rượu vào chủ nhật, ngày lễ, ngày bầu cử hoặc ngày trưng cầu dân ý. Lý do là thời điểm này uống rượu, bia rất có hại cho sức khỏe, đồng thời gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng người xung quanh…

Việc một người tiêu thụ nhiều bia, rượu do đó không phải là vấn đề riêng của anh ta nữa mà nó còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống vật chất và đời sống tinh thần của mọi người xung quanh trong gia đình, trong xã hội. Tôi nghĩ việc xem xét cắt giảm việc tiêu thụ bia, rượu là điều hoàn toàn cần thiết.

Tidoo Nguyễn (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một kỹ sư đang sống và làm việc tại TP.HCM

>> Hạn chế uống rượu, bia trong thanh niên
>> Chợ đen rượu, bia ngoại
>> Tai nạn do rượu bia
>> Tai nạn giao thông tăng vì rượu, bia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.