Với hơn 53% phiếu ủng hộ, Đô trưởng Jakarta Joko Widodo sẽ trở thành Tổng thống Indonesia với nhiều thách thức cả trong đối nội lẫn đối ngoại.
|
Ủy ban bầu cử Indonesia hôm qua chính thức công bố liên danh gồm Đô trưởng thủ đô Jakarta Joko Widodo và cựu Phó tổng thống Jusuf Kalla đã nhận được gần 70,7 triệu phiếu ủng hộ trong số 133 triệu phiếu bầu hợp lệ tại cuộc bầu cử tổng thống ngày 9.7. Kết quả tuy không gây ngạc nhiên nhưng mang lại hồi hộp cho những ai theo dõi cuộc chọn lựa sít sao người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong vòng 5 năm tới.
Đối thủ của ông Joko, cựu trung tướng Prabowo Subianto, với nguồn lực tài chính dồi dào và 10 năm chuẩn bị cho cuộc chạy đua này, đã không bị đánh bại dễ dàng. Ông Prabowo chỉ chấp nhận “phất cờ trắng” vào phút chót khi liên minh của ông tỏ rõ bất đồng và nhiều thành viên chủ chốt đề nghị ông chấp nhận thất bại. Chỉ vài giờ trước khi thắng lợi thuộc về Joko được công bố chính thức tối 22.7, ông Prabowo mới tuyên bố “rút lui” khỏi toàn bộ quy trình bầu cử, đồng nghĩa với việc ông sẽ không đưa kết quả mà ông cho là “gian lận lớn, có hệ thống và có tổ chức” lên Tòa hiến pháp, theo Reuters dẫn lời luật sư của ông.
Như vậy, ngay từ lúc này, ông Joko đã có thể bắt tay vào việc chuẩn bị nhân sự nội các và nhậm chức vào ngày 20.10 tới. Tuy nhiên, trước mắt vị tổng thống tân cử thiếu kinh nghiệm chính trường này là cả núi thách thức.
“Căn cứ quyền lực”
Thách thức đầu tiên với cựu doanh nhân buôn bán hàng nội thất 52 tuổi xuất thân bình dân này là số ghế đại biểu quốc hội khiêm tốn - chỉ 207 trên tổng số 560 - mà liên minh của ông thắng được trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp ngày 9.4.
Trong khi đó, liên minh 6 đảng của ông Prabowo nắm tới 353 ghế. Để đảm bảo cho các chính sách của mình không bị cản trở bởi cánh đối lập trong quốc hội, việc đầu tiên ông Joko phải làm là tạo dựng một liên minh mới, đảm bảo được số ghế quá bán, nghĩa là phải hút được người từ liên minh của Prabowo. Về mặt này, những diễn biến gần đây có phần thuận lợi cho ông Joko, khi một số thành viên trong liên minh của Prabowo có ý định “đổi tàu” để có thể kiếm được một chức vụ trong nội các mới. Nổi bật trong số này là những thành viên chủ chốt trong đảng Gerindra do doanh nhân Aburizal Bakrie lãnh đạo. Ông Aburizal Bakrie vốn là người thân tín với ông Prabowo, nên để có thể “đổi tàu”, các thành viên Gerindra trước hết phải “lật đổ” được ông Bakrie, theo nhận xét của các chuyên gia.
Bên cạnh đó, với xuất thân bình dân trong một thể chế đa đảng mà những cựu quân nhân được xem là tầng lớp thượng lưu ưu tú, ông Joko thiếu hẳn “căn cứ quyền lực”. Theo Phó giáo sư Leonard Sebastian, chuyên gia về Indonesia tại Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore), trong một thời gian từ ngắn cho đến trung hạn, tân Tổng thống Joko Widodo “sẽ phải phụ thuộc vào sự bảo bọc và hỗ trợ của những nhân vật từng nắm quyền lực trong các chính quyền trước, như cựu Tổng thống Megawati Sukarnoputri và cựu Phó tổng thống đồng thời cũng sẽ là tân Phó tổng thống Jusuf Kalla.
Ông Joko, 52 tuổi, được đông đảo công chúng cả nước yêu mến vì phong cách bình dân, “chân đất”, với những thành tích cải tạo hệ thống hạ tầng và trật tự, phúc lợi xã hội trong vai trò thị trưởng thành phố Surakarta, tỉnh Trung Java, và Đô trưởng Jakarta. Tuy nhiên, cũng chính phong thái bình dân và mềm mỏng của ông Joko khiến các chuyên gia chính trị Indonesia tỏ ra “nghi ngờ khả năng ông có thể thâu tóm được quyền lực trong một thể chế chính trị đầy phức tạp” để lãnh đạo đất nước theo ý của mình.
Tự hào dân tộc
Trong cương lĩnh tranh cử của mình, người ta thấy ông Joko thể hiện ý thức dân tộc sâu sắc, phản chiếu dấu ấn của vị tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Indonesia - Sukarno. Đó là xây dựng một Indonesia tự do quyết định tiếng nói của mình trên trường quốc tế, với một nền kinh tế tự chủ và một bản sắc dân tộc mạnh mẽ.
Trên mặt trận ngoại giao, theo chuyên gia Emirza Adi Syailendra, “lập trường dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ sẽ không ngăn cản ông Joko thúc đẩy vai trò tích cực của Indonesia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Chuyên gia này chỉ ra những ưu tiên trong đề cương tranh cử của ông Joko. Đó là giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, tăng cường sức mạnh trên biển, đặc biệt trong bối cảnh Indonesia sẽ đóng vai trò chủ tịch Hiệp hội Các nước trong vành đai Ấn Độ Dương (IORA), và tạo dựng kiến trúc quyền lực trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Indonesia là một “sức mạnh hạng trung”. Ông Joko cũng vạch ra kế hoạch tăng ngân sách quân sự trong suốt nhiệm kỳ của mình, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng và đa dạng hóa các quan hệ hợp tác quốc phòng.
Trong tư thế nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á với dân số 250 triệu người, Tổng thống tân cử Indonesia cũng đặt mục tiêu bắc cầu nối tạo dựng niềm tin và quản trị các bất đồng, tranh chấp trong khối và giữa các thành viên ASEAN với các nước khác. Bên cạnh đó, ông Joko được nhận định là cũng sẽ thúc đẩy để Cộng đồng ASEAN có thể ra đời vào năm 2015.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
>> Indonesia căng thẳng sau bầu cử
>> Bầu cử Indonesia: Chưa xác định được tân tổng thống
>> Lo ngại bất ổn vì bầu cử ở Indonesia
>> Indonesia muốn thành cường quốc biển
Bình luận (0)