Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc các bài viết Có thể kéo giảm lãi vay và Một mũi tên trúng nhiều đích đăng trên Thanh Niên ngày 24.7.
Quá bất hợp lý !
Huy động vốn từ doanh nghiệp (DN) và người dân thì trả lãi suất (LS) thấp, còn cho vay thì định ra LS trên trời. Vậy thì làm sao mà người dân dám vay để đầu tư vào sản xuất kinh doanh? Đây là bất hợp lý quá lớn của ngành ngân hàng mà lâu nay vẫn không được điều chỉnh. Vậy mà cứ hô hào DN và người dân đầu tư vào sản xuất. Lấy vốn ở đâu mà đầu tư?
Bùi Lam
(lam@gmail.com)
Làm sao phát triển nổi ?
Tôi nhớ có lần lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM dẫn rằng ở nước ngoài vay ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản thì LS chỉ 4 - 5%/năm, trong khi đó ở trong nước có lúc lên đến 20%. Như vậy giá nhà đất không cao sao được? Bây giờ, DN siêu nhỏ mà vay LS 13%, bất động sản cũng 13%/năm thì làm sao mà phát triển nổi? Nên kéo giảm LS cho vay ở mức hợp lý, nếu không thì nền kinh tế sẽ còn tiếp tục khó khăn.
Dũng Tuấn
(tuandung46@yahoo.com)
Tiếp sức cho DN
Tôi là một DN nhỏ, rất đồng ý với các chuyên gia là chỉ nên cho vay ở mức LS từ 6 - 8%/năm (đối với ngắn hạn). Như vậy, nguồn vốn vay sẽ được khai thông, nền kinh tế sẽ tăng thêm sức mạnh rất nhiều. Trong khi DN đang ngắc ngoải mà LS vay như thế thì chẳng khác nào “giết” luôn DN! Cần phải tiếp sức cho chúng tôi bằng cơ chế và LS vay hợp lý hơn.
Trần Bảo Nguyên
(baonguyen_cc1972@gmail.com)
Ngâm vốn chẳng được lợi gì
Các ngân hàng cho vay LS cao, người dân không vay, vốn bị ngâm thì được lợi gì? Trong khi nếu linh động kéo giảm LS, dòng vốn được khơi thông thì bên nào cũng có lợi. Các ngân hàng muốn sống còn trong cuộc cạnh tranh này thì phải cùng lúc sử dụng nhiều biện pháp nhằm cho vay được nhiều, mà giảm LS cho vay là một giải pháp hiệu quả đầu tiên.
Hoàng Dũng
(docco@gmail.com)
Nguyễn Phong
Nguyễn Hồng Vân An Phong - Hải Nam |
Ban CTBĐ
(tổng hợp)
Bình luận (0)