Bằng nhiều thủ đoạn mua chuộc, thao túng các cầu thủ để biến họ thành con rối trong bàn tay của mình, các trùm độ đã điều hành canh bạc một cách tinh vi để lũng đoạn nền bóng đá VN.
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Bán độ được trận này sẽ bán tiếp trận khác
|
Rao độ sau khi bắt kèo
Do tâm lý của dân mê bóng đá nội là cứ đoán già đoán non theo kiểu “anh thắng lượt đi, tôi thua lượt về”, hoặc đội đá sân nhà dại gì thua để mang tiếng, để bị chỉ trích nên thường bắt theo “quy luật” tưởng là chắc ăn đó. Nhưng giới chơi cá độ không ngờ Sơn” cao”, Nghĩa “vé số” và những tay anh chị khác lại cao tay ấn hơn khi đã nắm lỏng nhiều cầu thủ trong tay, thậm chí ban huấn luyện một số đội cũng là “con cờ” nên đã bị chi phối buộc phải dàn xếp kèo một số trận trên sân Thống Nhất. Sau khi thỏa thuận với nhóm cầu thủ làm độ xong, các tay trùm độ này liền ra ngoài rao độ bằng cách “phủ sóng” các kèo tuân theo “quy luật” trên để giới chơi cá độ ở khu vực bán xe đường Lý Tự Trọng (Q.1) hay khu chợ vải Đồng Khánh (Q.5), khu Lò Siêu (Q.11), khu chợ Nhật Tảo và khu bán phụ tùng đường Nguyễn Chí Thanh (gần sân Thống Nhất, Q.10) nhanh tay bắt độ. Nhưng thực tế hầu hết kết quả đều ngựa về ngược khiến giới theo độ thua “cháy túi” và tiền thắng độ cứ thế liên tục chảy vào hầu bao của những thế lực ngầm này.
Thắng vài trận, các tên trùm độ này dưới sự phân chia thị trường của Sơn “cao” và Nghĩa “vé số” lại tiếp tục mở rộng quy mô đánh nhanh, đánh mạnh bằng cách nắm thêm một số cầu thủ biến chất của vài đội khác. Họ lân la làm quen bằng các tiệc nhậu thâu đêm suốt sáng hoặc nhờ một vài cựu cầu thủ đã giải nghệ nhưng vẫn còn luyến tiếc thời vàng son và có mối quan hệ khắng khít với số cầu thủ đàn em còn đang chơi bóng làm cầu nối để nhanh chóng đưa con mồi vào bẫy. Thời điểm đó, không riêng Sơn “cao” hay Nghĩa “vé số” mà có một loạt đại gia như Tuấn B, Phong, Sáng, Hợp, Chảy, Đông, Rớt... từng tổ chức hoạt động cá cược thường xuyên với quy mô từ vài trăm triệu đến hai, ba tỉ đồng, bởi đi đến đâu họ cũng khoe chơi thân với cầu thủ này hay kết nghĩa với cầu thủ khác, thậm chí còn nhận làm anh nuôi hay anh đỡ đầu, tung tiền ra trước mắt nhóm cầu thủ tài thì ít mà tật lại nhiều này khiến họ mờ mắt. Thường thì họ chỉ cần nắm vài cầu thủ chủ chốt và cứ sau một vài trận đấu lại tổ chức ăn nhậu và đưa một số tiền gọi là “bồi dưỡng”. Lâu ngày thành quen nên việc cầu thủ nhận tiền ngoài luồng để làm sai lệch kết quả các trận đấu trở thành chuyện bình thường. Một cầu thủ còn vô tư khai tại cơ quan điều tra rằng: “Chơi với các ông anh kết nghĩa luôn có cảm giác được tôn trọng và che chở nên khi được ông anh nhờ thì giúp được thì cứ giúp, chứ đâu có nghĩ là phạm pháp”.
Bể kèo nên biến bạn thành thù
“Chơi dao cũng có ngày đứt tay”, chính Trương Văn Dưỡng, Đinh Thế Nam và đồng phạm khi ra tòa đã chua chát nói lên như thế. Họ đều là những người bán độ nhưng đồng thời cũng là nạn nhân của những chiếc vòi bạch tuộc này. Theo số liệu chúng tôi có được, năm 1997 riêng Sơn “cao” và đồng bọn đã thao túng 9/22 trận đấu ở giải vô địch quốc gia của đội Hải Quan, trong đó có 2 trận không may là bị “lật kèo”. Trong 2 trận lật kèo, một là trận gặp Khánh Hòa trên sân Thống Nhất chính là do đối thủ không thèm đá vào lưới Hải Quan dù lượt đi trên sân Nha Trang, đội bóng TP.HCM đã thua. Riêng trận này do có quá nhiều quan chức đi xem, một vài cầu thủ ở hàng phòng ngự đội này dù đã mở toang cửa thành cho đối thủ đi bóng như chỗ không người nhưng trái bóng cứ tìm lên khán đài chứ không ngoan ngoãn bay vào lưới. Trận thứ hai là Hải Quan gặp Công an Hải Phòng ngày 2.11.1997 trên sân Lạch Tray cũng với diễn tiến hệt như vậy. Theo quy luật đội khách sẽ “nằm”, nhưng Sơn cao cùng với nhóm Ba Mạnh và Phong “tiểu sát tử” chỉ đạo trận này Hải Quan không được thua vì đã móc nối với phía cầu thủ Công an Hải Phòng rồi là chủ nhà sẽ không thắng. Nhưng không may cầu thủ Hải Quan dù dồn lên gây sức ép nhưng đá hoài không vào nên cuối cùng lại để thua 0-2.
Chính vì 2 trận đấu này mà Sơn “cao” đã phải bán căn nhà 312 đường Lãnh Binh Thăng để chung độ. Điên cuồng với sự thua bạc này, Sơn đã lệnh cho đàn em gọi điện hăm dọa số cầu thủ Hải Quan theo kiểu xã hội đen. Chính nhóm của Phong “tiểu sát tử” đã hù dọa Trương Văn Dưỡng và các cầu thủ ngay sau khi họ trở về TP.HCM là sẽ “xin tí huyết” khiến tinh thần các cầu thủ trở nên bấn loạn. Họ phải giam mình trong bóng tối, rụt rè khi tiếp xúc, nhát gừng khi trả lời bất cứ vấn đề gì khiến không khí ở đội Hải Quan những ngày sau đó còn hơn “đưa đám”. Quả là chơi dao cũng có ngày đứt tay.
Khi Sơn “cao” bị bắt vào ngày 12.1.1998, thế giới ngầm của bóng đá thực sự rúng động. Riêng ở đội Hải Quan, nhóm cầu thủ dính líu vào đường dây dàn xếp tỷ số cũng đứng ngồi không yên. Nhiều cầu thủ đã bỏ các buổi tập hoặc không dám bước chân ra khỏi nhà vì sợ bị “thanh toán” vì tội lật kèo.
Nhóm PV thể thao
Bình luận (0)